Vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội: Bố mẹ có phải bồi thường thay con?
(Dân trí) - Theo luật sư, với trường hợp trên 18 tuổi, bố mẹ không có trách nhiệm bồi thường thay con; còn nếu từ đủ 15 tới dưới 18 tuổi, bố mẹ có trách nhiệm bồi thường nếu tài sản của con không đủ.
Liên quan tới vụ án nhóm "quái xế" tông chết cô gái dừng đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), chiều 22/4, HĐXX TAND quận Hoàn Kiếm tuyên phạt Nguyễn Hồng Nhung (20 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, 18 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
Nguyễn Tá Minh Khang (17 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, 12 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng. Nhung và Khang là những người trực tiếp tông trúng chị Nguyễn Hương Quỳnh (27 tuổi) khiến nạn nhân tử vong tại hiện trường.
Ngoài trách nhiệm hình sự, Nhung và Khang có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Nhiều độc giả bày tỏ băn khoăn, theo quy định của pháp luật, việc xác định mức bồi thường như thế nào? Và nếu các bị cáo không đủ tiền bồi thường, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thay con hay không?

Bị cáo Nguyễn Hồng Nhung (Ảnh: Phùng Anh).
Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định như sau:
Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong trường hợp gây ra thiệt hại, họ có trách nhiệm phải tự bồi thường cho người bị thiệt hại;
Đối với người chưa đủ 15 tuổi, nếu còn cha, mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Đối với người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi, nếu gây thiệt hại, họ phải tự bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Như vậy, xét về nguyên tắc bồi thường, đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và gây thiệt hại, người đó có trách nhiệm phải tự bồi thường cho người bị thiệt hại bằng tài sản của mình. Ngoài ra, pháp luật không có quy định khác về việc bắt buộc cha mẹ, gia đình phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại mà con hoặc người thân thích gây ra, bất chấp việc người đó có đủ tài sản để bồi thường cho người bị thiệt hại hay không.
Còn đối với trường hợp người chưa đủ 18 tuổi, nguyên tắc bồi thường trước tiên cũng phải dựa trên số tài sản mà người gây thiệt hại sở hữu. Tuy nhiên, khác với nhóm trên 18 tuổi, trong trường hợp người gây thiệt hại ở độ tuổi từ 15 tới dưới 18 và không có đủ tài sản bồi thường, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Đối với trường hợp trên, do đã 20 tuổi, Nhung có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân bằng tài sản của bản thân. Đối với Khang, do thuộc nhóm từ đủ 15 tới dưới 18 tuổi, bị cáo có thể được cha mẹ hỗ trợ bồi thường phần còn thiếu.
Đối với các bị cáo khác, do chỉ phạm tội Gây rối trật tự công cộng, tức xâm phạm khách thể là an ninh trật tự công cộng và không xâm phạm tới quyền lợi của nạn nhân, gia đình nạn nhân, những người này không có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân.
"Về lý thuyết, pháp luật quy định về việc mọi cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra và không ép buộc thành viên gia đình phải chịu trách nhiệm chung với người vi phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật trên thực tế cần được sử dụng một cách mềm mại, khéo léo, trên tinh thần tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.
Khi đó, dù gia đình phía bị cáo không có trách nhiệm bắt buộc phải bồi thường nhưng nếu các bên đều thể hiện sự thiện chí, việc cha mẹ bồi thường thay cho con vẫn có thể được thực hiện và ghi nhận như một tình tiết trong việc giải quyết vụ án", luật sư bình luận.

Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: Phùng Anh).
Về việc xác định mức bồi thường, theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thường cho gia đình nạn nhân có tính mạng bị xâm phạm được tính dựa trên các yếu tố sau:
Thứ nhất, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, trong đó bao gồm các chi phí như chi phí cho việc cứu chữa, điều trị nạn nhân; phần thu nhập thực tế bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại hay chi phí cho phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại... Thiệt hại được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết.
Thứ hai, chi phí hợp lý cho việc mai táng, trong đó bao gồm các chi phí như: mua quan tài; hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ.
Thứ ba, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có);
Thứ tư, thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở, tức 234 triệu đồng.