"Đinh tặc" liên tục hoành hành: Xử lý hình sự có khó không?

Khả Vân

(Dân trí) - Bạn đọc Dân trí cho rằng, việc xử lý "đinh tặc" không khó, quan trọng là lực lượng chức năng địa phương có quyết liệt hay không.

Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm người dân lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch tại TP Hồ Chí Minh lại khốn đốn vì nạn "đinh tặc" hoành hành. Không chỉ hư hỏng tài sản mà tính mạng của người đi đường cũng bị đe dọa chỉ vì cách kiếm tiền của những kẻ mất nhân tính.

Mới đây, nhân viên Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO phát hiện phần chân cầu vượt Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), hướng về ngã tư An Sương có hàng trăm mảnh đinh hình thoi nghi do "đinh tặc" rải nên kéo xe hút đinh ra gom để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đinh tặc liên tục hoành hành: Xử lý hình sự có khó không? - 1

Mảnh đinh hình thoi được rải trên cầu vượt Tỉnh lộ 10 (Ảnh: Hoàng Thuận).

Theo đó, đoạn đường chưa được 50 m nhưng có hàng trăm mảnh đinh hình thoi được rải dày đặc ở mặt đường. Trong đó, nhiều mảnh đinh còn vết cắt mới tinh. Chỉ trong 3 ngày lượng đinh hút được là gần 3kg, nếu không may cán phải thì người tham gia giao thông sẽ gặp nguy hiểm khi chạy với tốc độ cao.

Không chỉ ở TPHCM, nạn đinh tặc thỉnh thoảng lại rộ lên ở nhiều tỉnh thành khác nhưng để xử lý dứt điểm tình trạng này rất khó, mặc dù nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Từng là nạn nhân của "đinh tặc", bạn đọc Hoàng Tích Trí kể: "Chúng kiếm ăn trên nỗi khổ của người đi xe máy. Tôi từng đẩy xe hàng cây số để thay chiếc xăm bánh trước với giá "từ bi" là 120 ngàn đồng ngay đường LTK, quận 10 do cán phải mảnh thép hình thoi mà lúc đấy cứ nghĩ là mảnh của dao rọc giấy.

Và theo tôi, nên truy ra nơi nào cắt những mảnh kim loại hình thoi này.

Những mảnh này có khả năng được cắt hoặc dập bằng máy. Các cơ sở gia công sắt thép không nhiều, chính quyền địa phương cần vào cuộc, tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở không gia công những thứ thế này, nếu liên quan sẽ bị phạt nặng. Ngoài ra cũng cần kiểm soát việc các cơ sở xử lý các vật liệu thừa sau gia công để những rìa thép tấm không rơi vào tay kẻ xấu, làm hại xã hội".

Đinh tặc liên tục hoành hành: Xử lý hình sự có khó không? - 2

Hàng trăm mảnh đinh dính vào thanh nam châm của máy hút đinh (Ảnh: Hoàng Thuận).

Theo bạn đọc Dân trí, việc xử lý đinh tặc không khó, quan trọng là lực lượng chức năng địa phương có quyết liệt hay không. Lý giải điều này, bạn đọc Minh Lâm cho rằng "trước đây camera an ninh không có hoặc còn hiếm hoi thì còn có thể nói khó phát hiện bọn đinh tặc, còn bây giờ thì đầy đường nên chuyện phát hiện những tên đinh tặc chẳng còn khó khăn lắm. Vấn đề chỉ là cơ quan Công an tại địa phương có quyết liệt truy quét hay không thôi".

Nhiều giải pháp cũng được bạn đọc đưa ra: "Theo tôi, nên quy trách nhiệm và xử lý nếu để trên địa bàn còn có những kẻ hành nghề bất lương về vá vỏ, ruột xe và sửa xe (địa phương nắm rất rõ những phần tử này), vì những kẻ rải đinh không có rảnh mà chúng đi rải đinh dọc đường, phải nói thẳng là giữa chúng và những kẻ hành nghề vá xe và sửa xe bất lương có "mối quan hệ làm ăn" với nhau".

"Trước mắt, cần lấy "cái tốt, cái đẹp để đẩy lùi cái xấu". Xin kiến nghị đoàn TNCS và hội LHTN ở địa phương cần tổ chức những đội vá xe lưu động kịp thời hỗ trợ người đi đường khi gặp sự cố do tệ nạn này, thường xuyên rà đinh và thu gom những vật sắc nhọn gây hại trên các tuyến đường bộ trên địa bàn.

Thiết nghĩ, giải pháp này chưa có thể giải quyết tận gốc và triệt để tệ nạn rải đinh, nhưng nó sẽ góp phần tích cực trong việc làm "tiệt đường" làm ăn của bọn bất lương. Với thiển nghĩ như trên, tin rằng sẽ có những cao kiến và giải pháp hay hơn của mọi người", bạn đọc Đỗ Hạnh.

"Cần xử lý hình sự nghiêm túc, tăng gấp đôi hình phạt nếu tái phạm. Nên ra quy định trong vòng bán kính 2 hoặc 4 km từ nơi phát hiện đinh rải, không được mở tiệm vá sửa xe. Thành lập tổ sửa xe SOS có đăng ký SĐT và cắm bảng giới thiệu dọc "đường rải đinh", ai cần gọi điện nhóm SOS xe này sẽ ra tận nơi có xe hư để sửa với số tiền hợp lý và có bảng báo giá đã được duyệt. Người hư xe sau đó có thể kiểm chứng qua số điện thoại thanh tra đính kèm", bạn đọc Lý Tuấn.

Bạn đọc Tạ Kim Anh thì cho rằng, với loại tội phạm này phải truy tố nặng vào khung hủy hoại tài sản và giết người, phải xử công khai vài trường hợp để làm gương.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà nội, có thể thấy những năm 2011 - 2014 dù "đinh tặc" liên tục xuất hiện, gây bức xúc trong xã hội nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng khó xử lý hình sự, vì bộ luật Hình sự chưa quy định về hành vi này.

Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý cá nhân vi phạm vào tội "cố ý làm hư hỏng tài sản", với yếu tố cấu thành tội phạm "gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Nhận thấy "lỗ hổng" trên, bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung hành vi rải đinh vào điều 261 quy định về tội "cản trở giao thông đường bộ".

Theo đó, người nào đặt, để, đổ... vật sắc nhọn gây cản trở giao thông đường bộ làm chết người, gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi đặt, rải đinh cản trở giao thông đường bộ chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật: rải đinh có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5 triệu - 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm.

Luật sư Xuyến cho rằng, nếu dựa theo quy định tại điều 261 thì rất khó trường hợp "đinh tặc" nào có thể bị xử lý hình sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật là cần thiết để ngăn chặn tình trạng "đinh tặc" xảy ra hiện nay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm