Có hay không thủ đoạn “ăn chặn” tiền bệnh nhân?

Qua Diễn đàn Dân trí, tôi rất đồng cảm với nỗi lòng bức xúc của mọi người mỗi khi phải bước chân đến bệnh viện. Ngoài những hiện tượng tiêu cực mà nhiều bài báo đã nêu, tôi xin nêu thêm một dẫn chứng về thủ đoạn “ăn chặn” tiền của bệnh nhân như thế nào.

Cách đây ít lâu, ngày 4/9/2007, tôi tới Bệnh viện 103 để khám dạ dày. Phải chờ xếp hàng đăng ký khám bệnh mất 2 giờ đồng hồ, tôi mới đến lượt vào khám. Sau khi khám, bác sĩ yêu cầu tôi đi thử máu kiểm tra HIV trước khi nội soi. Một lần nữa tôi phải đánh vật với xếp hàng để nộp tiền thử máu.

 

Trong khi xếp hàng có người lên tiếng “đến khổ, xin nộp tiền khám bệnh cũng khó khăn thế này sao”. Nói vậy chứ ai cũng phải cố gắng cho xong để được về nhà nghỉ ngơi. Sau khi làm xong các xét nghiệm, tôi mang kết quả tới vị bác sĩ ban đầu để xin đơn thuốc. Lúc này, tôi giật mình nghe bác sĩ nói: “Bệnh này nặng đây, bị viêm đại tràng, loét dạ dày, phải dùng thuốc tốt mới mong điều trị được”. Rồi vị bác sĩ kê cho tôi 4 loại thuốc và cho tôi địa chỉ cửa hàng thuốc để ra mua rồi phải mang thuốc vào cho bác sĩ xem và khi đó mới hướng dẫn cách dùng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Mặc dù trong lòng có băn khoăn, tôi đành nghe theo lời dặn đó của bác sĩ, vì biết đâu mình không nghe chỉ dẫn có mệnh hệ gì thì ai chịu trách nhiệm. Khi mua thuốc, tôi thanh toán mất gần một triệu đồng và thấy người bán hàng đưa cho 2 liên hóa đơn mua hàng.

 

Tôi mang thuốc và hóa đơn quay về bác sĩ đúng như lời dặn, thì bác sĩ đưa cho tôi một liên hóa đơn, còn liên kia giữ lại và bấy giờ mới ôn tồn hướng dẫn cách uống từng loại thuốc. Đến lúc này tôi mới hiểu ra giữa vị bác sĩ này với cửa hàng thuốc kia có sự ngoắc ngoặc với nhau cho nên mới cần giữ lại một liên hóa đơn để lấy tiền thù lao sau này. Vì lý do đó, mà bắt người bệnh phải đi lại nhiều lần như vậy.

 

Lẽ ra sau khi chẩn đoán bệnh và ghi đơn thuốc, nhiệm vụ của bác sĩ là hướng dẫn cách sử dụng thuốc, còn việc mua thuốc ở đâu là việc của bệnh nhân. Đằng này lại bắt người bệnh phải đến đúng hiệu thuốc theo chỉ dẫn và phải mua thuốc về mới hướng dẫn cách dùng thuốc. Tôi đem điều thắc mắc đó trao đổi với một số người bệnh cùng đi khám bệnh ở Bệnh viện 103 thì thấy họ cũng thắc mắc như tôi.

 

Thiết nghĩ ngành y tế cần có biện pháp nghiêm cấm người thầy thuốc ngoắc ngoặc với các cửa hàng thuốc để ghi đơn thuốc đắt tiền và chia lãi với nhau. Làm như vậy không những gây phiền hà cho người bệnh mà còn là thủ đoạn “móc túi” bệnh nhân hết sức trái với y đức của người thầy thuốc.

 

Thục Quyên

(nongnhatquyen@yahoo.com)

 

LTS Dân trí: Xin trân trọng chuyển ý kiến phản ảnh của bà Thục Quyên đến ông Giám đốc Bệnh viện Quân y 103. Chúng tôi hy vọng rằng từ nay về sau, Diễn đàn Điện tử Dân trí không còn phải tiếp nhận những ý kiến phản ảnh tương tự như ý kiến trên về thủ đoạn “móc túi” bệnh nhân hoàn toàn không còn xứng đáng với danh nghĩa người Thầy Thuốc, nhất là Thầy Thuốc của một Bệnh viện có truyền thống như Bệnh viện Quân y 103.