Chiêu "đi đường vòng" để bấm lại biển số, thoát kiếp "bốn chín, năm ba"
Biển số có đuôi số 49 hay 53 thường coi là xấu, không tốt. Vì thế nhiều người đã tìm cách đổi biển số khác bằng chiêu "đi đường vòng".
Thời gian qua, không ít câu chuyện chủ xe bấm được biển số đẹp, bán lại lãi cả tỷ đồng được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy vậy, cũng có nhiều người bấm phải những chiếc biển có đuôi số 49, 53 hoặc thậm chí cả số 49 lẫn 53.
Theo quan niệm của người Việt Nam, 49 và 53 được coi là số xấu nên khi có số này xuất hiện ở biển số xe, nhiều người cho rằng sẽ không gặp may mắn.
Trên một hội nhóm của dòng xe Hyundai Accent tại Việt Nam mới đây xuất hiện câu chuyện về việc khách hàng mua xe kiên quyết dặn đại lý tự bấm biển. Tuy nhiên, chưa rõ vì lý do gì mà đại lý khi chưa được sự ủy quyền của khách hãng đã thay khách hàng bấm biển số. Kết quả trong biển số do đại lý bấm có đuôi 53.
Sau khi biết thông tin này khách hàng đã kiên quyết không nhận xe, còn đại lý gợi ý phương án "đi đường vòng" để được bấm lại biển. Tuy nhiên chi phí sẽ do khách hàng chịu.
Trao đổi với PV, một người làm nghề kinh doanh ô tô cũ tại Long Biên (Hà Nội) có cả dịch vụ sang tên cho biết hoàn toàn có thể bấm lại biển nếu như gặp số xấu. Thế nhưng sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí tương đối.
Cụ thể, cách đầu tiên, chủ xe sẽ phải làm thủ tục bán xe sang địa phương khác bằng cách viết giấy mua bán với người ở khác địa phương và rút hồ sơ gốc của xe. Tuy nhiên, sau khi rút hồ sơ gốc, chủ xe sẽ không cần phải sang tên xe cho người mua trên giấy tờ mà có thể thực hiện đăng ký lại tại Hà Nội. Khi này, sẽ chỉ mất thêm một lần nộp lệ phí trước bạ sang tên ô tô cũ (2% giá trị khấu hao còn lại theo thời gian sử dụng được Bộ Tài chính quy định), không mất tiền biển số.
"Thế nhưng với cách làm này, chủ xe sẽ không được là người đứng tên trên đăng ký lần đầu. Chủ xe có thể chọn vợ hoặc một người thân trong gia đình đứng tên xe trên đăng ký mới, được bấm biển số khác. Còn nếu vẫn là chủ xe cũ thì biển số sẽ vẫn là biển cũ", người này chia sẻ thêm.
Còn cách hai, nếu chủ xe cũ vẫn muốn đứng tên trong đăng ký và bấm biển lại, bắt buộc phải thực hiện sang tên tại tỉnh khác. Khi này, chủ xe sẽ phải làm các thủ tục sang tên đầy đủ cho người mua. Sau đó, lại làm giấy mua bán và thực hiện làm thủ tục sang tên về lại địa phương ban đầu. Với cách làm này, chủ xe sẽ được bấm lại biển số một lần nữa, đứng tên trong đăng ký. Tuy nhiên, sẽ tốn 2 lần chi phí sang tên. Cũng còn phải tùy thuộc vào may mắn nếu không nguy cơ bấm phải biển số xấu vẫn hiện hữu.
Theo những cách trên, giả sử khách hàng mua ô tô tại Hà Nội đầu năm 2022, có giá tính lệ phí trước bạ là 1 tỷ đồng nhưng biển số xấu muốn được bấm lại ngay. Với cách làm đầu tiên, chủ xe sẽ chỉ tốn 2% giá trị khấu hao còn lại là 90% giá trị ban đầu (tương ứng 900 triệu đồng). Khi đó chi phí để được bấm lại biển số sẽ là 18 triệu đồng. Tiền biển số mới không mất vì xe có gốc là Hà Nội, đã mất tiền biển số cho lần đăng ký đầu tiên.
Còn nếu làm theo cách hai. Ví dụ sang tên cho một người ở TP. HCM, chủ xe sẽ phải chịu 2 lần số tiền nói trên (một lần sang tên tại TP. HCM và một lần sang tên về lại Hà Nội) và mất thêm chi phí đăng ký biển số tại TP. HCM (20 triệu đồng). Tổng cộng, chủ xe sẽ tốn khoảng 56 triệu đồng, tuy nhiên được đứng tên trong đăng ký cùng biển số mới.