Bài 12:
Cấp sổ đỏ trên đất “ma” tại Hoài Đức: Tại sao chưa khởi tố vụ án?
(Dân trí) - Đã gần 1 năm trôi qua, cũng là hết thời hạn điều tra, xác minh tố giác của công dân nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ công dân bỏ số tiền rất lớn ra mua đất có “sổ đỏ” nhưng rồi sau 10 năm bỗng dưng trở thành “sổ đỏ ma”.
Sau loạt bài điều tra được Dân trí đưa tin xoay quanh vụ việc về những cuốn sổ đỏ được cấp trên thửa đất “ma” tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức đã giao Phòng Tài nguyên và môi trường, Thanh tra huyện thanh kiểm tra, rà soát toàn bộ nội dung sự việc. Theo nội dung Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức trả lời cho gia đình bà Ái thì hồ sơ chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ có dấu hiệu giả mạo và không có đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất thổ cư số 75 tờ bản đồ số 4B tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Ngô Đăng Thọ và bà Nguyễn Thị Ái có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Những cuốn sổ được cấp trên "đất ma" tại huyện Hoài Đức.
Vậy hành vi của ông Ngô Đăng Thọ có vai trò như thế nào trong toàn bộ vụ việc này? Nhận định về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Việt - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng để đánh giá được vai trò, trách nhiệm của ông Thọ thì trước hết cần phải xem xét các Hợp đồng chuyển nhượng cũng như các giấy tờ về quyền sử dụng đất của các bên sau khi nhận chuyển nhượng đã được hình thành và sử dụng ra sao. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, xét đối với Hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Thọ và bà Ái ngày 25/2/2004:
Căn cứ theo nội dung tại Hợp đồng chuyển nhượng và hồ sơ về việc chuyển nhượng, cấp GCNQSDĐ cho bà Ái thì thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái là thửa đất ông Thọ nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Tác chứ không phải thửa đất ông Thọ nhận chuyển nhượng từ ông Ngô Khắc Quy bởi:
+ Theo Quyết định số 510/QĐ-UB ngày 30/3/2004 về việc cấp GCNQSDĐ cho bà Ái thì thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái là thửa đất được cấp GCNQSDĐ số S726276. Mà theo Quyết định số 3871/QĐ-UB ngày 18/12/2003 của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp GCNQSDĐ số S726276 cho ông Thọ thì GCNQSDĐ số S726276 cấp cho ông Thọ căn cứ trên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thọ và ông Nguyễn Văn Tác.
+ Thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái là thửa đất thổ cư. Trong khi đó, thửa đất ông Thọ nhận chuyển nhượng từ ông Quy là thửa đất nông nghiệp. Sau khi nhận chuyển nhượng từ ông Quy, ông Thọ đã được cấp GCNQSDĐ số S565580 ngày 22/9/2003. Theo hồ sơ mà bà Ái thu thập được và đã cung cấp cho cơ quan điều tra thì kể từ khi được cấp GCNQSDĐ số S565580, ông Thọ không hề làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (không có thông tin đăng ký điều chỉnh trên GCNQSDĐ) và cũng không có bất cứ mối liên hệ nào giữa GCNQSDĐ số S726276 và GCNQSDĐ số S565580. Do đó, không có căn cứ nào để khẳng định thửa đất ông Thọ đã ký chuyển nhượng cho bà Ái là thửa đất ông Thọ nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Quy.
+ Trên GCNQSDĐ số S726276, giấy tờ về việc chuyển nhượng, nộp thuế cho cơ quan nhà nước sau khi ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái đều ghi rõ diện tích mà ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái là 308m2. Con số này cũng trùng khớp với diện tích đất trên giấy tờ về việc chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ. Bên cạnh đó, thông tin về vị trí, địa chỉ của thửa đất mà ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái cũng trùng khớp với vị trí, địa chỉ thửa đất chuyển nhượng giữa ông Thọ và ông Tác.
Như vậy, rõ ràng về hồ sơ pháp lý thì không có cơ sở nào để khẳng định thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái là thửa đất mà ông Thọ nhận chuyển nhượng từ ông Quy.
Mảnh đất được UBND huyện Hoài Đức cấp nhiều sổ đỏ dẫn đến việc người dân bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Thứ hai, xét đối với Hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Nguyễn Văn Tác và ông Ngô Đăng Thọ ngày 05/12/2003 (có chữ ký, họ tên “Ngô Đăng Thọ” trên Hợp đồng chuyển nhượng và một số giấy tờ khác trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp GCNQSDĐ):
Ông Tác đã khẳng định tại Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ lập ngày 18/11/2015 tại nhà mình (thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) rằng vợ chồng cũng như các con không hề chuyển nhượng thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B của mình cho ai. Trong khi đó, trên Hợp đồng và cả Đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ ngày 06/12/2003 đều có chữ ký, họ tên ghi “Ngô Đăng Thọ”. Chính từ hồ sơ chuyển nhượng này, ông Thọ được cấp và nhận GCNQSDĐ số S726276 sau đó chuyển nhượng lại cho bà Ái.
Nhìn nhận về vụ việc có thể thấy rằng, ông Thọ là người được lợi từ việc cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ số S726276 bởi có giấy tờ này ông Thọ mới có thể chuyển nhượng tiếp cho bà Ái để thu về hơn sáu trăm triệu đồng. Về phía ông Tác, gia đình ông Tác vẫn sử dụng thửa đất của gia đình mình do đó ông Tác không được lợi gì từ việc giả mạo hồ sơ mua bán với ông Thọ.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có cá nhân, tổ chức nào tự ý làm giả hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho một người khác để người đó nhận GCNQSDĐ và tiếp tục chuyển nhượng cho người khác nữa hay không? Giả sử ông Thọ không biết đến việc “sổ đỏ” được cấp “nhầm” thì sau khi cấp, thấy toàn bộ thông số không đúng, đặc biệt là thông số loại đất từ đất “thổ canh” bỗng dưng biến thành đất “thổ cư”, thì tại sao ông Thọ không trình báo với cơ quan chức năng để đính chính lại “sổ đỏ”, mà lại cố tình mang đi rao bán, chuyển nhượng và chiếm đoạt của bà Ái số tiền hơn sáu trăm triệu? Nếu ông Thọ không tham gia vào quá trình giả mạo hồ sơ để được cấp GCNQSDĐ trước khi tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Ái thì liệu có thể có được GCNQSDD mà UBND huyện Hoài Đức đã khẳng định là có dấu hiệu làm giả này không?
Bí ẩn về những cuốn sổ đỏ được cấp cho đất "ma" tại huyện Hoài Đức đã được giải đáp.
Xem xét toàn bộ chứng cứ có trong vụ án này, không tìm thấy được căn cứ khẳng định việc chuyển nhượng đất của ông Thọ cho bà Ái là đúng quy định của pháp luật. Bởi hồ sơ về quá trình chuyển nhượng thửa đất số 75 tờ bản đồ số 4B tại thôn Cao Thượng đang chứng minh điều ngược lại, khi tại Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 trả lời cho gia đình bà Ái, UBND huyện Hoài Đức cũng đã chính thức khẳng định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thọ và bà Ái có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bà Ái là người đi mua nhà đất mà theo quy định của pháp luật thì đối với tài sản có ghi danh (có Giấy tờ về quyền sở hữu), trước khi mua bán, bên mua có quyền và nghĩa vụ phải xem xét bên bán có giấy tờ về quyền sở hữu hay chưa. Ở đây, bà Ái đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình đó là đã kiểm tra và biết thửa đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ số S726267 mang tên ông Thọ (bên bán); pháp luật không buộc bà Ái phải biết GCNQSDĐ của thửa đất nhận chuyển nhượng có được cấp đúng theo quy định của pháp luật hay không. Do vậy, bà Ái không có lỗi trong việc Hợp đồng chuyển nhượng có vi phạm pháp luật.
Theo thông tin gia đình bà Ái cung cấp thì sau khi tiến hành chuyển nhượng cho ông Nguyễn Tiến Định vào tháng 5/2014 và được UBND xã Đức Thượng thông báo mảnh đất của bà nhận chuyển nhượng từ vợ chồng ông Thọ không có trong bản đồ địa chính đất thổ cư của xã, bà Ái cũng đã tìm gặp phía ông Thọ để đề nghị giải đáp và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng ông Thọ đã không phối hợp giải quyết và cũng không hề trình báo với các cơ quan chức năng về những sai phạm trong hồ sơ chuyển nhượng đất giữa các bên. Nếu ông Thọ cho rằng việc chuyển nhượng của mình là hợp pháp thì vì lý do gì lại không trả lời cho gia đình bà Ái và trình báo với các cơ quan chức năng để giải quyết dứt điểm vụ việc?
Do không làm việc được với bên đã bán đất cho mình, đồng thời từ hồ sơ thu thập được, gia đình bà Ái nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nên bà Ái và người đại diện theo ủy quyền đã có đơn gửi tới Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức để tố giác về hành vi vi phạm của ông Thọ và cán bộ, công chức, viên chức cơ quan tài nguyên và môi trường huyện Hoài Đức, xã Đức Thượng. Sau khi có kết luận về những sai phạm trong vụ việc tại Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015, UBND huyện Hoài Đức cũng đã có công văn chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, cho tới nay đã gần 01 năm trôi qua, cũng là hết thời hạn điều tra, xác minh tố giác của công dân nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoài Đức vẫn chưa có kết luận chính thức về việc có dấu hiệu của tội phạm trong vụ việc này hay không? Việc bà Ái bỏ số tiền rất lớn ra mua đất có “sổ đỏ” nhưng rồi sau 10 năm bỗng dưng trở thành “sổ đỏ ma”, đây chưa đủ là điều bất thường để cơ quan điều tra vào cuộc hay sao? Vậy lý do của việc kéo dài vụ việc gần 01 năm mà chưa giải quyết là gì trong khi đã có rất nhiều chứng cứ chứng minh các vi phạm trong vụ án này? Dư luận vẫn đang chờ giải đáp từ các cơ quan chức năng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế