Bài 10:

Bí ẩn sổ đỏ trên “đất ma” tại huyện Hoài Đức: Sai phạm nghiêm trọng “chìm xuống”?

(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra của báo Dân trí về những cuốn sổ đỏ được cấp trên thửa đất “ma” tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, Thanh tra huyện này đã có báo cáo về những bất thường và kiến nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Mảnh đất không có thật tại xã Đức Thượng đã đã được biến hoá trong những cuốn sổ đỏ đều được tất cả các cấp chính quyền huyện Hoài Đức từ UBND xã Đức Thượng; Phòng Tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức và UBND huyện Hoài Đức xác nhận, đóng dấu.

Người ký quyết định cuối cùng cấp cuốn sổ đỏ “ma” là ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức. Ông Lĩnh sau đó chuyển sang giữ cương vị Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Bí ẩn sổ đỏ trên “đất ma” tại huyện Hoài Đức: Sai phạm nghiêm trọng “chìm xuống”? - 1


Bí ẩn về những cuốn sổ đỏ được cấp cho đất ma tại huyện Hoài Đức đã được giải đáp.

Bí ẩn về những cuốn sổ đỏ được cấp cho đất "ma" tại huyện Hoài Đức đã được giải đáp.

Thanh tra huyện đã có báo cáo trả lời số 81/BC- TTr ngày 18/12/2015. Theo nội dung báo cáo này thì kết quả thanh kiểm tra thể hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S726267 là hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất do hộ ông Nguyễn Văn Tác chuyển nhượng cho ông Nguyễn Đăng Thọ. Tuy nhiên, hồ sơ chuyển nhượng có dấu hiệu giả mạo. Thửa đất này cũng chính là thửa đất được mô tả trong Hợp đồng chuyển nhượng mà ông Thọ đã ký kết để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Ái.

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng hành vi của ông Thọ khiến cho gia đình bà Ái đã bỏ tiền ra mua một thửa đất thổ canh với giá một thửa đất thổ cư đã có “sổ đỏ” của đất ở, có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ vụ việc này.

Theo thông tin trên hợp đồng chuyển nhượng mà ông Thọ đã ký kết với bà Ái mô tả thì thửa đất mà ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái chính là thửa đất gia đình ông Thọ đã được UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSDĐ số S726276 ngày 18/12/2003.

Tại Công văn số 45/UBND ngày 28/12/2014, UBND xã Đức Thượng khẳng định thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho bà Ái vào tháng 3/2014 là thửa đất có địa chỉ tại khu Rảnh, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng với diện tích 285m2, mục đích sử dụng là đất canh tác. Nguồn gốc của thửa đất này là do ông Ngô Khắc Quy chuyển nhượng cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng số 485 ngày 09/9/2003.

Bí ẩn sổ đỏ trên “đất ma” tại huyện Hoài Đức: Sai phạm nghiêm trọng “chìm xuống”? - 3

Cận cảnh những cuốn sổ đỏ ma.

Cận cảnh những cuốn sổ đỏ "ma".

Tuy nhiên, theo nội dung trả lời tại Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức trả lời cho gia đình bà Ái thì: “không có đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất thổ cư số 75 tờ bản đồ số 4B tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; … Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Ngô Đăng Thọ và bà Nguyễn Thị Ái có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”.

Trong khi đó, theo thông tin được ghi trên GCNQSDĐ mà gia đình bà Ái được cấp sau khi nhận chuyển nhượng từ ông Thọ thì thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B là thửa đất có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 được cấp GCNQSDĐ ngày 15/5/1991 cho ông Nguyễn Văn Tác. Hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này (Điều này đã được ghi nhận tại Vi bằng số 238/2015/VB-TPLHĐ do Văn phòng thừa phát lại quận Hà Đông lập ngày 18/11/2015).

Mặc dù vậy, gia đình bà Ái lại thu thập được hồ sơ trong đó có Hợp đồng chuyển nhượng của vợ chồng ông Tác cho ông Thọ thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B. Trong hồ sơ cũng bao gồm cả giấy tờ về việc nộp tiền sử dụng đất, quyết định của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp GCNQSDĐ số S726276 cho ông Thọ.

Như vậy, qua những thông tin này có thể thấy rằng ông Thọ giữ vai trò rất quan trọng liên quan đến việc ký kết hợp đồng và cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Ái. Bản thân ông Thọ là người có đất, là người bán đất cho bà Ái và là người nhận tiền của bà Ái với số tiền khá lớn cách đây hơn mười năm lên đến hơn sáu trăm triệu đồng.

Theo kết quả điều tra, xác minh được ghi nhận tại Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức thì hồ sơ chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ có dấu hiệu giả mạo. Bản thân ông Thọ chính là người đã ký tên trên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Tác ngày 05/12/2003. Do đó, có thể khẳng định rằng, ông Thọ đã tham gia vào quá trình giả mạo hồ sơ để được cấp GCNQSDĐ trước khi tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Ái.

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt cũng lưu ý rằng, tại Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức trả lời cho gia đình bà Ái vừa khẳng định có dấu hiệu giả mạo hồ sơ trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác và ông Thọ, đồng thời cũng đưa ra kết luận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Thọ và bà Ái có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy ông Thọ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm trên trong việc cố ý tiến hành giao kết hợp đồng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì đối với tài sản có ghi danh (có Giấy tờ về quyền sở hữu), trước khi mua bán, chuyển nhượng, bên mua có quyền và đồng thời cũng là nghĩa vụ phải xem xét bên bán có giấy tờ về quyền sở hữu hay chưa. Ở đây, bà Ái đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình đó là đã kiểm tra và biết thửa đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ số S726267 mang tên ông Thọ. Bà Ái không thể và cũng không có trách nhiệm buộc phải biết GCNQSDĐ của thửa đất nhận chuyển nhượng có được cơ quan chức năng cấp đúng theo quy định của pháp luật hay không. Do vậy, bà Ái không có lỗi trong việc Hợp đồng chuyển nhượng có vi phạm pháp luật một cách tinh vi và trắng trợn như thế này.

Về phía trách nhiệm của ông Thọ thì như đã phân tích ở trên, ông Thọ đã tham gia vào quá trình giả mạo hồ sơ để được cấp GCNQSDĐ số S726267 trước khi tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Ái.


Mảnh đất được nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Hoài Đức ký trong quy trình cấp sổ đỏ ma dẫn đến người dân bị lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Mảnh đất được nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Hoài Đức ký trong quy trình cấp sổ đỏ "ma" dẫn đến người dân bị lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Hành vi giả mạo hồ sơ, giấy tờ của ông Thọ đã có đủ dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Xét trong vụ việc này: Hành vi khách quan của ông Thọ ở đây là ông Thọ đã có hành vi gian dối, giả mạo hồ sơ, giấy tờ về việc chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ để được cấp GCNQSDĐ số S726276. Sau đó, ông Thọ đã đưa ra GCNQSDĐ này, làm cho bà Ái tin rằng ông Thọ có thửa đất ở đã được cấp GCNQSDĐ sau đó chuyển nhượng thửa đất trên giấy tờ là đất ở nhưng thực tế là đất canh tác để chiếm đoạt tài sản của gia đình bà Ái, đó là khoản tiền hơn sáu trăm triệu bà Ái đã thanh toán cho việc mua đất.

Việc thực hiện hành vi gian dối là để chiếm đoạt tài sản của bà Ái (chuyển nhượng thửa đất ở vị trí khác, có mục đích sử dụng khác, giá trị thấp hơn) được thực hiện một cách cố ý với sự tính toán từ trước. Cụ thể, ông Thọ đã làm giả hồ sơ, giấy tờ trước khi tiến hành việc chuyển nhượng cho bà Ái. Ở đây, sau khi nhận bàn giao số tài sản đó và quản lý, sử dụng, đóng thuế đất ở thì mãi 10 năm sau bà Ái mới biết rằng thửa đất số 75 thuộc tờ bản đồ 4B có địa chỉ tại thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, có diện tích 321m2 là của gia đình ông Tác và hiện ông Tác vẫn đang quản lý, sử dụng thửa đất này. Bên cạnh đó, khi tiến hành việc chuyển nhượng sau này, bà Ái mới biết thửa đất ông Thọ chuyển nhượng cho mình là thửa đất ở một vị trí khác và mục đích sử dụng đất là đất canh tác chứ không phải đất thổ cư như trên hợp đồng chuyển nhượng và giấy tờ mà ông Thọ cung cấp.

Giá trị tài sản mà ông Thọ chiếm đoạt được đó là toàn bộ số tiền mà bà Ái đã thanh toán cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng (số tiền là sáu trăm mười sáu triệu đồng). Với số tiền chiếm đoạt này, ông Thọ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 BLHS.

Theo quy định này tùy theo mức độ tương đương giữa tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà hành vi của ông Thọ có thể bị xử phạt tù với mức phạt từ 12 năm đến 20 năm.

Như vậy, với những thông tin và hồ sơ do các cá nhân, cơ quan nhà nước cung cấp cho tới thời điểm này khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng lợi dụng GCNQSDĐ số A490094 đã được thu hồi của gia đình ông Tác năm 2002 khi gia đình ông Tác tiến hành thủ tục tách sổ, ông Thọ đã cùng những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền làm giả hồ sơ để cấp “sổ đỏ” cho gia đình ông Thọ nhằm hợp thức hóa thửa số 432, tờ bản đồ số 05 từ đất nông nghiệp do ông Ngô Khắc Quy bán cho ông Thọ thành đất ở lâu dài, sau đó trên cơ sở cuốn “sổ đỏ” giả này ông Thọ tiếp tục chuyển nhượng cho bà Ái để chiếm đoạt tài sản?

Trong Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức đã xác định có dấu hiệu hiệu giả mạo hồ sơ trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tác và ông Thọ đồng thời cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thọ và bà Ái. Sau khi có kết luận này, UBND huyện Hoài Đức đã có công văn chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi gia đình bà Ái có đơn thư tố cáo, vụ việc vẫn chưa được bất cứ cơ quan chức năng nào có câu trả lời chính thức về việc xác minh rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, cũng như về số phận pháp lý của cuốn sổ đỏ ma này.

Đây phải chăng là một điều bất thường lớn bởi đã có văn bản trả lời là có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng cũng như giả mạo hồ sơ, đã có văn bản khẳng định thửa đất được chuyển nhượng không phải là đất ở như được ghi trên “sổ đỏ” mà là đất thổ canh. Rõ ràng một mình ông Thọ thì không thể nào có thể tạo ra được một cuốn “sổ đỏ” ma với cách thức tinh vi đến thế để chiếm đoạt số tiền của bà Ái. Vậy tại sao đến nay UBND huyện Hoài Đức lại vẫn chưa hề có bất cứ một kết luận nào? Và ai là người thực sự có lợi đằng sau sự “im lặng” này?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm