Bài 11:
Hà Nội: Ai "phù phép" cho những tấm sổ đỏ được cấp trên “đất ma” tại huyện Hoài Đức?
(Dân trí) - Đã hơn 5 tháng kể từ ngày có kết luận vụ cấp sổ đỏ trên “đất ma”, đồng thời UBND huyện Hoài Đức cũng đã có văn bản số 5190/UBND-TTr chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thế nhưng chính quyền huyện Hoài Đức vẫn chưa công khai trước dư luận về việc xử lý các cán bộ sai phạm.
Điều kỳ lạ là trong suốt quá trình chuyển nhượng, đăng ký biến động quyền sử dụng đất giữa các chủ thể trên đều có sự xác nhận, thẩm tra của chính quyền huyện Hoài Đức bao gồm: UBND huyện Hoài Đức, Phòng Địa chính huyện Hoài Đức và UBND xã Đức Thượng. Vậy trách nhiệm của những cán bộ thuộc các bộ phận đã xác nhận trên các giấy tờ chuyển nhượng, hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất trong vụ việc này ra sao?
Những cuốn sổ được cấp trên "đất ma" tại huyện Hoài Đức.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Việt - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng: trong vụ việc này không chỉ có hành vi vi phạm pháp luật của ông Ngô Đăng Thọ mà còn những sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, công chức, viên chức thuộc chính quyền huyện Hoài Đức, thể hiện trong việc xác nhận, đăng ký biến động cho các giao dịch chuyển nhượng và cả trong cả quá trình quản lý đất đai tại địa phương. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với việc xác nhận vào các hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất trên GCNQSDĐ:Trong vụ việc này, rõ ràng trên thực tế không hề có sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số 75, tờ bản đồ 4B giữa vợ chồng ông Tác với ông Thọ, hiện gia đình ông Tác vẫn đang quản lý và sử dụng thửa đất của mình (gia đình ông Tác vẫn đang giữa giấy tờ về quyền sử dụng đất của gia đình mình đó là sổ đỏ mang tên hai người con của ông Tác năm 2002). Mặc dù vậy, trong hồ sơ ông Thọ nộp tại cơ quan chức năng lại xuất hiện Hợp đồng chuyển nhượng có chữ ký của các bên, có Quyết định số 3871 của UBND huyện Hoài Đức về việc cấp GCNQSDĐ cho ông Thọ và có GCNQSDĐ được cấp cho ông Thọ theo Hợp đồng chuyển nhượng (giữa vợ chồng ông Tác và ông Thọ).
Sự gian dối trong việc tạo lập hồ sơ và cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 75 cho ông Thọ không chỉ có mình hành vi sai phạm của ông Thọ (thể hiện qua chữ ký của ông Thọ trên các giấy tờ về việc chuyển nhượng, nộp thuế…) mà còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng bởi chính trên Hợp đồng chuyển nhượng ký tên ông Tác và ông Thọ lập tại UBND xã Đức Thượng ngày 05/12/2003 có cả chữ ký, con dấu của cán bộ UBND xã Đức Thượng, Phòng Địa chính huyện Hoài Đức và UBND huyện Hoài Đức.
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999, Thông tư 1417/1999/TT-TCĐC của Tổng Cục địa chính thì đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên và việc cấp GCNQSDĐ, UBND xã Đức Thượng, Phòng Địa chính huyện Hoài Đức (Phòng tài nguyên và môi trường huyện Hoài Đức) và UBND huyện Hoài Đức là các cơ quan có thẩm quyền xác nhận và hợp đồng chuyển nhượng. Bên cạnh đó, theo mẫu ban hành kèm Thông tư số 1883/2001/TT-TCĐC thì UBND xã sẽ xác nhận các nội dung về giấy tờ chuyển nhượng, hiện trạng nhà, chủ sử dụng đất, điều kiện chuyển nhượng. Còn đối với UBND huyện thì sẽ tiến hành xác nhận kết quả thẩm tra (đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của UBND xã).
Mảnh đất được UBND huyện Hoài Đức cấp nhiều sổ đỏ dẫn đến việc người dân bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Sau khi đã thẩm tra và xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng của các bên thì UBND xã và UBND huyện còn phải thực hiện công việc: thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng. Trong quá trình này, UBND xã, Phòng Địa chính huyện và UBND huyện đều phải tiến hành thủ tục thẩm định, thẩm tra hồ sơ sau đó mới ban hành Quyết định cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc các cán bộ thuộc các phòng ban chuyên môn cũng như lãnh đạo UBND các cấp không thẩm tra, xác minh rõ về điều kiện chuyển nhượng mà đã tiến hành xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng và tiến hành các thủ tục khác để cấp GCNQSDĐ cho ông Thọ là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với công tác quản lý đất đai:
Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đó là thống kê, kiểm kê đất đai, khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, UBND các cấp thực hiện việc thống kê, kiểm kê đất đai theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; Việc thống kê đất đai được tiến hành mỗi năm một lần, trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai còn việc kiểm kê đất đai được tiến hành 05 năm một lần; Bản đồ hiện trạng sẽ được lập 05 năm một lần gắn liền với việc kiểm kê đất đai.
Như vậy, thông qua việc kiểm kê, thống kê này, các cơ quan quản lý đất đai các cấp mà trước hết là UBND cấp xã phải nắm được hiện trạng sử dụng đất tại địa phương và tiến hành chỉnh lý, đề nghị chỉnh lý thông tin trên hồ sơ nếu có phát hiện sai sót.
Trong vụ việc này, bà Ái đã nhận chuyển nhượng đất của ông Thọ và được cấp GCNQSDĐ cách đây hơn 10 năm, hàng năm bà đều đóng thuế đất ở đầy đủ. Điều này có nghĩa là ít nhất việc sử dụng đất của gia đình bà Ái, ông Thọ và ông Tác đã trải qua một lần kiểm kê, thống kê của UBND các cấp. Việc UBND các cấp tiến hành kiểm kê, thống kê nhưng vẫn để có sai lệch trong hồ sơ và hiện trạng sử dụng đất của người sử dụng đất, không phát hiện được sai sót trong hồ sơ, giấy tờ về quyền sử dụng đất của người sử dụng đất còn cho thấy rằng cán bộ, công chức, viên chức của UBND các cấp đã không thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý đất đai tại địa phương.
Mảnh đất không có thật tại xã Đức Thượng được “biến hoá” trong những cuốn sổ đỏ đều được tất cả các cấp chính quyền huyện Hoài Đức từ UBND xã Đức Thượng; Phòng Địa chính huyện Hoài Đức và UBND huyện Hoài Đức xác nhận, đóng dấu.
Bí ẩn về những cuốn sổ đỏ được cấp cho đất "ma" tại huyện Hoài Đức đã được giải đáp.
Sai phạm nghiêm trọng đã kéo dài suốt hơn 10 năm nay và chỉ vô tình được phát hiện khi bà Ái làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất của mình cho người khác. Qua những thông tin và kết quả xác minh cho tới thời điểm này cũng có thể thấy rằng những sai phạm nghiêm trọng trên không chỉ là sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ địa chính mà rất có thể đã có dấu hiệu của sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách có hệ thống.
Theo nội dung Văn bản số 5191/UBND-TTr ngày 22/12/2015 của UBND huyện Hoài Đức trả lời cho gia đình bà Ái thì: “hồ sơ chuyển nhượng giữa ông Tác và ông Thọ có dấu hiệu giả mạo”, “không có đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là thửa đất thổ cư số 75 tờ bản đồ số 4B tại thôn Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; … Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Ngô Đăng Thọ và bà Nguyễn Thị Ái có dấu hiệu vi phạm pháp luật.”.
Cho đến nay đã hơn 05 tháng kể từ ngày có kết luận trên, đồng thời UBND huyện Hoài Đức cũng đã có Văn bản số 5190/UBND-TTr ngày 22/12/2015 chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thế nhưng chính quyền huyện Hoài Đức vẫn chưa có bất cứ động thái nào để xử lý các cán bộ có sai phạm. Thực tế cho thấy, tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào việc xác lập các hợp đồng chuyển nhượng, thẩm tra hồ sơ để cấp GCNQSDĐ vẫn đang tiếp tục cương vị của mình; Người ký quyết định cuối cùng cấp cuốn sổ đỏ “ma” là ông Nguyễn Xuân Lĩnh - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã chuyển sang giữ cương vị Phó ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Trong cuộc bầu cử vừa qua, rất có thể những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm vẫn tiếp tục được đề cử, ứng cử vào bộ máy chính quyền địa phương.
Trong vụ việc này bà Ái đã bị chiếm đoạt một cách trắng trợn số tiền hơn sáu trăm triệu đồng - một số tiền quá lớn cách đây hơn 10 năm, đến bây giờ vẫn đội đơn đi khắp các nơi để kêu cứu, nhưng mọi cánh cửa vẫn chưa mở ra khi vẫn chưa có bất cứ kết luận nào của chính quyền huyện Hoài Đức về số phận pháp lý của thửa đất bà đã mua, cũng như về hành vi lừa đảo, giả mạo giấy tờ cơ quan Nhà nước của các cá nhân có liên quan trong vụ việc này.
Việc sự chậm chễ trong việc xử lý các sai phạm của UBND huyện Hoài Đức không chỉ làm ảnh hưởng tới việc giải quyết quyền lợi hợp pháp cho người dân mà còn khiến dư luận nghi ngờ và đặt câu hỏi rằng: Liệu có sự cấu kết và trục lợi giữa các cá nhân, tổ chức liên quan và ai là người thực sự được lợi trong vụ việc này?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc!
Anh Thế