Cần sớm chấm dứt tình trạng lộn xộn của Tiếng Việt

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng cần sớm có những biện pháp từ phía các cơ quan chức năng để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Bởi tiếng Việt ngày nay được sử dụng quá tuỳ tiện và nhiều khi là do thiếu ý thức.

Bạn đọc: Nguyễn Hà Thành

 

Theo quan điểm của cá nhân tôi, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, cần thực hiện những việc sau đây:

 

- Sớm có một quy chuẩn về việc sử dụng tiếng Việt để áp dụng rộng rãi trong cả nước, tạo ra sự thống nhất trong cách đọc và cách viết. Tôi có may mắn được học thêm một ngoại ngữ là tiếng Anh và thấy rằng, trong tiếng Anh có quy định rất cụ thể và rõ ràng trong việc viết câu, viết một đoạn văn và viết một bài tiểu luận thế nào. Còn trong tiếng Việt, thường thì mọi người hay viết tuỳ tiện theo kiểu cứ nghĩ ra cái gì thì viết cái đó mà không có sự hiểu biết cụ thể về việc viết một đoạn trong một bài tiểu luận như thế nào.

 

-Cần  có sự thống nhất tuyệt đối từ phía các cơ quan ngôn luận như: truyền hình, báo chí… Ví dụ như trong cách viết tên riêng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chẳng hạn; hay trong cách đọc, cách viết tên riêng nước ngoài… Tại sao lại có sự lai căng chẳng ra đâu vào đâu của tiếng Việt được phát đi từ các cơ quan này? Tên thì mỗi người đọc một kiểu, chữ thì mỗi người viết một khác, thậm chí đến tiếng Việt còn viết sai lỗi chính tả… Ở đây tôi xin phép không đưa ra các bằng chứng cụ thể vì tôi nghĩ rằng cái đó là quá phổ biến và ai cũng biết.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

- Cần có sự tôn trọng đối với Tiếng Mẹ đẻ. Tôi dẫn ra đây những ví dụ cụ thể để những ai yêu mến Tiếng Mẹ đẻ cùng suy ngẫm và tìm cách giải quyết vấn đề. Ngày nay đi trên đường (đặc biệt ở Hà Nội) đâu đâu ta cũng thấy những biển hiệu của các Công ty, các Toà nhà, các biển quảng cáo… đều được viết bằng tiếng Anh, và dường như mọi người lại sùng bái nó hơn cả tiếng nói mà chúng ta nói hàng ngày. Như The Manor, The Garden, Parkson, Vincom, hay toà cao ốc cao nhất Việt Nam bây giờ - Keangnam Hanoi Landmark Tower, thậm chí những biển quảng cáo khi Việt Nam tổ chức các sự kiện quốc tế… Không có một chữ nào là chữ Việt Nam khi mà nó được tổ chức ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Có phải người dân Việt Nam nào cũng biết tiếng Anh đâu mà đọc những thứ đó.

 

Tôi thiết nghĩ cần có một quy định cụ thể trong việc viết các biển hiệu này từ khi nó được đăng ký hoạt động. Như việc quy định bắt buộc viết bằng chữ Việt Nam lên trên và viết to, còn chữ tiếng Anh phải được viết nhỏ và viết phía dưới. Tất cả các giao dịch phải được giao dịch bằng tiếng Việt. Có như vậy mới có thể làm cho tiếng Việt của chúng ta được trong sáng.

 

Hà Nội đang tiến tới ngày Kỷ niệm Một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội như để chứng tỏ với thế giới về một nền văn hiến lâu đời của đất nước. Vậy chúng ta sẽ chứng tỏ điều gì đây khi mà đến chữ viết của chúng ta cũng không còn? Mỗi chúng ta sẽ làm gì đây để chứng tỏ với thế giới về nền văn hoá lâu đời của chúng ta?

 

                       

Bạn đọc: Khoa@email.com

 

Sau khi đọc bài "Có thể viết Tiếng Việt tự do hay tùy tiện?” của tác giả Phan Tử Bằng, tôi có một số ý kiến như sau:

Tôi đồng ý với ý kiến của tác giả về sự "Lộn xộn" trong cách dùng từ tiếng Việt cũng như cách phát âm các từ viết tắt ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan chính phủ và ngành giáo dục, nhưng tôi không đồng tình về ý kiến chúng ta quá lạm dụng tiếng Anh. Đây là vấn đề không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đều gặp phải. Lý do: Sự toàn cầu hoá.

Hiện nay do sự phát triển quá mạnh và nhanh chóng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là xu thế toàn cầu hoá nên khắp mọi nơi trên thế giới đều phải thay đổi theo. Nếu không thì sẽ bị tụt hậu và không giao lưu cũng như hợp tác được với nhiều nước khác trên thế giới. Đừng nên nhầm lẫn giữa việc xem tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc mà quên rằng cần phải có sự hợp tác trong kinh tế , văn hoá , xã hội với nhiều quốc gia khác trên thế giới thì đất nước mới trở nên hùng mạnh được. Nếu chúng ta cứ dạy cho trẻ con viết chữ Mát xì cơ va là thủ đô nước Nga mà không dạy chúng tên tiếng Anh viết là Moscow thì sau này bọn chúng sẽ không biết từ Moscow nghĩa là gì. Tại sao ngày nay các trường học đều dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ lớp 1 mới 6 tuổi. Tại sao ngày nay mọi người đều đổ xô đi học tiêng Anh quá nhiều như vậy? Tại sao ngày nay có quá nhiều trung tâm dạy tiếng Anh nhiều như vậy? Nếu các quốc gia trên thế giới đều bảo thủ và xem ngôn ngữ của họ là hay nhất, không chấp nhận ngôn ngữ khác thì ngày nay thế giới sẽ rất lộn xộn và không có khái nhiệm toàn cầu hoá. Bây giờ mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều đọc và hiểu được các chữ như: CocaCola, Toshiba (không phải Tô Xi ba), Boeing (không phải Bu - inh), copy, camera, telephone, fax, stop (không phải xì-tốp),.... Để thống nhất và điều chỉnh thì không khó nhưng có lẽ do những cái đầu bảo thủ của nhiều người trong cơ quan quản lý nhà nước nên họ không biết cách phải làm gì và làm như thế nào mà thôi. Đây là vấn đề không mới và không phải là chưa ai nhắc đến mà do không ít quan chức nhà nước mải lo làm ăn cá nhân nên quên hết việc công của quốc gia.

 

 

Bạn đọc: Huỳnh Minh Trí

Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết trên, chúng ta nên có một chuẩn mực trong ngôn ngữ Việt, không thể để tùy tiện, ai muốn làm gì thì làm. Ở đây, tôi chỉ nêu ra 2 ví dụ , đủ để thấy chúng ta đã tùy tiện đến mức nào. Thật đáng buồn là sự tùy tiện không phải là ít mà nó gần như là công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ( kể cả VTV và VOV ) :

 Trên VTV, tôi rất lấy làm lạ là vì sao họ lại đọc một cách không thống nhất : Khi đọc nhóm G7 thì họ đọc là " Gờ 7 ", tôi hoàn toàn đồng ý . Họ cần phải đọc như thế vì tiếng Việt mình đọc G là " Gờ ", trẻ con đi học cũng được dạy là " Gờ ". Vậy thì sao đến lúc đọc nhóm SNG họ lại không đọc là " Sờ - Nờ - Gờ " mà lại đọc là " Ếch - en - giê " .  Vậy thì những người có trách nhiệm xin hãy cho tôi biết có phải tiếng Việt có 2 cách đọc ???

Tôi không phản đối đọc theo cách nào cả, cách nào cũng có cái lý của nó , nhưng anh phải đọc một cách thống nhất, khi đọc là Gờ 7 thì chắc chắn anh phải đọc SNG la Sờ Nờ Gờ,

Tương tự như vậy, nếu đọc đúng tiếng Việt hiện nay thì tất cả chúng ta phải đọc là Vờ Tờ Vờ ( VTV ), Vờ O Hờ ( VOH ),

Chúng ta cần có một chuẩn mực chung, chứ không thể tùy tiện mãi như thế được.

Bạn đọc: Trần Ninh 

 

Tuần trước vợ tôi có mua một bộ tranh màu: Bé tập làm quen với đồ vật, cây cỏ, động vật… của công ty Nhật Hoa Minh địa chỉ: 148 Bạch Mai-Hai Bà Trưng-Hà Nội cho cháu thứ 2 nhà tôi được 2 tuổi. Các hình vẽ rất đẹp, màu sắc sinh động, tuy nhiên khi nhìn kỹ tôi thấy có vài từ chú thích in trong tập tranh đó có lỗi về chính tả rất sơ đẳng, ví dụ:

 

  1. Trong tờ tranh “Bé tập làm quen với động vật rừng 1” Hình vẽ con Hà mã lại chú thích là “Hàm mã”. Thiết nghĩ con Hà mã (Hippopotamus) chắc ai cũng biết và không thấy ai gọi là Hàm mã bao giờ cả.
  2. Trong 1 tờ tranh “Bé tập làm quen với vật nuôi” có chú thích “Gà trọi” chỉ con gà thường nuôi để đánh nhau, phải viết là “Gà chọi” mới đúng.
  3. Trong tờ tranh “Phương tiện giao thông” có chú thích phía dưới hình ảnh chiếc máy bay chở khách bằng tiếng Anh là “Passenger Airline” tôi nghĩ từ “Airline” theo tiếng Anh là chỉ“Công ty, hãng hàng không, đường bay” chứ không phải là từ chỉ máy bay. Máy bay hành khách thường được dùng bằng từ “ Passenger Airplane” hoặc “Airplane” nói chung.
  4. Cũng trong tờ tranh “Phương tiện giao thông” có chú thích phía dưới hình ảnh chiếc du thuyền bằng tiếng Anh là “Ship” tôi nghĩ từ “Ship” trong tiếng Anh hay dùng để chỉ tàu thuỷ nói chung và cũng thường được dùng để chỉ tàu thuỷ chở hàng, còn tàu chở khách thường hay dùng từ “Boat”.

Tôi không xem hết tập tranh nói trên nhưng chỉ nhìn mấy tờ thấy có vài ý kiến như vậy. Thiết nghĩ đó là sản phẩm dùng để dạy học thì dù cho lứa tuổi nào cũng đỏi hỏi phải chính xác. Đối với các cháu nhỏ có thể không cần chú thích bằng ngoại ngữ trừ các từ không có trong tiếng Việt hoặc chúng ta đã quá quen với việc dùng từ phiên âm từ tiếng nước ngoài nhưng đã chú thích thì phải chính xác.

 

LTS Dân trí - Qua những ý kiến đóng góp của nhiều bạn đọc, chúng ta thấy rằng việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trong lúc này quả thật là cấp bách, nhất là trong bối cảnh sắp tổ chức lễ kỷ niệm trọng đại, đánh mốc 1000 năm của một thủ đô có truyền thống văn hiến là Thăng Long- Hà Nội.

Muốn vậy, trước hết mọi người dân Việt Nam phải có tấm lòng yêu Tiếng Mẹ đẻ của mình, biết quý trọng sự phong phú và tinh tế của tiếng Việt để không ngừng trau dồi và vận dụng cho đúng khi nói, và nhất là khi viết.

Về mặt quản lý Nhà nước, thiết nghĩ cần văn bản pháp quy xác định rõ bộ tự điển Tiếng Việt nào cũng như quyển sách ngữ pháp Tiếng Việt nào được coi là chuẩn mực để mọi người theo, từ đấy tạo ra sự thống nhất về nhận thức cũng như vận dụng Tiếng Việt trong cách nói và cách viết, nhất là trong những trường hợp còn chưa có sự nhất trí giữa các nhà ngôn ngữ.

Việc sử dụng tiếng Anh cũng như một số ngọai ngữ khác trong đời sống xã hội là điều tất yếu của quá trình hội nhập và tòan cầu hóa. Cũng trong quá trình phát triển đó, việc du nhập tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) để làm phong phú thêm vốn từ vựng của Tiếng Việt là một điều cần thiết, nhưng cũng cần có sự quy định thống nhất để không làm cho tiếng Việt trở nên lai căng, lộn xộn mà vẫn giữ được sự trong sáng và bản sắc vốn có của ngôn ngữ dân tộc.