Cấm pháo hoa, còn gì là Tết?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Thế hệ trước lúc có pháo vui hơn, không khí Tết rộn ràng đến từng nhà. Giờ chỉ biết ôm điện thoại hay sắm thứ gì đó cho xong. Vậy Tết còn ý nghĩa gì khi không có tiếng pháo?".

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) mới diễn ra, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dừng việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Lý do được bà đưa ra là do hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong những năm qua không đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không đem lại lợi ích gì cho nhân dân và còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân. 

Ngay lập tức, đề xuất này của nữ đại biểu gây ra làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận. Mỗi dịp lễ, Tết, pháo hoa luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân. Do đó, nhiều độc giả bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của bà Phúc. 

Cấm pháo hoa, còn gì là Tết? - 1

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Ảnh: Hồng Phong).

Giao thừa mà không có pháo thì buồn, làm sao cả năm lao động hăng say được? 

Bày tỏ quan điểm bằng giọng điệu gay gắt, độc giả Huỳnh Dung viết: "Hãy hỏi xem các thế hệ trước và trẻ nhỏ bây giờ xem những dịp lễ Tết có gì khác nhau không? Dĩ nhiên thế hệ trước lúc có pháo vui hơn, không khí Tết rộn ràng đến từng nhà, còn giờ chỉ biết ôm điện thoại hay sắm vài thứ gì đó cho có là xong. Vậy Tết còn ý nghĩa gì khi không có tiếng pháo? Lễ Tết chúng ta cần những món ăn về tinh thần nhiều hơn là ăn uống. 

Đừng cái gì không làm được thì lại đòi cấm. Nếu cái gì không quản lý được lại đề xuất cấm thì tôi nghĩ nên xem lại cách quản lý của các cơ quan chức năng". 

Chung cảm nhận, chị Dương Thùy cũng nhấn mạnh rằng vấn đề nằm ở khâu quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: "Tư duy không quản lý được thì chúng ta cấm. Lợi ích của việc bắn pháo hoa rất trừu tượng, chỉ những đứa trẻ ngày xưa mới hiểu và mô tả được chính xác. Người nào không được trải qua tuổi thơ ngắm pháo hoa sẽ không thể diễn tả được lợi ích của nó. Ngày Tết, thấy bắn pháo hoa tôi thấy rất vui, tinh thần thoải mái. Tôi nghĩ nên được đốt pháo hoa (không nổ). Quan trọng là vấn đề quản lý thôi".

"Nhà nước nên cho đốt, thậm chí đốt mạnh. Cái quan trọng là quản lý, hãy học Thái Lan và Trung Quốc về việc yêu cầu người dân mua pháo và chỉ được đốt pháo tại các địa điểm cho phép", anh Phan Xuan Chinh bình luận. 

"Ngày lễ, Tết là của nhân dân. Để những ngày này được vui thì nên có thêm pháo hoa. Còn việc quản lý, hướng dẫn ra sao là của chính quyền, đừng nên cái gì khó thì cấm. Làm như vậy thì đất nước chẳng thể phát triển, bởi cái gì mới, khó quản lý thì cứ việc cấm là xong", độc giả Son Nguyen tiếp lời. 

Cấm pháo hoa, còn gì là Tết? - 2

Cánh hoa xoay, một trong những sản phẩm pháo hoa không tiếng nổ được Bộ Quốc phòng bày bán rộng rãi (Ảnh: Hoàng Diệu).

Trước luận điểm cho rằng pháo hoa "không mang lại lợi ích gì" của nữ đại biểu Quốc hội, hàng loạt ý kiến phản bác được đưa ra. Chủ tài khoản NVC TV viết: "Tôi thấy nhu cầu sử dụng rất nhiều, trong dịp lễ tết rất nhiều người thấy vui. Chứng tỏ pháo hoa mang tới niềm vui cho rất nhiều người. Bản thân tôi cũng thích được đốt pháo vào ngày lễ Tết". 

Phản biện dưới góc nhìn kinh tế, anh Khánh Huy lập luận: "Ai bảo đốt pháo không có lợi ích? Sản xuất pháo sẽ tạo việc làm cho công nhân, nguồn thu cho ngân sách. Người đốt pháo đa số trong dịp Tết hoặc các sự kiện quan trọng, nhằm mang tính giải trí. Pháo hoa mang tới rất nhiều giá trị về tinh thần, làm chúng ta vui vẻ, phấn khích, xua tan muộn phiền. Còn nếu thực sự muốn cấm, cách tốt nhất là nên tổ chức bắn pháo hoa tập trung ở từng địa phương, mang tính trình diễn, chuyên nghiệp cao. Khi đó, người dân sẽ từ bỏ những thứ pháo "vớ vẩn" để xem trình diễn pháo hoa chuyên nghiệp". 

Cũng đưa ra một bài toán kinh tế, độc giả có nickname Cao Học 32 Lớp viết: "Ngày vui có tí pháo hoa bắn cho vui mà cũng cấm. Nếu Nhà nước không cho sản xuất và bán thì dân lại tìm đến pháo lậu, tiền lại chảy ra nước ngoài mà thôi. Tôi nghĩ pháo hoa rất cần thiết, vì nó giúp người dân hồ hởi, vui vẻ, thoải mái hơn. Những năm qua, pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất tôi thấy đều rất an toàn". 

Từ những ý kiến phản bác, anh Quang Nhật đưa ra gợi ý để dung hòa lợi ích giữa người dân và việc quản lý của chính quyền: "Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chỉ nhìn vào mặt tiêu cực thì chưa đủ. Theo tôi, cần bóc tách và phân chia xử lý như sau: Đối với pháo hoa thì cho đốt thoải mái, còn với pháo nổ thì phải giới hạn trong khâu quản lý, ví dụ UBND phát cho mỗi hộ một tràng pháo, chỉ đốt trong đêm giao thừa tại những nơi, vị trí được cho phép dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Chứ giao thừa không có pháo nó buồn thì làm sao mà cả năm lao động hăng say được?". 

Cấm pháo hoa, còn gì là Tết? - 3

Ống phun nước bạc, một trong những sản phẩm pháo hoa đầu tiên của Bộ Quốc phòng và hiện được sử dụng rộng rãi trong các sự kiện, đặc biệt là lễ cưới (Ảnh: Hoàng Diệu).

Chỉ nên để các cơ quan có chuyên môn bắn pháo hoa? 

Ở chiều ngược lại, không ít người lại bày tỏ quan điểm đồng tình với nữ đại biểu Quốc hội. Độc giả Tiem Dang viết: "Xóm mình bé, đốt nhiều chỉ sợ cháy xóm. Con mình thì sợ hãi mấy ngày Tết bởi bắn pháo hoa vô tội vạ. Đêm họ bắn đã đành, buổi trưa vui lên có khi họ cũng làm vài quả". 

"Pháo hoa hay pháo nổ đều là thứ "đốt tiền mua vui", rất nguy hiểm. Nếu để sử dụng rộng rãi thì nguy cơ cháy nổ rất cao, từ khâu vận chuyển, quản lý, sử dụng. Vì vậy, chỉ nên tổ chức sử dụng tập trung và do những cơ quan có chuyên môn thực hiện", độc giả với nickname Bachikho tiếp lời. 

Còn với anh Phạm Ngọc Hải, người này cho rằng nếu đã xác định cấm, Nhà nước cần cấm tuyệt đối, tránh việc cấm cái này nhưng để lọt cái kia. "Đã là pháo thì pháo hoa hay pháo nổ cũng cấm. Nhiều địa phương vẫn có hiện tượng người dân mua dạng trôi nổi, đốt đầy đường. Năm nào báo chí cũng phản ánh nhưng việc quản lý vẫn rất khó khăn. Đề nghị cấm triệt để và xử lý nghiêm".