"4,4 triệu không đủ tiền học cho con, nên xem lại mức giảm trừ gia cảnh"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Nhiều độc giả cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng mỗi tháng không còn phù hợp, đặc biệt ở các đô thị lớn, và đề xuất sửa đổi con số nêu trên.

Tại phiên thảo luận mới đây về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chỉ ra rằng mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc áp dụng cho những người phải nộp thuế có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay, là quá lạc hậu và cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, không nên chờ tới năm 2026 mới thông qua như dự kiến. 

Phân tích rõ hơn, bà Thủy chỉ ra từ năm 2020, giá các loại dịch vụ như dịch vụ hàng hóa, giáo dục đã tăng 17%; giá lương thực tăng 27% còn mức tăng của giá xăng lên tới 105%... Do đó, mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn. 

Mức thu nhập của người dân Việt Nam thuộc diện trung bình thấp, trong khi chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao. Bởi vậy, nếu chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua việc sửa đổi luật, rất nhiều người dân hiện sống "thắt lưng buộc bụng" nhưng vẫn sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

4,4 triệu không đủ tiền học cho con, nên xem lại mức giảm trừ gia cảnh - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Hồng Phong).

Ý kiến của bà Thủy nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân. Bình luận dưới bài viết "Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, không thể chờ 2 năm nữa mới sửa" của Dân trí, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm đồng tình với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội.   

"4,4 triệu đồng không đủ tiền học cho con, nói gì đến ăn uống và sinh hoạt"

Đồng quan điểm với bà Thủy, độc giả Mạnh Nguyễn viết: "Lương tăng không kịp với biến động giá cả thị trường, trong khi những đối tượng nằm trong diện được miễn trừ gia cảnh đang bị kéo theo bởi sự ảnh hưởng đó. Cần phải tính toán lại mức thu nhập tính thuế mới. Tôi rất tán thành và cần sớm áp dụng". 

Anh Nông Văn Ẩn tiếp lời: "Lời của đại biểu chính là lời nói của rất nhiều lao động, nhất là những người có thu nhập thấp, là trụ cột của gia đình. Rất mong Quốc hội sớm điều chỉnh cho phù hợp, vì dân có giàu, mức tiêu thụ cao thì nước mới giàu mạnh được". 

Trước đây, Dân trí từng thực hiện một cuộc khảo sát và ghi nhận ý kiến độc giả qua bài viết "Thu nhập 10 triệu/tháng ở Hà Nội chỉ tương đương hộ nghèo", trong đó nhiều độc giả sống ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM đều khẳng định mức thu nhập 10-11 triệu đồng/tháng là không đủ sống ở thành phố. Bởi vậy, khi đề xuất về việc tính lại mức giảm trừ gia cảnh được đưa ra đã được người dân sống ở các đô thị lớn nhiệt liệt ủng hộ. 

Độc giả Công Hoàng Lương bình luận: "Ở thành phố, tiền học cho một đứa con tại trường dân lập do không có hộ khẩu Hà Nội rẻ nhất cũng phải 4-6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng trừ còn không nổi tiền học cho các con, nói gì tiền ăn uống, sinh hoạt. Luật phải thực thế, chưa kể những người ngoại tỉnh lên phải mua nhà trả góp, họ cũng cần được tạo điều kiện giảm trừ mỗi tháng". 

4,4 triệu không đủ tiền học cho con, nên xem lại mức giảm trừ gia cảnh - 2

Với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình tại Hà Nội hay TPHCM phải sống chắt bóp, tiết kiệm với những bữa cơm đạm bạc (Ảnh: Hồng Anh).

Tương tự, anh Phan Văn Thoại nhấn mạnh mức giảm trừ hiện nay rõ ràng không còn phù hợp với sự leo thang của vật giá. Con số 4 triệu đồng/tháng không thể đủ cho nhu cầu phát triển thể chất, học hành của một học sinh tại các thành phố lớn. Còn với anh Trần Huy Thắng, anh cũng cho rằng mức giảm trừ hiện tại không còn phù hợp, cần đưa ra mức giảm trừ mới cụ thể hơn, áp dụng riêng cho từng vùng miền chứ không nên áp dụng một quy định chung cho tất cả các tỉnh, thành phố. 

"Hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bà. Chi phí một người phụ thuộc 4,4 triệu đồng không biết sống kiểu gì luôn. Tôi thu nhập lương 60 triệu/tháng phải nộp thuế thu nhập cá nhân hàng tháng gần 5 triệu, trong đó đã có giảm trừ 4 người phụ thuộc", chủ tài khoản Phạm Henry viết. 

Đau đầu bởi những bài toán kinh tế

Để làm rõ hơn cho quan điểm về việc mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp, nhiều độc giả đặt ra những bài toán kinh tế khác nhau đối với từng gia đình. Đơn cử như trường hợp của độc giả có nickname Đọc Sách Mỗi Tối, người này lấy ví dụ: "Giờ một người độc thân, mỗi tháng thuê phòng hạng bét cũng khoảng 3,5 triệu đồng (bao gồm điện nước, internet), tiền xăng 600.000 đồng, ăn sáng 600.000 đồng, ăn uống sinh hoạt khoảng 3 triệu đồng cho 2 bữa chính mỗi ngày, chưa kể tiền đi lại, phúng viếng, hiếu hỷ, biếu xén; thỉnh thoảng ốm đau tốn thêm tiền thuốc men, bệnh viện; tiền mua quần áo, phụ kiện, giày dép; sắm sửa, thay thế vật dụng hỏng hóc trong gia đình... tôi khẳng định mỗi tháng phải hơn 11 triệu để đáp ứng một mức sống đầy đủ. Giờ yêu cầu những người này phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân, tôi khẳng định là... móm". 

Cũng đưa ra một phép tính đơn giản, chủ tài khoản Than Da viết: "Cách tính như hiện tại không còn phù hợp, sẽ là gánh nặng cho người lao động. Ví dụ một cá nhân thu nhập 15 triệu đồng/tháng, tương ứng 500.000đ/ ngày. Bản thân là lao động chính, bố mẹ không có thu nhập, chưa đủ tuổi giảm trừ. Vậy chi phí tiền ăn cả gia đình trong ngày cho 4 người là 200.000 đồng. Chi phí điện, nước, vật dụng, nhu cầu chung, cá nhân cho gia đình: 200.000 đồng. Vậy, chỉ còn 100.000 đồng/ ngày cho lúc ốm đau hay phát sinh cho những vấn đề khác thì liệu có được hay không? Lo cho chính họ còn chưa được, sao có thể gồng gánh thêm an sinh xã hội?". 

4,4 triệu không đủ tiền học cho con, nên xem lại mức giảm trừ gia cảnh - 3

Giá thực phẩm tại siêu thị đắt đỏ khiến nhiều gia đình trẻ tại Hà Nội gặp khó khăn. (Ảnh: Hồng Anh)

"Giờ nuôi 2 đứa con, cộng với chi phí xăng xe, điện nước phải ngót nghét 7 triệu đồng nếu tiết kiệm. Vậy còn 4 triệu đồng còn lại, người lao động tiêu kiểu gì cho đủ?", anh Nguyễn Duy Linh bình luận. 

"Giờ 4,4 triệu đồng có thể nuôi được ai mà vẫn để mức giảm trừ phụ thuộc như vậy chứ. Mỗi đứa con nuôi ăn học bây giờ, riêng tiền học của chúng đã ngốn hết ngần đó rồi chứ chưa nói đến bao nhiêu chi phí khác. Thu nhập để cho con đủ ăn, đủ mặc, được học hành cơ bản còn phải co trước, kéo sau, vậy mà vẫn là đối tượng phải lo đóng thuế thu nhập. Trong khi đó, bản chất thuế thu nhập là đánh vào đối tượng có thu nhập cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của xã hội, những đối tượng dư giả, thừa tiền", chủ tài khoản PAPO nêu ý kiến. 

Gợi ý về một mức điều chỉnh mới phù hợp, độc giả Haile đề xuất: "Nên điều chỉnh mức chịu thuế của người được giảm trừ lên 20-25 triệu đồng, mức cho người phụ thuộc lên 8-10 triệu đồng thì mới phù hợp với tình trạng hiện nay".