Góc nhìn pháp lý về quán cà phê hẹn hò tại TPHCM
(Dân trí) - Theo luật sư, việc kinh doanh mô hình cà phê hẹn hò không bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ nhằm tránh những biến tướng liên quan tới mại dâm có thể xảy ra.
Những ngày qua, câu chuyện về quán cà phê hẹn hò Mina Dating tại phường Bến Thành, quận 1 (TPHCM), trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Sự việc bắt nguồn từ một bài đăng "bóc phốt" quán vào ngày 2/6, trong đó tác giả phản ánh về cách thức sắp xếp hẹn hò của quán bằng cách chia ra 2 phòng, nam phòng đen và nữ phòng trắng, hai bên không nhìn thấy nhau và có 5 phút trò chuyện để quyết định có ghép đôi không.
Tuy nhiên, thực tế quán sử dụng ghế một chiều, trong đó bên nam nhìn thấy bên nữ nhưng bên nữ hoàn toàn không thấy bên nam. Ngoài ra, ghế bên nam được bố trí thấp hơn, đặt tầm nhìn vào đúng phần dưới các bạn nữ khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất bình.
Lực lượng chức năng phường Bến Thành đã vào cuộc xác minh, kiểm tra hoạt động của quán Mina Dating. Kết quả xác minh ban đầu mới phát hiện một số lỗi vi phạm hành chính, chưa ghi nhận về những thông tin mại dâm hay xâm hại nữ giới như thông tin lan truyền trên mạng.
Từ những thông tin trên, dưới góc độ pháp lý, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc có thể xử lý vi phạm đối với quán cà phê hay không. Và cần làm gì để có thể quản lý hiệu quả, tránh những tệ nạn xã hội tiềm ẩn từ mô hình hoạt động này?
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận đối với sự việc trên, việc lực lượng chức năng phường Bến Thành lập tức kiểm tra quán cà phê sau những phản ánh trên mạng xã hội là động thái kịp thời, thể hiện sự quyết liệt trong việc đảm bảo trật tự xã hội trên địa bàn. Quá trình làm việc, cơ quan có thẩm quyền trước tiên sẽ yêu cầu quán cung cấp các thông tin, giấy tờ pháp lý liên quan tới mục đích và phạm vi hoạt động, từ đó xác định quán đã đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh hay chưa.
"Theo quy định của pháp luật, để kinh doanh quán cà phê thì phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh nói chung, trong đó đáp ứng các điều kiện cơ bản về hoạt động của quán cà phê như điều kiện phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng cấp, chứng chỉ pha chế hay hợp đồng với người lao động. Ngoài ra, đối với mô hình kinh doanh quán cà phê dating, pháp luật hiện hành không cấm và cũng không có các quy định riêng biệt, đặc thù đối với loại hình kinh doanh này.
Do đó, không có cơ sở để xem xét xử phạt quán do kinh doanh mô hình cà phê hẹn hò mà chỉ có thể kiểm tra các điều kiện, giấy tờ về hành chính liên quan tới hoạt động kinh doanh quán cà phê nói chung", ông Hùng bình luận.
Theo luật sư Hùng, mô hình cà phê hẹn hò hiện nay không còn xa lạ và được đông đảo giới trẻ hưởng ứng với mong muốn tìm kiếm người phù hợp. Dưới góc độ xã hội và pháp luật, hoạt động hẹn hò tại quán được hiểu là một dịch vụ hoặc hoạt động kèm theo để thu hút khách và không bị pháp luật nghiêm cấm.
Tuy nhiên, cách thức vận hành của quán khi nam giới ngồi thấp hơn và quan sát các cô gái đằng sau tấm kính một chiều lại đặt ra vô số nghi ngờ. Dù hiện tại chưa phát hiện những dấu hiệu vi phạm song hàng loạt câu hỏi vẫn cần được đặt ra, như điều gì thực sự diễn ra ở đây?
Đây là một cuộc thỏa thuận mờ ám chệch hướng hay chỉ đơn thuần là một cuộc gặp gỡ vô hại? Liệu những cơ sở kinh doanh này có đang cố tình hoạt động như điểm nóng mại dâm, hay những lo ngại về việc liệu khách hàng nữ ghé quán có bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân không.
Do đó, việc quản lý cần thực hiện hết sức chặt chẽ nhằm ngăn ngừa những cá nhân có thể lợi dụng việc kinh doanh mô hình cà phê hẹn hò để biến tướng hoặc để trá hình môi giới mại dâm. Trong trường hợp có dấu hiệu của các hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, về chế tài hành chính, khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm có thể bị phạt tiền 30-40 triệu đồng, áp dụng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ cao gấp 2 lần, tức 60-80 triệu đồng.
Ở góc độ trách nhiệm hình sự, trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người đứng đầu, quản lý hoặc hỗ trợ thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội Chứa mại dâm hoặc Môi giới mại dâm theo Điều 327, 328 Bộ luật Hình sự 2015.