Cái giá cho những "trò đùa" về sao kê, chuyển khoản trên mạng xã hội

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, bất chấp việc làm giả, cắt ghép nội dung chuyển khoản nhằm mục đích gì, người thực hiện hành vi đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Hậu siêu bão Yagi và ngập lụt tại các tỉnh miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam kêu gọi ủng hộ và đã công bố hàng chục nghìn trang sao kê tài khoản ngân hàng, công khai danh sách các cá nhân, tổ chức ủng hộ đồng bào bị thiệt hại. Từ đó, hàng loạt vấn đề vô tình bị phát lộ. 

Đó là việc hàng loạt cá nhân "phông bạt" chuyện từ thiện bằng cách cắt ghép nội dung chuyển khoản cao hơn nhiều lần so với số tiền thực tế rồi đăng lên mạng xã hội, trong đó có cả những người nổi tiếng; là việc các cá nhân mạo danh cơ quan, tổ chức khi nhập nội dung chuyển khoản hay nghiêm trọng hơn là việc cá nhân đại diện nhận quyên góp, ủng hộ của tập thể, chỉ chuyển khoản một phần rất nhỏ của số tiền đó cho MTTQ nhưng cắt ghép hình ảnh màn hình chuyển khoản để làm chứng cứ thể hiện đã ủng hộ toàn bộ số tiền này. 

Cái giá cho những trò đùa về sao kê, chuyển khoản trên mạng xã hội - 1

Cán bộ MTTQ Việt Nam làm thủ tục tiếp nhận tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lụt (Ảnh: MTTQ).

Từ những vấn đề trên, hàng loạt câu hỏi pháp lý được đặt ra về việc với những hành động như trên, các cá nhân này có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý ra sao? 

Cái giá cho những "trò đùa" trên mạng xã hội

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết dù mạng xã hội chỉ là thế giới ảo nhưng mọi người dùng đều phải có thái độ ứng xử đúng mực và chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình trên không gian mạng. Đối với việc làm giả màn hình chuyển khoản và đăng tải trên trang cá nhân, dù mục đích chỉ nhằm vui đùa, chủ tài khoản vẫn có thể phải chịu trách nhiệm thật bởi hành vi trên không gian ảo của bản thân. 

Cụ thể, trích dẫn quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, ông Giáp cho biết người cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội có thể đối diện mức phạt 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin gây nhầm lẫn hoặc vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định trên mạng xã hội. 

Như vậy, đối với những hành động như cắt ghép ảnh chụp màn hình chuyển khoản hay giả mạo các cơ quan, tập thể chuyển khoản ủng hộ đồng bào, dù chỉ xuất phát từ mục đích vui đùa nhưng đây vẫn là những thông tin sai sự thật. Cá nhân đăng tải những nội dung này trên mạng xã hội là hành vi vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội và hoàn toàn có thể bị áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP. 

Đối với trường hợp mạo danh cơ quan, tập thể, nếu hành vi gây ra thiệt hại trên thực tế và được các tổ chức đó chứng minh bằng tài liệu, chứng cứ cụ thể, cá nhân vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật. 

Cái giá cho những trò đùa về sao kê, chuyển khoản trên mạng xã hội - 2

Một nam Tiktoker khiến nhiều người thất vọng khi số tiền ủng hộ thực tế thấp hơn nhiều so với số tiền mà anh khoe trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Có thể xem xét trách nhiệm hình sự? 

Cũng trong đợt công bố nội dung sao kê của MTTQ vừa qua, nhiều trường hợp cá nhân đại diện nhận quyên góp tiền của tập thể, nhưng khi chuyển khoản ủng hộ thì số tiền thấp hơn rất nhiều so với giá trị đã nhận cũng bị phát lộ. Không những vậy, có những trường hợp còn bị tố đã làm giả màn hình chuyển khoản để làm chứng cứ, tạo niềm tin để mọi người tin rằng toàn bộ số tiền đã được chuyển tới tài khoản của MTTQ Việt Nam.

Về vấn đề này, luật sư Giáp cho rằng đây là hành vi không chỉ trái với lương tâm, đạo đức xã hội mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015. 

"Đối với những trường hợp này, vấn đề mấu chốt cần làm rõ là việc làm giả màn hình chuyển khoản nhằm mục đích gì. Nếu việc cắt ghép chỉ nhằm mục đích "trêu đùa", cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính như trên còn nếu việc cắt ghép nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, ăn chặn tiền từ thiện, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. 

Đối với trường hợp hành vi thể hiện ý chí chiếm đoạt tài sản, cần tập trung làm rõ yếu tố gian dối được thể hiện ở giai đoạn nào. Nếu yếu tố gian dối xuất phát từ đầu, tức cá nhân đó cố tình lấy lý do vận động từ thiện để nhận tiền nhưng thực tế không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là hành vi có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp sau khi vận động quyên góp, cá nhân mới nảy sinh ý đồ xấu, thực hiện hành vi gian dối để qua mặt tập thể nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Giáp bình luận. 

Bình luận thêm dưới góc độ tố tụng, ông Giáp cho biết 2 tội danh nêu trên đều là những tội không thuộc trường hợp khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Do đó, nếu xét thấy có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an hoàn toàn có thể vào cuộc xác minh mà không cần chờ đơn tố giác của những cá nhân, tổ chức có tài sản bị chiếm đoạt. 

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm