Hậu siêu bão Yagi: Trồng và chăm sóc cây ở đô thị như thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Đến lúc xem lại cách trồng cây, từ việc chọn cây có bộ rễ khỏe, cắm sâu tới kích thước phù hợp. Cây to đánh về trồng thì bộ rễ sau này rất kém, không phát triển sâu, rất dễ gãy đổ khi mưa bão".

Ba ngày sau siêu bão Yagi, xác cây xanh bị gãy đổ vẫn nằm la liệt trên đường phố Hà Nội, tạo ra khung cảnh khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trong đó, một chi tiết được đặc biệt lưu tâm là phần lớn những cây bị gãy đổ là những cây có cành dày, tán lá sum suê và có bộ rễ bị "bao vây" bởi bê tông hoặc gạch lát vỉa hè. 

Thiệt hại nghiêm trọng từ siêu bão sẽ là bài học đắt giá cho các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của công tác cắt tỉa cây xanh nhằm chuẩn bị cho mùa mưa bão cũng như việc chăm sóc, nuôi trồng cây xanh ra sao để phù hợp với điều kiện phát triển tại các đô thị lớn như Hà Nội. 

Hậu siêu bão Yagi: Trồng và chăm sóc cây ở đô thị như thế nào? - 1

Một cây cổ thụ trên phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị gió bão quật đổ khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối, xót xa (Ảnh: Minh Nhân).

Là một người có hàng chục năm sinh sống tại Hà Nội, anh Lê Hoàng không khỏi bùi ngùi, xót xa trước hậu quả nặng nề của bão Yagi. Dù biết rằng bão mạnh nhưng theo độc giả này, nếu công tác cắt tỉa cây xanh được diễn ra thường xuyên hơn, hậu quả đã có thể giảm thiểu phần nào. 

"Khu chỗ tôi ở quận Hà Đông cây xanh cũng đổ la liệt, trong đó những cây sấu gần 20 năm tuổi đổ khá nhiều. Bất giác nhớ lại những năm trước, cứ tầm tháng 7, 8 dương lịch là có đội quản lý cây xanh cắt tỉa cành để chống bão, hoặc khi đón bão to cũng sẽ có đội xung kích cắt chặt những cây có khả năng gãy đổ, ảnh hưởng và gây nguy hiểm, tai nạn cho người tham gia giao thông. 

Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây, không thấy ai làm những công việc này. Không rõ vấn đề ở kinh phí hay tại đơn vị quản lý cây xanh không còn thiết tha thực hiện công việc của mình mà giờ nhìn hàng chục cây xanh đổ la liệt, thấy xót xa vô cùng. Tất nhiên là bão rất lớn, nhưng trong đó cũng có một phần do con người không có những động thái kịp thời, cắt tỉa cành cây để đón bão như xưa nay vẫn thực hiện", người này bình luận. 

Có chung góc nhìn, chủ tài khoản Phuoc Tram viết: "Công tác ứng phó, tỉa cành cây xanh đón bão có vẻ chưa thực sự được chú trọng khi tôi thấy các cây bị gãy đổ hầu như không được cắt tỉa phù hợp. Đây là bài học cho đơn vị quản lý cây xanh về việc cần phải cắt tỉa cành nhằm đảm bảo an toàn trước khi bão tới". 

"Bão cũng to, cây đổ quá nhiều, nhưng không biết mọi người có nhận thấy một đặc điểm chung của cây bị bật gốc là bộ rễ rất kém hay không? Nhìn vào đó thì biết tại sao nó đổ nhiều vậy", anh Luong Nhu Khoi nhìn nhận. 

Còn với độc giả Tran Huan, anh cho rằng ngoài việc tỉa cành, cần tập trung đánh giá một cách nghiêm túc về quy hoạch vỉa hè hiện tại nhằm đảm bảo môi trường cho cây xanh phát triển. Độc giả này phân tích: "Xem lại quy hoạch làm vỉa hè hiện tại, khi bê tông được đổ quây kín gốc cây, rễ cây không còn đường thở, rễ chính bị thối, không phát triển, chỉ còn những rễ phụ đâm ra thì cây không thể vững chắc được, gặp bão gió là đổ hết".

"Đến lúc xem lại cách trồng cây xanh, từ việc chọn cây có bộ rễ khỏe, cắm sâu tới lựa chọn kích thước cây phù hợp. Cây trồng hè phố chủ yếu là cây đã to, được đánh bầu mang đến thì các rễ cái, rễ con đã bị chặt cụt, sau này cây sống và phát triển thì chỉ mọc ra rễ tơ, rễ nhỏ để lấy thức ăn nuôi cây, chứ không phát triển được bộ rễ to khỏe như trồng cây từ lúc bé, thế nên bật gốc là đương nhiên. Cây to đánh về trồng thì bộ rễ sau này rất kém, không phát triển sâu, rất dễ gãy đổ khi mưa bão", anh Quang La phân tích. 

"Đáng lẽ cắt bớt cành cao đi thì sẽ không bị đổ nhiều. Giờ cắt cành đi và dùng máy xúc trồng lại luôn tại chỗ nhiều cây vẫn sống được", "Vẫn còn chủ quan, cây cối còn nguyên cành thế sao không ngã. Thật đáng tiếc", "Tại sao có thông báo rất nhiều ngày mà công ty môi trường đô thị không cắt tỉa bớt lá cây xanh để bớt gãy đổ nhỉ"... hàng loạt bình luận đặt vấn đề về trách nhiệm của công ty quản lý cây xanh hậu siêu bão. 

Hậu siêu bão Yagi: Trồng và chăm sóc cây ở đô thị như thế nào? - 2

Cây xanh bật gốc, chắn ngang đường khiến giao thông gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, siêu bão Yagi đã khiến 4 người tử vong và 17 người bị thương. Về tài sản, bão Yagi khiến 25.156 cây xanh ở Hà Nội đổ, gãy cành (trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm).

Đối với khu vực ngoại thành, mưa làm cho 593ha lúa, 231ha rau màu bị ngập; 14.969ha lúa và 973ha rau màu bị đổ; 126,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Về mạng lưới điện, lưới điện trung áp tại nội thành gần như không mất điện, trong đó có 23 đường dây và 5 trạm bị sự cố đã được cấp điện lại ngay; khu vực ngoại thành với 248 đường dây trung áp và 4 trạm biến áp bị sự cố; 38 cột gãy đổ gây mất điện diện rộng tập trung ở các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì.

Dòng sự kiện: Cơn bão Yagi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm