Dân "vỡ nợ" sau bão Yagi, ngân hàng có thể hỗ trợ như thế nào?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, người dân có tài sản thiệt hại sau bão có thể cung cấp hồ sơ chứng minh thiệt hại và đề nghị ngân hàng xem xét cơ cấu lại, gia hạn thêm thời hạn trả nợ.

Siêu bão Yagi đổ bộ vào đất liền để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người dân, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong đó, tại Quảng Ninh, nhiều chủ tàu du lịch hay các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng lâm vào cảnh "vỡ nợ" khi chưa kịp trả hết nợ vay đầu tư kinh doanh cho ngân hàng thì tài sản đã bị thiệt hại nặng nề. 

Đơn cử như trường hợp của anh Vũ Đình San (40 tuổi, ở TX Quảng Yên, Quảng Ninh) gom vốn cùng anh em trong gia đình mua 4 tàu du lịch để làm ăn thì 3 con tàu đã bị đánh chìm, mỗi tàu trị giá khoảng 2 tỷ đồng. "Gia đình tôi trắng tay rồi, mà vẫn còn nợ tiền ngân hàng. Gia đình tôi vỡ nợ rồi", người đàn ông đau đớn chia sẻ. 

Từ những trường hợp trên, nhiều người đặt câu hỏi với việc người dân bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai, ngân hàng có thể hỗ trợ người vay tiền tái cơ cấu để giải quyết các khoản nợ hay không?.

Dân vỡ nợ sau bão Yagi, ngân hàng có thể hỗ trợ như thế nào? - 1

Tàu du lịch tại Hạ Long hư hỏng nặng sau bão Yagi (Ảnh: Nguyễn Dương).

Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo quy định tại điểm b khoản 10 Điều 2 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, gia hạn nợ (kéo dài thời gian trả nợ) là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thỏa thuận.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay thì các tổ chức tín dụng sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng.

Đối với những thiệt hại nặng nề do siêu bão Yagi gây ra, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão sẽ được thực hiện theo các hướng dẫn tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 10/2015/TT-NHNN và Thông tư 25/2018/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP; Quyết định 50/2010/QĐ-TTg và Quyết định 08/2021/QĐ-TTg về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiến hành tập hợp các tài liệu, hồ sơ liên quan cũng như kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương để đánh giá mức độ, tính chất thiệt hại, từ đó mới đặt ra vấn đề cơ cấu lại khoản nợ.

Trường hợp đủ điều kiện để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, các tổ chức tín dụng có thể xem xét áp dụng các biện pháp sau: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; Không tính thời hạn vi phạm khi trả nợ; Có chính sách miễn, giảm lãi cho người vay; Xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.

"Người dân bị thiệt hại do cơn bão vừa qua cần nhanh chóng liên hệ, cung cấp các tài liệu, hồ sơ chứng minh hoàn cảnh, thiệt hại của mình cho các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành xác minh điều kiện, từ đó xem xét việc cơ cấu lại, gia hạn thêm thời hạn trả nợ", ông Tuấn gợi ý.  

Về trách nhiệm hỗ trợ khắc phục thiệt hại của các cơ quan bảo hiểm, theo khoản 27 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, sự kiện bảo hiểm được hiểu là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Đối với tàu thuyền khi chủ tàu có mua Bảo hiểm thân tàu, trong phạm vi bảo hiểm thông thường có ghi nhận về những rủi ro và hiểm họa không lường trước được như động đất, sụt lở, núi lửa phun, bão tố, sóng thần, gió lốc, mưa đá hay sét đánh. Do đó, những người có bảo hiểm tàu thuyền bị thiệt hại do bão lũ cần kiểm tra kỹ hợp đồng để xác định xem trường hợp của họ có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không. Từ đó mới đặt ra vấn đề chi trả đối với thiệt hại của tàu.

Dân vỡ nợ sau bão Yagi, ngân hàng có thể hỗ trợ như thế nào? - 2

Không chỉ tàu du lịch, nhiều nhà hàng tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Yagi (Ảnh: Nguyễn Dương).

Tương tự, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cũng đánh giá đối với những trường hợp bị thiệt hại do sự kiện bất khả kháng như cơn bão Yagi gây ra, các ngân hàng sẽ xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại đã xảy ra và có phương án giải quyết phù hợp cho người dân đối với các trường hợp cụ thể.

Nếu đúng thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, và chủ tàu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tối đa tổn thất nhưng không khắc phục được, thì Ngân hàng có thể xem xét áp dụng một số các biện pháp như không tính vào thời hạn vi phạm khi trả nợ; có các chính sách miễn lãi cho người vay; giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, không bị chuyển thành nợ xấu; Cơ cấu lại khoản nợ, gia hạn nợ hoặc điều chỉnh thời gian trả nợ.

Trong trường hợp xác định được thiệt hại xảy ra do cơn bão Yagi vừa qua, các công ty bảo hiểm sẽ xem xét, giải quyết, bồi thường các thiệt hại xảy ra cho những trường hợp chủ tàu có mua bảo hiểm.