Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1

Cuốn Tiếng Việt 1 do bà Đặng Thị Lanh và các cộng sự biên soạn có lẽ là sách giáo khoa tiếng Việt tốt nhất từ trước tới nay, nhưng theo chúng tôi còn có những điều cần bàn thêm về cách ghép vần.

Cách đây mấy chục năm các con tôi vào lớp 1 nên tôi có dịp xem quyển sách Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của tác giả Nguyễn Thị Nhất và thấy vô cùng thất vọng vì nó không những đã đưa ra một kiểu chữ viết quá xấu và phản khoa học như mọi người nhận định. Quyển sách đó đã mắc rất nhiều sai lầm có tính nguyên tắc về mặt khoa học và về mặt sư phạm.
 
Bây giờ các cháu tôi lại đang bắt đầu tới trường, tôi lại có dịp xem cuốn sách giáo khoa đầu tiên cho một học sinh Việt Nam, quyển Tiếng Việt 1 do bà Đặng Thị Lanh và các công sự biên soạn. Đó là giáo trình chính và duy nhất được cho phép sử dụng bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo để dạy tiếng Việt trong tất cả các trường ở Việt Nam hiện nay.
 
Phải nói là về mặt nội dung sách của bà Đặng Thị Lanh hơn hẳn sách của bà Nguyễn Thị Nhất. Những ưu điểm chính của nó là: Học sinh học đến đâu đọc được đến đó, không câu nệ về mặt thứ tự trình bày những nguyên âm (vần),phụ âm theo độ phức tạp của chúng (gồm từ ít hay nhiều chữ cái), tập trung chú ý đến dạy cấu trúc chữ Việt, chưa chú ý quá nhiều đến nội hàm tiếng Việt, không đưa vào các khái niệm nguyên âm, phụ âm vốn quá cao xa không cần thiết đối với học sinh lớp 1.
 
Những ưu điểm đó chẳng những không hề có trong sách của bà Nguyễn Thị Nhất mà bà Nhất lại luôn làm ngược lại, thậm chí làm sai ý của chính mình.
 
Vì những điều cần trao đổi thêm về quyển Tiếng Việt 1 liên quan chủ yếu đến cách đánh vần nên tôi xin mạn phép trình bày sơ qua về khái niệm vần.
 
Dạy và học chữ Việt theo cách học vần (đánh vần) là một cách làm có tính sư phạm rất cao, từ xưa nay nước ta vẫn làm như vậy, mặc dù phương pháp đó cũng có những nhược điếm.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Bị dạy theo kiểu đánh vần nên hầu hết người Việt Nam vẫn tưởng vần là một cái gì đó rất đặc biệt mà không hiểu được rằng thực ra vần chính là nguyên âm. Tôi đã từng phỏng vấn rất nhiều sinh viên, kĩ sư, thầy giáo cô giáo về vấn đề này. Hầu hết mọi người cho rằng, ví dụ, a, e là nguyên âm, còn anh, em không phải là nguyên âm mà là vần.
 
Hầu hết các cô giáo dạy học sinh lớp 1 vẫn hiểu theo kiểu vần anh gồm nguyên âm a và phụ âm nh, vần em gồm nguyên âm e và phụ âm m. Dĩ nhiên là họ dạy học sinh theo kiểu đó, mặc dù có thể họ không dùng đến khái niệm nguyên âm, phụ âm.
 
Thực ra vần anh không chứa yếu tố phụ âm nh, vần em không hề chứa yếu tố phụ âm m. Nếu chưa tin, bạn hãy thử phát âm vần em và phụ âm m mà xem. Khi phát âm vần em chúng ta phải làm động tác khép hai môi lại, còn để phát âm phụ âm m ta phải làm động tác tách hai môi ra khỏi nhau.
 
Kí tự chỉ là quy ước. Giả sử ta dùng tập hợp (e+g) thay cho tập hợp (e+m) thì vần eg vẫn được đọc là em. Dĩ nhiên là việc dùng chữ cái nào để biểu diễn một nguyên âm nào đó cũng còn phải căn cứ vào những yếu tố khác, đặc biệt là yếu tố âm học.
 
Hơn nữa cũng cần nói thêm là thứ tự các chữ cái trong chữ của nước ta mang nhiều dấu ấn của cách viết của người Bồ Đào Nha, người Pháp, cách viết không phải luôn hợp lí. Nên nhớ là trước năm 1954 ở Hà Nội, trước năm 1975 ở miền Nam người ta đánh vần khác bây giờ. Ví dụ người ta đánh vần anh là a en nờ hát anh, còn bây giờ là a nhờ anh, nghĩa là không có yếu tố phụ âm n, phụ âm h hay phụ âm nh trong vần anh.
 
Tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm, mỗi tiếng được tạo ra hoặc là bởi chỉ 1 nguyên âm, hoặc là bởi 1 phụ âm nối với 1 nguyên âm theo sau,do đó mỗi chữ Việt được viết dưới dạng hoặc là một tập hợp các chữ cái biểu diễn 1 nguyên âm như a, ai, anh, ông… hoặc là một tập hợp các chữ cái biểu diễn 1 phụ âm đứng trước một tập hợp các chữ cái biểu diễn 1 nguyên âm (vần) như trong các chữ ta, mi, nhanh, trồng…
 
Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do bà Đặng Thị Lanh chủ biên, ở trang 50 tập 1 có trình bày 2 phụ âm qu và gi. Theo các tác giả thì chữ quê đươc hiểu là tập hợp của phụ âm qu và vần ê. Vậy dĩ nhiên là phải đánh vần nó là quờ ê quê. Nghe chẳng thuận tai, chẳng lôgic tí nào.
 
Sao vần ê lại bỗng dưng biến thành vần uê? Cần nói thêm ở đây là vần uê chỉ được trình bày ở trang 32 tập 2. Hay là các tác giả cho rằng có sự biến vần sau phụ âm qu. Thực ra, theo quan điểm của tôi, trong cách viết chữ Việt có một quy tắc chưa từng đươc ai nói đến trong bất cứ một quyển sách, một bài giảng nào. Quy tắc đó như sau.
 
Nếu sự ghép vần làm xuất hiện 2 chữ cái nguyên âm trùng nhau đứng liền nhau thì ta bỏ đi 1 chữ cái đó. Ví dụ, khi ghép phụ âm qu với vần uê ta sẽ được tập hợp (qu+uê), ta bỏ đi 1 chữ cái u nên được chữ quê. Việc ghép mọi vần bắt đầu bằng chữ cái u và đi với với phụ âm qu đều tuân theo qui tắc đó.
 
Quy tắc này cũng áp dụng cho việc ghép các vần bắt đầu bằng chữ cái o khi chúng được ghép với qu, ví dụ ở chữ quang (qu+oang). Trong trường hợp này ta bỏ chữ cái o, bởi vì về mặt âm học 2 nguyên âm o và u khá giống nhau.
 
Nếu chấp nhận quy tắc đó thì việc đánh vần chữ gì, chữ gìn… sẽ hoàn toàn dễ. Chữ gì  thực ra là tổ hợp của phụ âm gi và nguyên âm i, tức (gi+ì) mà ta đã lược bỏ một chữ cái i. Nếu không chấp nhận quy tắc đó thì chắc chắn là không thể đánh vần chữ gì.
 
Không hiểu vì lí do gì mà trong sách của bà Đặng Thị Lanh không dạy học sinh cách đánh vần chữ gì. Trong quyển sách đó lần đầu tiên chữ gì xuất hiện ở trang 67  tập 1 như là một cái gì đó đã biết. Đã không ít lần tôi thử xem các cô giáo dạy lớp 1 đánh vần chữ gì bằng cách nào. Họ đều ngắc ngứ chần chừ rồi cuối cùng nói; gi i gi huyền gì. Tôi hỏi sao có một chữ cái i vốn đã thuộc phụ âm gi mà lại đánh vần như thế thì họ đều chỉ cười xòa và nói là chúng em vẫn dạy thế mà.
 
Vậy nếu ta viết chữ quý ở dạng chữ quí là hoàn toàn sai. Đáng tiếc là hiện nay rất nhiều người viết sai chữ ấy. Đến như tiến sĩ, nguyên phó viện trưởng viện ngôn ngữ học Nguyễn Kim Thản trong cuốn từ điển tiếng Việt đồ sộ dày hàng nghìn trang xuất bản bởi trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, ông Trương Văn Hùng trong cuốn từ điển tiếng Việt phổ thông cũng mắc lỗi này.
 
Ông Bùi Phụng còn khẳng định bằng một câu viết bằng chữ Anh trong quyển từ điển Việt - Anh mà tôi tạm dịch như sau: Viết là quí hay viết là quý đều tương đương nhau. Trong quyển sách Tiếng Việt 1 có mỗi một chữ thuộc dạng đó, đó là chữ quý ở trang 153 tập 2. Chữ ấy được viết đúng, nhưng khó khẳng định được là các tác giả viết đúng một cách thực sự hay chỉ là đúng một cách ngẫu nhiên.
 
Nhưng nếu căn cứ vào những gì đươc trình bày trong quyển sách đó thì hình như đây chỉ là đúng một cách ngẫu nhiên, bởi vì trong quyển sách đó chữ cái i luôn luôn được dùng như là nguyên âm để ghép với tất cả các phụ âm,còn chữ cái y  không bao giờ đóng vai trò nguyên âm để ghép với các phụ âm.
 
Theo các tác giả thì chữ cái y chỉ đươc dùng với tư cách là nguyên âm trong một số chữ chỉ gồm 1 nguyên âm, không gồm phụ âm, như ở các từ chú ý, y tá ở trang 54 tâp 1. Vả lại cái cách trình bày của các tác giả về cách viết chữ quê  như đã trình bày ở phần trên cũng đã cho thấy là họ, theo cách đó,phải viết chữ quý ở dạng quí mới hợp chứ, nghĩa là nếu đã viết chữ quê ở dạng quê (qu+ê) thì chữ quý cũng phải viết ở dạng quí, tức là tổ hợp (qu+í) chứ.
 
Nếu không công nhận như vậy thì hóa ra các tác giả quá tự do trong cách viết, trong trường hợp này lại phải hiểu chữ quý  là tổ hợp (qu+ý ) chăng và nếu thế thì những học sinh bé tí của chúng ta biết học làm sao đây, đến người lớn cũng đành ngơ ngác chẳng thể học được,hiểu đươc.
 
Theo tác giả Phạm Thị Lanh chữ quê là tổ hợp (qu + ê ) thì chữ quỳnh phải là tổ hợp (qu + ynh ) với dấu huyền, nhưng làm gì có vần ynh. Vậy xin hỏi làm sao đánh vần chữ quỳnh đây?
 
Phải chăng chúng ta cần xem lại một cách nghiêm túc những điều nêu ra ở trên để có sự thống nhất về sự đánh giá chất lượng một quyển sách giáo khoa đầu đời cho mọi người không cho phép mắc phải một lỗi cơ bản nào.
 
Nhân thể nói về vần thì hình như trong kho tàng chữ Việt ta có từ trước đến nay thiếu ít nhất là 1 vần rất quan trọng,đó là vần để tạo chữ quốc. Tuyệt đại đa số người Việt phát âm chữ quốc khác với chữ cuốc, chỉ có một số rất ít người ở vùng tây nam tỉnh Nghệ An và một số vô cùng ít người khác không dùng  tiếng quốc, họ nói, ví dụ, tổ cuốc mặc dù họ vẫn viết là tổ quốc.
 
Vần uôc đã đi với phụ âm c như trong chữ cuốc đất nên không thể đi với phụ âm qu được nữa. (Thực ra thì cả qu và c là 2 dạng thức của cùng 1 phụ âm,tôi dùng chúng như trên chỉ là để tiện trình bày mà thôi, để văn bản đỡ dài ).
 
Vấn đề là ở chỗ có tồn tại 1 quy tắc: Vần nào đươc quy định ghép với qu thì không thể ghép với c và ngược lại, cũng như vần nào đã đi với ng thì không đi với ngh vì ng và ngh cũng là 2 dạng của cùng 1 phụ âm. Nhưng hàng ngày mọi người vẫn quen viết chữ quốc, liệu việc đó có đúng không?
 
Phải chăng chúng ta đang viết sai? Nếu viết như thế thì phải đọc chữ đó là cuốc chứ. Theo tôi nên thêm 1 vần để viết chữ quốc, chẳng hạn, vần ooc, khi đó chữ quốc sẽ được hiểu là tổ hợp (qu +ooc), trong đó chữ cái o đã bị cắt bỏ. Sự thêm này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tổng thể chữ Việt.
 
Một ý nữa là hình như bản thân tên của quyển sách cũng chưa thật đúng. Vấn đề là ở chỗ mục đích chính của quyển sách là gì. Nếu mục đích chính là để dạy ngôn ngữ Việt Nam thì đặt tên sách Tiếng Việt là rất đúng. Nhưng theo tôi thì mục đích chính là dạy cách viết chữ Việt, sau khi học sinh đã biết đọc biết viết học được ở lớp 1, nghĩa là đã có công cụ để học lên cao hơn thì chúng ta mới có điều kiện để học tiếng Việt ở các lớp sau.
 
Điều đó không có nghĩa là chúng ta không tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội có thể để dạy tiếng Việt ngay khi học chữ Việt ở lớp 1, nhưng đó chắc chắn không phải là mục đích chính ở lớp 1. Vậy thì nên gọi quyển sách một cách đơn giản là HỌC VẦN. Thế là đủ.
 
Hơn nữa cũng cần nói thêm là người Việt Nam ta ở các vùng phát âm khác nhau khá nhiều, mặc dù viết như nhau. Vậy thì nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì tiếng Việt là tiếng vùng nào, tiếng vùng miền Bắc hay tiếng vùng miền Nam…
 
Ta cứ mặc nhiên công nhận là tiếng miền bắc, nhưng không hiểu có văn bản nào chính thức ở cấp quốc gia quy định điều đó không. Nếu có thì Bộ chủ quản có văn bản nào hướng dẫn các cô giáo, thầy giáo ở những vùng không thuộc miền Bắc dạy học sinh phát âm theo kiểu miền Bắc không và nếu có thì làm sao thực hiện được. Nếu không làm được như vậy thì đừng nên nói là học tiếng (tiếng Việt).
 
Vì khuôn khổ hạn chế của một bài báo muốn được phổ biến cho đông đảo bạn đọc vốn  thường ít quan tâm đến  những vấn đề khô khan và đòi hỏi phải động não nhiều như vấn đề này nên tôi không thể đi sâu phân tích,lí giải mọi ngóc ngách, hơn nữa tôi cũng chỉ là một người rất bình thường,là một nhà giáo giảng dạy trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật với một kiến thức ngôn ngữ hạn hẹp thôi nên  nếu có gì sai sót xin được bạn đọc chỉ giáo và tha thứ.
 
Tôi chỉ có một ước mơ nho nhỏ là những gì tôi trình bày được bạn đọc chú ý đến dù đồng ý với tôi hay không, bởi vì nếu ý kiến của mình đúng và được nhiều người chấp thuận thì có nghĩa là mình đã làm đươc một cái gì đó nho nhỏ có ích cho đất nước, còn nếu ý kiến của mình sai thì âu cũng là tranh luận để đi tới chân lí và chân thành ngỏ lời xin lỗi tới các bạn đọc.
 
Phan Tử Băng
 
LTS Dân trí - Hoan nghênh tác giả bài viết trên đây vốn là nhà giáo về lĩnh vực khoa học tự nhiên mà bỏ nhiều công phu nghiên cứu về ngôn ngữ và đã nhiệt tình đóng góp những ý kiến cho cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1, với mong muốn được trao đổi rộng rãi cùng bạn đọc.
 
Những vấn đề nêu ra trong bài viết trên đây thuộc về lĩnh vực chuyên sâu của ngôn ngữ, chỉ có những chuyên gia thật sự am tường về lĩnh vực này mới có đủ thẩm quyền đánh giá về những ý kiến đó. Dù sao, chúng ta cũng nên coi đây là những ý kiến phản biện về một cuốn sách giáo khoa, khơi lên vấn đề cần trao đổi, thảo luận nhằm góp phần hòan thiện cuốn sách giáo khoa có vị trí hết sức quan trọng đối với con em chúng ta khi chúng mới đặt chân đến trường và được khai tâm bằng những bài học ghép vần.
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm