Nhức nhối chuyện vỉa hè thành "sân nhà" của quầy hàng rong giữa Thủ đô

Gia Đoàn

(Dân trí) - Từ vụ người bán trà đá đuổi cô gái đứng ở vỉa hè bến xe Mỹ Đình, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng xử lý làm gương để răn đe những người có hành vi tương tự.

Mạng xã hội mới đây lan truyền đoạn video ghi lại cảnh một cô gái đứng trên vỉa hè đường Phạm Hùng (gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội) để chờ xe thì xảy ra tranh cãi với một người phụ nữ bán trà đá tại khu vực này.

Trong video, người phụ nữ bán trà đá lớn tiếng yêu cầu cô gái rời đi, nói: "Không được đứng đây bắt xe" và liên tục nhấn mạnh đây là nơi "tao bán hàng". Mâu thuẫn trở nên căng thẳng khi 2 người "động tay chân", trong đó người bán nước đá vào vali của cô gái đứng trên vỉa hè.

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ bức xúc về hành vi của người phụ nữ bán nước khi vừa lấn chiếm vỉa hè, vừa có hành động vô lý với cô gái trẻ.

Bạn đọc Nguyễn Anh Nghị bức xúc: "Đúng là ngược đời… Nhiều người bán hàng cứ coi vỉa hè như là khu vực thuộc quyền quản lý riêng của mình, rồi tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm. Có người còn ngang nhiên kẻ vạch trên vỉa hè để cho thuê!".

Tài khoản Duong Tran Tuyen kể: "Tôi từng bị đuổi chỉ vì đứng trên vỉa hè trước một hàng quán. Trong khi đó, ai muốn sử dụng vỉa hè thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Vỉa hè là công trình công cộng, được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền để phục vụ người dân đi lại, chứ không phải để ai muốn kinh doanh miễn phí là được. Hoặc nếu có thu phí thì cũng phải nộp vào ngân sách. Nhưng thực tế, rất ít hàng quán đăng ký sử dụng vỉa hè hợp pháp".

Nhức nhối chuyện vỉa hè thành sân nhà của quầy hàng rong giữa Thủ đô - 1

Người bán trà đá đuổi cô gái đứng ở vỉa hè bến xe Mỹ Đình (Ảnh: Cắt từ clip).

Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Đinh Trần Hữu kể lại: "Tôi đỗ xe đúng nơi được phép đỗ, vậy mà suốt ngày bị người bán hàng phun cà phê lên xe".

Theo bạn đọc Linh Thảo, chuyện vỉa hè Hà Nội, như báo đã nêu, từ lâu đã trở nên quá quen thuộc với người dân. "Thậm chí, ở nhiều nơi, vỉa hè còn là "sân nhà" của người bán hàng, hàng rong và các hộ mặt phố", cô gái viết.

Anh Nguyễn Sĩ Trung bức xúc kể: "Cách đây gần một tháng, tôi đứng dưới lòng đường phố Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, nay là phường Ngọc Hà, Hà Nội) để nghe điện thoại thì bị một nhân viên bảo vệ của khu nhà Viglacera ngồi trong bốt gác trên vỉa hè đuổi đi, không cho đứng. Tôi hỏi: "Anh lấy quyền gì mà đuổi tôi?" thì người đó trả lời: Đấy là đất của họ".

Phải xử lý nghiêm những "đầu gấu" chiếm vỉa hè

Sau vụ việc gây bức xúc, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè, trả lại không gian đi bộ cho người dân.

Tài khoản Xa Nguyen Van đề nghị cơ quan chức năng phạt thật nặng những "đầu gấu" lấn chiếm vỉa hè, bắt nạt người dân.

"Đã chiếm vỉa hè của nhà nước để kinh doanh buôn bán mà lại lên gân bắt nạt người lương thiện, làm xấu hình ảnh thanh lịch, văn minh của thủ đô", bạn đọc bày tỏ.

Bạn đọc Mạc Văn Long nêu ý kiến: "Còn nhiều lắm không chỉ vỉa hè đâu. Có nơi chỉ được cấp phép trông giữ xe trên một đoạn nhỏ dưới lòng đường, nhưng lại cố tình kẻ vạch cả dãy phố để tăng thu nhập, thời chính quyền quận cũ còn là quản lý trung gian. Cần nhanh chóng vào cuộc, rà soát lại toàn bộ vỉa hè, lòng đường đang bị chiếm dụng để trông xe và thu tiền ngang nhiên nữa".

"Việc này chắc chắn không phải lần đầu. Cần xử lý nghiêm và dẹp hẳn việc bán hàng cố định trên các vỉa hè khu vực quanh bến xe, cũng như trên các tuyến phố. Đã đến lúc cần làm cho Thủ đô của cả nước sạch đẹp văn minh", anh Long đề xuất.