Có thể viết Tiếng Việt tự do hay tùy tiện?
Hầu hết người Việt Nam đều biết viết, nhiều người nghĩ là mình viết đúng, nhưng thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Không ở một nước nào như ở nước ta lại có tình trạng mỗi người dùng các chữ cái, các kí hiệu một cách quá tự do đến mức không thể chấp nhận được.
Có lẽ Quốc hội cần ra một đạo luật về CHỮ VIỆT. Sự lộn xộn trong CHỮ VIỆT hình như đã trở thành một quốc nạn.
Sách báo ở nước ta ngày nay được in khá đẹp nhưng khi đọc chúng không ai không nhìn thấy Chữ Việt đươc viết một cách rất không thống nhất, thậm chí sai: Từ cách dùng các chữ cái, đặc biệt là các chữ cái i , y, k, c , việc dùng dấu chấm, dấu phẩy trong các dãy số đến việc dùng các chữ viết tắt, việc lạm dụng tiêng Anh (English)… Đó là chưa kể đến vô vàn lỗi chính tả đơn thuần chỉ do người viết phát âm sai về nguyên âm, phụ âm, dấu thanh. Có những cái thực sự sai về nguyên tắc cần được bàn luận sâu xa như các trường hợp ghép vần với các phụ âm qu, gi đã được trình bày trong bài báo của tôi trên tờ Dân trí điện tử ngày 19/4/2010 ở mục Bạn đọc viết (Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1). Có những cái sai rất bình thường nhưng lại rất đáng phải xem xét gây ra bởi sự quá tự do của mỗi chúng ta, của người viết (đã từng đi học) và người dạy học cũng như người quản lí.
Hiện nay chúng ta sử dụng gần như hoàn toàn tùy tiện 2 chữ cái i và y khi chúng đóng vai trò nguyên âm.Cần chú ý chữ cái y không đóng vai trò nguyên âm trong những chữ như hay, cây…, chữ cái i không đóng vai trò nguyên âm trong các chữ như nai, nôi… Hãy chỉ bàn 2 chữ lí và lý. Chữ nào được viết đúng, chữ nào được viết sai? Cả 2 chữ đều được đọc như nhau, ai cũng đọc được; Vậy cả hai đều được viết đúng. Thế là người thì viết chữ lí, kẻ thì viết chữ lý, cùng một người nhưng lúc này thì viết chữ lí còn lúc khác lại viết chữ lý khi đề cập cùng một khái niệm.
Xin bạn đọc dành ít phút tự suy ngẫm xem mình có như vậy không, có thực sự nhất quán trong việc dùng 2 chữ đó trong các từ có liên quan không và những người khác có thống nhất với mình không. Cũng xin bạn đọc mấy phút đọc một số minh chứng sau đây. Trên bìa quyển sách về luyện thi đại học môn vật lí ông Lê Văn Thông dùng từ vật lí, còn ông Nguyễn Thanh Dũng lại dùng từ vật lý trên bìa quyển sách cùng chủ đề; Hai quyển đó cùng do Nhà xuất bản trẻ ấn hành. Nhà xuất bản thanh niên có quyển 1100 câu hỏi trắc nghiệm vật lí của Nguyễn Hùng Trường và quyển 289 câu hỏi trắc nghiệm về vật lý của Trương Thu Hường; Cả 2 quyển đều được xuất bản năm 2007. Nhà xuất bản đại học quốc gia TPHCM có quyển tìm hiểu và giới thiệu các câu hỏi-bài tập trắc nghiệm vật lí của Mai Huy- Đức Anh nhưng lại có quyển câu hỏi giáo khoa vật lý của Trần Quang Phú-Huỳnh Thị Sang. Có lần tôi thấy trên bìa một quyển sách in chữ vật lí to tướng nhưng trên gáy quyển sách đó lại có chữ vật lý cũng khá to. Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyển đại từ điển tiếng việt phổ thông trong đó dùng từ lí tính, vật lý. Chắc chắn là 2 chữ lí và lý trong 2 từ đó là đồng âm và đồng nghĩa. Ông Nguyễn Văn Phong chỉ dùng chữ lí trong quyển từ điển chính tả phổ thông, ngược lại trong quyển từ điển tiếng Việt phổ thông của mình ông Trương Văn Hùng lại chỉ dùng chữ lý mà hoàn toàn không dùng chữ lí. Vậy các học sinh bé nhỏ và cả chúng ta nữa biết theo ai đây? Thế cho nên việc mọi người dùng 2 chữ cái nguyên âm i và y một cách rất tự do cũng là một hiện tượng không quá khó hiểu, dù thật đáng buồn.
Nếu các nhà ngôn ngữ học, các nhà sư phạm, những người quyền cao chức trọng bỏ chút thời gian, chịu khó bỏ bớt cái tôi phi lí của mình, ngồi lại với nhau, nghe nhau một chút thì khả năng tìm ra một sự thống nhất ở đây là rất cao. Chẳng hạn ta quy ước là chỉ dùng chữ cái nguyên âm y khi nó đứng độc lập một mình (như trong chữ y tá ),còn trong tất cả các trường hợp còn lại ta đều dùng chữ cái nguyên âm i.Trong bài báo này tôi áp dụng quy tắc đó, mặc dù vẫn biết là hơi liều, mọi người không thích thì sao, hơn nữa đơn giản quá chưa chắc đã hay. Còn có những phương án khác.Chẳng hạn vẫn dùng cả 2 chữ cái nguyên âm i và y, nhưng phải có quy định cụ thể cho từng từ một, trong từ nào thì dùng chữ cái nào. Phương án này phức tạp hơn rất nhiều nhưng có ưu điểm là tăng tính đa dạng. Phương án này đòi hỏi người viết, người học nói chung, phải rất am hiểu tiếng Việt. Ví dụ, có lẽ không nhiều người phân biệt được 3 chữ lí trong 3 từ vật lí, địa lí, lí trưởng có mấy nghĩa (2 hay 3).
Hiện tượng quá tự do như thế có vẻ như vô hại nhưng thực ra là kì lạ, gây ra nhiều phiền toái.Chẳng hạn làm sao ta viết được một chương trình vi tính về chính tả cho Chữ Việt , muốn lập một bảng chơi ô chữ (crossword) thì làm thế nào, dùng thứ tự chữ cái ra sao khi soạn thảo, tra cứu từ điển…Có lẽ chỉ ở Việt Nam ta mới có kiểu tự do quá trớn như thế.Trong chữ của các nước trên thế giới gần như không có hiện tượng một chữ có thể được viết theo nhiều cách.Trong chữ Nga (nếu tôi không nhầm) không có, trong chữ Pháp hình như cũng không, trong chữ Anh có lẽ chỉ có một trường hợp (một chữ ).
Ta cũng rất thường gặp những sự tùy tiện khác.Tôi không hiểu tại sao trong sách giáo khoa địa lí lớp 9, tác giả dùng gạch nối trong chữ y-a-ly, còn trong từ Gia Lai ngay bên cạnh (trong cùng 1 bản đồ) lại không có gạch nối. Trong rất nhiều thư liệu hiện nay, ví dụ như trên màn hình VTV, trong sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục và Đào tạo có những chữ rất lạ như Đăk Lăk, Đăk Nông, Bắc Kạn. Các phát thanh viên của VTV đọc dòng chữ VTV ORG.COM là vê tê vê o rờ gờ chấm com. Đã đọc là vê tê vê sao lại còn o rờ gờ, đã đọc là o rờ gờ sao lại còn vê tê vê? Một thầy giáo trên VTV nói cho tam giác a bê xê (ABC) với đường cao a hờ (AH).Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 từ trước đến nay có dạy học sinh như vậy đâu. Hay là sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo dạy sai hoặc thiếu?Nếu thế thì cần sửa nhiều.
Chúng ta viết tắt, ai cũng có lúc cần viết tắt, nhưng hiện nay có vẻ như chúng ta quá tùy tiện khi viết tắt. Người ta ngang nhiên viết TW để chỉ từ trung ương dù ai cũng biết rất rõ là trong bảng chữ cái của ta không hề có chữ cái w. Ở một hàng tít trên màn hình VTV có dòng chữ BBT và Ban CĐ. Viết BBT là Ban Bí Thư có thể chấp nhận được vì Ban Bí Thư được coi là một danh từ riêng được dùng khá phổ biến, còn viết Ban CĐ thì khó hiểu ngay, hơn nữa sao chữ Ban ở chữ Ban CĐ lại không được viết tắt.Có không ít lần, trong phần giới thiệu chương trình của VTV 1 có dòng chữ khá to …tác phong và đạo đức HCM. Sao lại bất kính đến thế? Mà có phải thiếu không gian đến mức không đưa được chữ Hồ Chí Minh lên màn hình đâu. Ở nhiều nước người ta chính thức hóa, thông tục hóa rất nhiều chữ viết tắt, đưa chúng vào từ điển.Ta chưa bao giờ làm được như vậy. Ta nên bỏ thời gian sưu tầm, chọn lọc, tổng kết để có thể đưa các chữ viết tắt vào các quyển từ điển.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Nhân thể cũng xin phép nói thêm là hiện nay chúng ta quá lạm dụng tiếng Anh. Ví dụ dân ta đã quen gọi thủ đô của nước Nga là Mat cơ va (Moskva) thì có nên dùng Moscow hay không, có nên gọi Bắc kinh là Pekin hay Beijing không, có nên đọc tên thủ đô nước Pháp là Pa ri xơ hay không (Người Anh và người Pháp đều viết tên thủ đô nước Pháp là Paris, người Pháp đọc chữ đó là Pa ri, người Anh đọc là Pa ri xơ, còn người Việt ta đã từ rất lâu nói Pa ri).Dân ta ngày nay rất hay dùng kí hiệu & thay cho chữ và của ta. Có nên không? Nếu thấy hay thì phải thống nhất hóa, chính thức hóa, đưa vào từ điển, dạy trong sách giáo khoa. Trong sách báo của ta hiện nay nhan nhản những chữ Anh như index, games show, live show, hot, blog, marketing.Người ta tương cả những từ ít thông dụng ở ta hơn như background, key lên báo chí. Trong một bài báo ở phần đầu có từ Moscow, ở dưới đó lại viết Armenia, Grudia. Sao không viết luôn là Georgia mà lại là Grudia, vừa chữ ta vừa chữ tây, lộn xà lộn xộn, chẳng ra làm sao. Chúng ta còn ở trình độ thấp hơn người Anh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, chúng ta phải vay mượn từ tiếng Anh cũng như từ những tiếng khác nhiều từ, đặc biệt là từ tiếng Hán. Đó là một việc làm cần thiết, không phải coi là quá xấu hổ, nhưng không nên vay mượn tiếng Anh theo kiểu hiện nay, kiểu văn bản chữ Việt lố nhố những chữ Anh.Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi viết New York, London hay sao? Người Pháp vẫn dùng chữ Berlin để chỉ thủ đô nước Đức, nhưng họ đọc từ đó theo kiểu Pháp, người Anh vẫn dùng từ Paris để chỉ thủ đô nước Pháp, song họ đọc nó theo kiểu của họ vì tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức đều thuộc ngôn ngữ đa âm, ví dụ một người Pháp hoàn toàn không biết tiếng Đức có thể dễ dàng đọc chữ Berlin. Còn một người Việt không biết tiếng Anh thì không thế đọc chữ New York, chữ Washington, vả lại nếu đọc được ta cũng không nên (không được) viết bằng chữ Anh. Chữ Việt phải 100% là chữ Việt, ai cũng đọc được, cũng thấy tự hào. Với kiểu lạm dụng chữ Anh như hiện nay thì rất có thể là sau vài trăm năm nữa chữ của ta biến mất.
Phải tìm mọi cách Việt hóa những từ cần vay mượn một cách nhanh nhất có thể được.Cha ông ta đã từng Việt hóa rất tài tình nhiều từ do người Pháp đưa vào. Chỉ riêng liên quan đến chiếc xe đạp thôi cũng đã cũng đã có tới trên chục từ, nay còn khoảng dăm từ thông dụng. Một trong những điển hình về nghệ thuật Việt hóa là sư chuyển chữ Pháp enveloppe thành chữ lốp. Enveloppe là một từ có 3 âm tiết với trọng âm ở âm cuối cùng. Cha ông ta đã bỏ 2 âm tiết đầu, chỉ dùng âm tiết quan trọng cuối cùng, nên giờ đây ta có chữ lốp rất Việt Nam.Thử hỏi trong hơn nửa thế kỉ chịu ảnh hưởng của khối Anh-Mĩ ta đã Việt hóa được bao nhiêu từ tiếng Anh. Ít quá!
Hình như tình hình đã trầm trọng nếu không muốn gọi sự lộn xộn đó là quốc nạn LỘN XỘN CHỮ VIỆT.Muốn đất nước trở nên hùng cường thì ít nhất chữ viết của ta phải chỉnh chu, sách báo phải mang thứ chữ thống nhất, chuẩn mực, trí tuệ hơn, dễ đọc, dễ hiểu hơn, để thế giới cũng phải ngước nhìn. Chữ viết là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ văn minh của một dân tộc, là niềm tự hào của một nước, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của mỗi dân tộc. Mỗi người chúng ta cố gắng một chút là được.Nếu cần nước ta nên có luật về chữ Việt.
Trong bài báo này tôi có trích dẫn những ví dụ lấy từ VTV, sách giáo khoa, từ điển.Tôi có lời xin lỗi vì chưa hỏi ý kiến các tác giả .Thực ra không phải chỉ ở đó mới có sai sót mà ngược lại ở đó có ít sai sót nhất, tôi trích dẫn như thế chỉ vì làm như vậy thì ai cũng dễ có điều kiện kiểm chứng, hơn nữa lẽ ra trên VTV, trong sách giáo khoa, trong từ điển, nhất là trong từ điển tiếng Việt, từ điển chính tả không thể có những sai sót như vậy.Nếu ý kiến của tôi có gì sai tôi xin được các độc giả chỉ giáo, tôi xin tiếp thu và xin được tha thứ.
Phan Tử Bằng
LTS Dân trí - Bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt đã được các lãnh tụ khả kính của chúng ta như Bác Hồ kính yêu, các Đồng chí Trường - Chinh và Phạm Văn Đồng rất quan tâm và nhắc nhở nhiều lần. Nhưng rất đáng tiếc là ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam ta ngày càng trở nên lộn xộn, nhất là rất tùy tiện trong cách viết, cách đọc như tác giả bài trên đây đã nêu rõ.
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là phương tiện tư duy, thể hiện suy nghĩ, cảm xúc… Ngôn ngữ luôn tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, thể hiện rõ bản sắc của dân tộc Việt Nam ta. Cho nên việc bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là một điều sống còn đối với đất nước, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà ngôn ngữ mà còn là nghĩa vụ của mọi người công dân. Nhưng muốn thống nhất trong ý nghĩ và hành động thì phải có văn bản pháp quy, thậm chí có Bộ Luật về Ngôn ngữ Tiếng Việt - như kiến nghị của tác giả bài viết trên đây, để trước hết có sự thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân; trong hệ thống công văn giấy tờ của các cơ quan nhà nước và trong cách viết và cách nói của các cơ quan thông tin đại chúng, để từ đấy làm chuẩn mực và nhân rộng ra trên phạm vi tòan xã hội.
Cần sớm chấm dứt tình trạng tùy tiện trong cách viết và đọc Tiếng Việt hiện nay để bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt. Nhiệm vụ khẩn thiết đó trước hết thuộc về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm về lĩnh vực này.