Vụ án kho gỗ trắc và bìa đỏ không chính chủ

Bài 6: thiệt hại nghiêm trọng vì văn bản của TAND TP Kon Tum

(Dân trí) - Sau khi TAND TP Kon Tum ban hành các văn bản “kỳ lạ” nhưng lại có tính chế tài bắt buộc với các bên liên quan, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người có tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Gần một năm sau kể từ ngày Công văn số 131/2011/CV-TA của thẩm phán Phạm Thị Nga được ban hành, đến ngày 06/4/2012, ông Đỗ Văn Toàn - Chánh án TAND TP Kom Tum - đã ban hành Công văn 83/2012/CV-TA về việc thu hồi công văn số 131/2011/CV-TA.

Theo Luật sư Trương Quốc Hoè - Trưởng VPLS Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì về bản chất, việc ban hành Công văn số 83/2012/CV-TA chính là việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với một phần căn nhà số 03 Thi Sách, phường Thắng Lợi, TP Kom Tum. Chưa nói đến hậu quả của việc ban hành công văn này, chỉ nhìn dưới góc độ pháp lý thì công văn số 83/2012/CV-TA đã chứa đựng rất nhiều sai phạm, cụ thể:

Thứ nhất, Công văn số 83/2012/CV-TA chứa đựng nội dung của một Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng lại không được thể hiện theo đúng hình thức của mẫu văn bản tố tụng

Căn cứ vào Công văn số 131/2011/CV-TA về việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản, ông Chánh án Đỗ Văn Toàn đã ban hành công văn 83/2012/CV-TA gửi tới nhiều cơ quan chức năng với nội dung “để cho bà Trương Thị Công Phường được dùng tài sản nói trên tham gia các giao dịch dân sự như: chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thừa kế...”, và lý do của việc huỷ bỏ này là vì “các đương sự đã thỏa thuận xong về việc giải quyết vụ án”.

Có thể thấy rõ đây không phải là một công văn mang tính chất thông báo, hành chính nội bộ hay trao đổi thông tin, nghiệp vụ mà chính là một Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng từ ngày 06/5/2011, có tính chất bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện.

Việc ban hành văn bản hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, có tính chất bắt buộc thực hiện nhưng lại được thể hiện dưới hình thức “Công văn” là không đúng quy định tại Điều 122, Bộ luật tố tụng dân sự, bởi nếu như TAND TP Kom Tum cho rằng “các đương sự đã thỏa thuận xong về việc giải quyết vụ án” đồng nghĩa với việc “Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự.”(điểm c, khoản 1, Điều 122) để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải được thể hiện dưới hình thức là một “Quyết định” phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và mẫu văn bản tố tụng số 01d “Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” dùng cho Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 Hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII "Các biện pháp khẩn cấp tạm thời" của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc ban hành một văn bản không tuân thủ theo đúng quy định pháp luật quả là một điều khó hiểu khiến cho công luận không khỏi băn khoăn: liệu nguyên nhân có phải chỉ là do nghiệp vụ yếu kém hay không?

Thứ hai, Công văn số 83/2012/CV-TA không đưa ra được căn cứ hợp pháp để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 122, Bộ luật tố tụng dân sự thì việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được áp dụng trong một số trường hợp:

- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị huỷ bỏ.

- Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

- Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự.

Ông Chánh án Đỗ Văn Toàn đã căn cứ vào việc “các đương sự đã thỏa thuận xong về việc giải quyết vụ án” để ban hành Công văn số 83/2012/CV-TA nhằm hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không đúng với một trong các trường hợp đã được pháp luật quy định, bởi dù cho các bên có thỏa thuận với nhau về việc mua bán tài sản để giải quyết vụ việc, nhưng “thoả thuận” này không đồng nghĩa với việc quyền và nghĩa vụ của các bên đã chấm dứt, mà chỉ đến khi các thỏa thuận trong văn bản được các bên thực hiện xong thì mới có căn cứ để hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy tại sao ông Chánh án lại có thể tuỳ tiện ban hành một văn bản không căn cứ theo quy định pháp luật?

Công văn 131 của thẩm phán Nga
Công văn 131 của thẩm phán Nga

Thứ ba, theo quy định pháp luật thì ông Chánh án Đỗ Văn Toàn không có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản

Hồ sơ vụ án thể hiện rõ, vụ án đang được thụ lý lại để xét xử sơ thẩm lần 2 theo Quyết định thụ lý vụ án số 19/2012/TLST–DS ngày 07/3/2012, và thẩm phán Ngô Văn Minh là người được phân công giải quyết. Vậy căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 100, Bộ luật tố tụng dân sự thì “việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên toà do một Thẩm phán xem xét, quyết định” đồng thời căn cứ theo mẫu văn bản tố tụng số 01d “Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” thì trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, cụ thể là Thẩm phán Ngô Văn Minh là người có thẩm quyền ban hành Quyết định huỷ bỏ này.

Vậy căn cứ vào quy định nào của pháp luật mà ông Chánh án Đỗ Văn Toàn - mặc dù không phải là Thẩm phán thụ lý vụ án, lại có thể ban hành văn bản số 83/2012/CV-TA với nội dung hủy bỏ việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với một phần căn nhà số 03 Thi Sách, phường Thắng Lợi, TP Kom Tum? Hành vi này không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về  thể thức văn bản, mà còn vi phạm thẩm quyền ban hành “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” theo quy định tại khoản 1, Điều 100, Bộ luật tố tụng dân sự và mục 14, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 Hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII "Các biện pháp khẩn cấp tạm thời" của Bộ luật tố tụng dân sự, xâm phạm tới nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Một vụ án không tuân thủ nguyên tắc “thẩm phán độc lập khi xét xử” thì liệu có thể có được một bản án công bằng, chuẩn mực hay không?

Thứ tư, khi ban hành Công văn số 83/2012/CV-TA, TAND TP Kom Tum không tiến hành tống đạt, thông báo tới đương sự

Có thể thấy rõ, nội dung Công văn số 83/2012/CV-TA đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền tài sản của bà Phường (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thừa kế,...) đối với một phần căn nhà số 03 Thi Sách, phường Thắng Lợi, thành phố Kom Tum. Thế nhưng, văn bản quan trọng này lại không được tống đạt, thông báo tới bà Phường. Hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 123, Bộ luật tố tụng dân sự: “Toà án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho ... người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Dõi theo quá trình xét xử vụ án tại hồ sơ vụ án thì thấy rằng khi thẩm phán Phạm Thị Nga ban hành Công văn số 131/2011/CV-TA về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cũng như khi ông Chánh án Đỗ Văn Toàn ban hành Công văn số 83/2012/CV-TA về việc huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, bà Trương Thị Công Phường – người có khối tài sản này đều không hề được nhận thông báo, không hề được tống đạt nên đã không hề hay biết. Cán bộ Toà án cứ tự ý ban hành văn bản mang tính bắt buộc thi hành mà không cần biết đến việc pháp luật có quy định buộc họ phải thông báo tới đương sự việc ban hành các quyết định này. Đâu là nguyên nhân để lý giải cho những hành vi tuỳ tiện, bất chấp các quy định pháp luật này?

Việc ban hành Công văn số 83/2012/CV-TA để hủy bỏ việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản một cách tùy tiện, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cả gia đình bà Trương Thị Công Phường, dẫn đến hậu quả: tài sản là một phần căn nhà số 03, Thi Sách, phường Thắng Lợi, TP Kom Tum mặc dù đang nằm trên một phần diện tích đất đang có tranh chấp giữa ông Phạm Đức Thuận và bà Trương Thị Công Phường theo Quyết định thụ lý vụ án số 19/2012/TLST-DS ngày 07/3/2012 về việc “tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vô hiệu” nhưng vẫn được Công chứng viên Bùi Đình Khuyên - Phòng Công chứng số 1 tỉnh Kom Tum công chứng trái pháp luật Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 07/4/2012 với Bên chuyển nhượng là bà Phường và các con, Bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Tiến Thành; tài sản trên đất thì bị đập phá, thay đổi kết cấu hiện trạng (Biên bản số 11/BB-UBND ngày 26/7/2013 của UBND phường Thắng Lợi, TP Kom Tum về việc ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị); để từ đó ngày 19/4/2012, UBND TP Kom Tum đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên ông Phạm Tiến Thành đối với cả phần tài sản đang tranh chấp trên.

Quy định của pháp luật luôn có tính bắt buộc tất cả phải tuân theo, do vậy không có lý do gì để toàn thể nhân dân, đặc biệt là những người đang thực hiện công tác pháp luật, không tuân thủ. Nếu như các quy định pháp luật về mẫu văn bản, về thẩm quyền, về căn cứ pháp lý, về nghĩa vụ của các bên... đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành lại không có tính hiệu lực thi hành trong trường hợp của vụ án này, thể hiện qua việc tuỳ tiện ban hành Công văn số 131/2011/CV-TA và Công văn số 83/2012/CV-TA, thì liệu có thể có được một bản án công minh, công bằng, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật hay không?".

Xin cảm ơn luật sư!

Tuệ Mẫn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm