Tiếp vụ án kho gỗ trắc và bìa đỏ không chính chủ:

Bài 5: Cách giải quyết “lạ” của TAND TP Kon Tum

(Dân trí) - Là cơ quan thi hành luật pháp, nhưng TAND TP Kon Tum (Kon Tum) lại có cách giải quyết vụ việc không tuân thủ các quy định luật pháp khiến công dân thiệt hại nặng nề về tài sản.

Đỉnh điểm những sai phạm của TAND TP Kon Tum đối với vụ việc của bà Trương Thị Công Phường là bản án sơ thẩm số 27/2011/DS-ST ngày 26/9/2011 và Công văn số 131/2011/CV-TA về việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản của thẩm phán Phạm Thị Nga. Và việc làm này của TAND TP Kon Tum đã bị chính Toà án cấp trên “tuýt còi” huỷ án do có quá nhiều sai phạm về cả thủ tục tố tụng lẫn nội dung.

Như thông tin những bài trước, trong quá trình làm ăn với nhau, bà Phường và ông Phạm Đức Thuận đã có một hợp đồng vay mượn tiền được giả cách dưới dạng một Hợp đồng chuyển nhượng dẫn đến việc ông Thuận đã khởi kiện bà Phường ra Tòa trong một vụ án “Kiện đòi quyền sử dụng đất”. Vụ án được TAND TP Kon Tum đưa vào sổ thụ lý số 55/2011/TLSTDS ngày 5/5/2011.

Tuy nhiên, vụ án đã được TAND TP Kon Tum giải quyết với nhiều điểm bất thường, trái với quy định của luật pháp.

Chỉ một ngày sau khi nhận được đơn khởi kiện của ông Thuận, ngay ngày 06/5/2011, ông Phạm Đức Thuận gửi đơn lên TAND TP Kon Tum yêu cầu về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản là một phần căn nhà số 3 Thi Sách (TP Kon Tum). Ngay lập tức, bà Phạm Thị Nga - Thẩm phán TAND TP Kon Tum đã ban hành công văn số 131/2011/CV-TA ngày 06/5/2011 về việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản với nội dung:

Đề nghị Phòng công chứng số 01 tỉnh Kon Tum, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Kon Tum, UBND phường Thắng Lợi (TP Kon Tum), ngân hàng Vietcombank- chi nhánh Kon Tum “Không cho chị Trương Thị Công Phường dùng tài sản là một phần căn nhà số 03 Thi Sách, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum… để tham gia các giao dịch dân sự dưới bất kỳ hình thức nào: chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thừa kế…”.

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Việt - Luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội thì đây là một văn bản khá kỳ lạ không chỉ ở thể thức ban hành văn bản, ở “tốc độ” giải quyết đơn thư mà còn “lạ” ở chính những vấn đề còn uẩn khúc trong nội dung của văn bản này.

Thứ nhất, về bản chất, Công văn số 131/2011/CV-TA không phải là một công văn mang tính chất thông báo, hành chính nội bộ mà chính là một Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có tính chất bắt buộc các cơ quan, tổ chức nói trên không cho bà Phường thực hiện chuyển dịch quyền về tài sản như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, thừa kế..., điều này rõ ràng đã gây ảnh hưởng rất lớn  đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phường.

Thứ hai, về mặt hình thức văn bản, Thẩm phán Phạm Thị Nga không ban hành “Quyết định” mà lại ban hành “Công văn” để ngăn chặn chuyển dịch tài sản. Theo quy định tại khoản 2, Điều 117, Bộ luật tố tụng dân sự, thì Thẩm phán Nga là người được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện biện pháp bảo đảm thì Nga phải ra ngay “quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết. Và theo quy định của pháp luật thì đối với trường hợp này, không có loại hình văn bản nào được thể hiện dưới dạng “Công văn”, mà chỉ có “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” mà thôi.

Trong vụ án này, TAND TP Kom Tum sau khi xem xét Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã chấp nhận yêu cầu của ông Thuận với lý do “đề nghị của nguyên đơn là có căn cứ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong thời gian tòa án thụ lý giải quyết vụ án”. Nhưng, Nga lại không ban hành một “Quyết định” theo quy định tại khoản 2, Điều 117, Bộ luật tố tụng dân sự mà ngay trong ngày nhận được Đơn đề nghị của nguyên đơn đã vội vã ban hành một văn bản dưới hình thức “Công văn” có bản chất là nội dung của một “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Như vậy, thẩm phán Phạm Thị Nga không chỉ vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự như đã nêu trên, mà còn không tuân thủ đúng quy định tại mẫu văn bản tố tụng số 01b “Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” dùng cho thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 Hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII "Các biện pháp khẩn cấp tạm thời" của Bộ luật tố tụng dân sự.

Thứ ba, Thẩm phán Phạm Thị Nga không áp dụng đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định bắt buộc đối với việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo quy định tại khoản 7, Điều 102, Bộ luật tố tụng dân sự, vì vậy, áp dụng mục 8, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 “Hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII Các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự” thì Nga phải buộc người yêu cầu – ông Thuận gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện, gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, Nga đã không thực hiện quy trình nêu trên, bất chấp những quy định của pháp luật để ngay lập tức ban hành Công văn 131/2011/CV-TA về việc ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với bà Trương Thị Công Phường. Và chỉ với một lá đơn, không mất bất cứ khoản tiền phong toả nào, bất chấp các quy định của pháp luật, ông Thuận đã đạt được điều mong muốn.

Thứ tư, thẩm phán Phạm Thị Nga đã không thực hiện thủ tục thông báo đến người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Nội dung Công văn 131/2011/CV-TA đã ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền tài sản của bà Phường. Nhưng văn bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của cả gia đình bà Phường lại không được tống đạt, thông báo tới bà Phường. Hành vi này của Nga đã vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 123, Bộ luật tố tụng dân sự.

Hành vi vi phạm các quy định pháp luật nói trên của bà Nga có lẽ cũng là điều “tất yếu” bởi chỉ trong cùng một ngày- sau khi nhận đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của nguyên đơn, bà Nga đã ban hành ngay Văn bản theo yêu cầu của nguyên đơn. Bởi, với việc làm “thần tốc” này của mình, liệu bà Nga đã kịp nghiên cứu xem yêu cầu này có hợp pháp và cần thiết không (?!).

Không chỉ có cách giải quyết “lạ” ưu ái giành cho ông Thuận, mà TAND TP Kon Tum còn giải quyết “lạ” đối với bà Phường khi từ chối một cách vô căn cứ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Phường- đề nghị giữ nguyên hiện trạng tài sản đang tranh chấp (nhà 3 tầng của Công ty Đăng Khoa tại số 3 Thi Sách).

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt:
Luật sư Nguyễn Hoàng Việt: "TAND TP Kon Tum (Kon Tum) có cách giải quyết vụ việc không tuân thủ các quy định luật pháp khiến công dân thiệt hại nặng nề về tài sản".

Luật sư Nguyễn Hoàng Việt cho biết, những cán bộ của TAND TP Kom Tum giải quyết bằng một hình thức phức tạp và kéo dài hơn rất nhiều so với trình tự giải quyết Đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Thuận.

Thứ nhất, về Công văn 344/2013/CV-TA ngày 18/9/2013 của TAND TP Kom Tum phúc đáp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Phường thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu gây khó khăn cho đương sự.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 117, Bộ luật tố tụng dân sự, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án mà nhận được yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì “Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét giải quyết”. Thế nhưng, khi TAND TP Kom Tum nhận được yêu cầu phúc đáp về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 17/9/2013 của bà Phường thì Thẩm phán Ngô Văn Minh lại ban hành Công văn số 344/2013/CV-TA ngày 18/9/2013 trả lời bà Phường rằng: “Đơn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà yêu cầu nhiều cơ quan nên TAND TP Kom Tum không biết yêu cầu cơ quan nào áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. Câu trả lời này thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án mà TAND TP Kom Tum đang thụ lý (theo Quyết định thụ lý vụ án số 19/2012/TLST-DS ngày 07/3/2012).

Căn cứ vào quy định tại tiểu mục 8.1, mục 8, Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/04/2005 thì trong trường hợp nhận được Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện, gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Mặc dù thẩm phán Ngô Văn Minh chưa thực hiện việc ấn định trên theo quy định của pháp luật, thì đã ra công văn số 344/2013/CV-TA, từ chối ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì ông cho rằng bà Phường không thực hiện đảm bảo biện pháp nêu trên (?!)

Việc không thực hiện đúng trách nhiệm của thẩm phán thụ lý mà tuỳ tiện ban hành công văn từ chối, đẩy trách nhiệm sang đương sự là một việc làm tuỳ tiện, vô trách nhiệm, trái quy định pháp luật, đã khiến cho quyền lợi ích hợp pháp của đương sự bị xâm phạm nghiêm trọng.

Thứ hai, Công văn 375/2013/CV-TA ngày 15/10/2013 của TAND TP Kom Tum trả lời Đơn khiếu nại ngày 10/10/2013 của bà Phường thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cán bộ toà án trong quá trình giải quyết vụ án.

Không đồng ý với kết quả trả lời của thẩm phán Minh tại Công văn số 344/2013/CV-TA, ngày 10/10/2013, bà Phường đã làm Đơn khiếu nại về việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tại Công văn 375/2013/CV-TA ngày 15/10/2013, ông Đỗ Văn Toàn – Chánh án TAND TP Kom Tum lại cho rằng “Tòa án thụ lý đơn của bà về việc Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, như vậy đối tượng tranh chấp không phải là nhà cửa, bà yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho ông Phạm Đức Thuận xây dựng, sửa chữa nhà cửa, nội dung yêu cầu này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án” là không chính xác. Bởi theo Quyết định thụ lý vụ án số 19/2012/TLST-DS ngày 07/3/2012 về việc “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vô hiệu” thì đối tượng tranh chấp giữa nguyên đơn là bà Phường và bị đơn là ông Thuận bao gồm cả tranh chấp đối với căn nhà là tài sản trên đất tại số 03 Thi Sách (TP Kom Tum).

Theo luật sư Nguyễn Hoàng Việt - đây là một văn bản khá kỳ lạ không chỉ ở thể thức ban hành văn bản, ở “tốc độ” giải quyết đơn thư mà còn “lạ” ở chính những vấn đề còn uẩn khúc trong nội dung của văn bản này.Vì vậy, ông Toàn cho rằng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Phường không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là không đúng quy định của pháp luật, là hành vi chối bỏ trách nhiệm thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Qua việc xem xét, giải quyết của TAND TP Kon Tum đối với hai Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gửi tới cùng một tòa án, nhưng là đơn yêu cầu của hai chủ thể có quyền và lợi ích đối lập nhau trong một vụ án. Thế nhưng, thay vì giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính khách quan, công bằng thì các thẩm phán TAND TP Kom Tum lại đưa ra hai cách xử lý hoàn toàn khác nhau nhưng lại có một điểm chung duy nhất là quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phường đều bị xâm phạm: quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang có tranh chấp vẫn bị chuyển nhượng trái pháp luật (Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 07/4/2012 giữa bên chuyển nhượng là bà Phường cùng các con với bên nhận chuyển nhượng là ông Phạm Tiến Thành) còn tài sản trên đất thì bị đập phá, thay đổi kết cấu hiện trạng (Biên bản số 11/BB-UBND ngày 26/7/2013 của UBND phường Thắng Lợi, TP Kom Tum về việc ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị).

Tuệ Mẫn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm