Vụ án kho gỗ trắc và bìa đỏ không chính chủ:

Bài 1: Trưởng phòng công chứng tham gia hành trình "hóa phép" sổ đỏ

(Dân trí) - Tin vào bạn làm ăn, bà Phường đã vay nhiều tỷ đồng để mua kho gỗ trắc nhưng sau khi trao tiền, bà Phường mới biết gỗ thì ít mà… sắn lát khô thì nhiều. Không chỉ bị mất tiền, mà nhà và đất thừa kế của gia đình bà cũng bị lừa mất.

Hợp đồng kho gỗ 7,5 tỷ đồng

Vừa qua, báo Dân trí liên tục nhận được đơn kêu cứu của bà Trương Thị Công Phường (SN 1963, trú tại thị trấn Pleikần, Ngọc Hồi, Kon Tum) về việc bà bị người bạn làm ăn thân thiết lừa đảo, và những bản án trái pháp luật của TAND TP Kon Tum. Trong vụ án này UBND tỉnh Kon Tum đã có thông báo số 173/TB-UBND kết luận việc tố cáo của bà Phường đối với ông Bùi Đình Khuyên - Trưởng phòng công chứng số 1 tỉnh Kon Tum là đúng sự thật, chỉ ra việc làm sai trái của ông Khuyên và UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chỉ đạo Chánh Thanh tra sở lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với ông Khuyên về hành vi soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 49, tờ bản đồ 61 tại địa chỉ số 03 đường Thi Sách (TP Kon Tum). Ngoài ra, TAND tỉnh Kon Tum cũng đã có bản án chỉ ra nhiều vi phạm của TAND TP Kon Tum trong vụ án này, tuy nhiên việc trên bảo dưới không nghe khiến vụ án vẫn còn nhiều oan trái.

Bà Phường kể, tháng 7/2009, bà là Chủ tịch Hội đồng quảng trị Công ty TNHH Gia Khang (nằm trên đường Thi Sách, TP Kon Tum) ký hợp đồng kinh tế số 16 (ngày 28/7/2009) mua bán gỗ trắc với Công ty TNHH Thương mại Thăng Long do ông Phạm Tiến Thành làm Giám đốc. Để bà Phường tin kho gỗ là có thật, ông Thành dẫn bà Phường đi kiểm tra kho gỗ. Sau khi kiểm tra kho hàng xong, ông Thành buộc bà Phường phải chuyển tiền đủ trước khi bốc hàng.

Ngày 16/9/2009, bà Phường đã giao cho công ty Thăng Long 6,5 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng An Bình Gia Lai 6 tỷ đồng) và xin được bốc gỗ nhưng công ty không chấp nhận nên bà Phường đã huy động thêm 1 tỷ đồng và giao đủ cho công ty này. Từ 24/9-6/10/2009, công ty Thăng Long giao cho bà Phường 294.730 kg gỗ (tương đương 3.689.213.000 đồng), thứ còn lại trong kho gỗ là sắn lát khô.

Ngày 7/10/2009, ông Thành trả lại cho bà Phường 6 trăm triệu đồng. Ngày 8/7/2010, ông Thành thay bà Phường trả 1 tỷ đồng cho ngân hàng An Bình để trừ vào số nợ do bán gỗ thiếu cho bà Phường.

Hợp đồng kho gỗ 7,5 tỷ đồng
Hợp đồng kho gỗ 7,5 tỷ đồng
Hợp đồng kho gỗ 7,5 tỷ đồng

Do còn nợ ngân hàng An Bình 4 tỷ đồng nên ngày 15/6/2010 bà Phường phải đáo nợ vay. Qua môi giới, bà Phường đã vay nóng của bà Ngô Thị Lan (mẹ ruột của ông Phạm Tiến Thành) 4 tỷ đồng với lãi suất 9%/tháng để đáo nợ ngân hàng với thỏa thuận: khoảng 1 tuần sau ngân hàng giải ngân ra bà Lan sẽ nhận trực tiếp từ nhân viên ngân hàng, sau khi viết giấy nhận nợ bà Phường phải thuế chấp sổ đỏ số 184 CNSH ngày 22/10/1992 (diện tích 36m ngang x 35m dài) nhà đất tại địa chỉ 03 Thi Sách (TP Kon Tum) của mẹ chồng bà Phường là cụ Lê Thị Miều. Tuy nhiên, khi bà Phường mang sổ đỏ trên đến đưa cho bà Lan thì bà này lại yêu cầu bà Phường phải mang ra phòng công chứng số 1 để ký “chuyển nhượng tạm thời”.

Nghĩ mình không phải chủ đất thì không thể ký chuyển nhượng được nên bà Phường từ chối. Tuy nhiên, bà Lan và ông Bùi Đình Khuyên (Trưởng phòng công chứng số 1) nói “chỉ ký chuyển nhượng tạm thời thôi, khi nào trả nợ xong thì sẽ hủy bỏ”. Ngày 16/6/2010, sau khi ông Khuyên soạn thảo xong hợp đồng “chuyển nhượng tạm thời” với giá bán 1 tỷ đồng, ông Phạm Đức Thuận (con trai bà Lan) và bà Phường đi xuống phòng công chứng này ký. Để tạo thêm giá trị “pháp lý” trong hợp đồng công chứng, mặc dù bà Miều đang bị bệnh nặng do tai biến mạch máu não (từ năm 2008) và sống thực vật trên giường nhưng trong hợp đồng trên lại có dấu vân tay của bà Miều một cách khó hiểu! Do tin tưởng vào bà Lan là bạn thân làm ăn lâu năm sẽ giữ lời hứa nên bà Phường đã ký vào hợp đồng công chứng trên.

“Hóa phép” sổ đỏ

Ngày 13/7/2010, ngân hàng An Bình gọi điện thoại cho con trai bà Phường là Phan Tấn Nguyên Kha và vợ anh Kha đến ngân hàng này để ký nhận nợ, còn tiền giải ngân ngân hàng sẽ chuyển trả trực tiếp cho bà Lan là 3 tỷ đồng (chứng từ số 0741000814008 ngày 13/7/2010) kèm giấy thỏa thuận giữa ông Thành và ngân hàng An Bình trả nợ cho công ty Gia Khang 1 tỷ đồng trích từ nguồn tiền của bà Lan như đã thỏa thuận. Cùng ngày, bà Lan đã viết giấy xác nhận giữa bà và công ty Đăng Khoa không còn nợ nần gì nhau nữa. Sau khi trả xong nợ, mẹ con bà Lan không chịu trả sổ đỏ mang tên cụ Miều cho bà Phường mà tìm cách “hóa phép” sang tên cho con trai mình.

Ngày 26/7/2010, UBND TP Kon Tum đã cấp giấy CNQSDĐ và tài sản gắn liền đất (địa chỉ số 03 Thi Sách, TP Kon Tum) số BC 661747 với diện tích 1.260m2 cho ông Phạm Đức Thuận, được lấy từ nhà đất của cha mẹ chồng bà Phường là ông Phan Cù và bà Lê Thị Miều.

Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận trên của chính quyền địa phương lại không tuân theo quy định của luật pháp. Bởi lô đất trên được đứng tên ông Phan Cù và bà Lê Thị Miều được cấp giấy CNQSDĐ số 184/CNSH ngày 22/10/1992. Trước đó, ngày 23/3/1990, ông Cù và bà Miều lập “chúc thư” để lại nhà, đất diện tích 1.476m2 tại số 3 Thi Sách cho con trai là Phan Văn Kế và con dâu Trương Thị Công Phường. Năm 2001, ông Cù mất, theo di chúc vợ chồng bà Phường được hưởng 1/2 quyền sở hữu tài sản trên. Ngày 22/1/2009, ông Kế và bà Phường li hôn, số tài sản thừa kế trên ông Kế đồng ý để cho bà Phường cùng 5 người con của mình được hưởng. Và cho đến nay, theo quy định của pháp luật thì bà Phường vẫn chưa được sử dụng hợp pháp tài sản thừa kế bởi bà vẫn chưa khai di sản thừa kế theo di chúc, chưa đăng ký khai di sản, chưa trước bạ việc chuyển dịch tài sản; đồng thời trong số 1/2 tài sản thừa kế còn có đồng sở hữu là các con của bà Phường được hưởng từ thừa kế của ông Kế. Và tài sản nhà và đất trên vẫn đứng tên ông Cù và bà Miều.

Giấy xác nhận bà Phường đã hết nợ của bà Lan
Giấy xác nhận bà Phường đã hết nợ của bà Lan

Và việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Thuận cơ quan chức năng TP Kon Tum không dựa vào nguồn gốc đất, những giấy tờ liên quan hợp lệ mà chỉ dựa vào tờ giấy công chứng “chuyển nhượng tạm thời” và bản di chúc thừa kế.  “Mẹ chồng tôi bị tai biến mạch máu não từ năm 2008, trong khi bà đã hơn 90 tuổi nên từ lúc bị bệnh bà nằm một chỗ, sống đời sống thực vật và không biết gì nữa. Nhưng tôi không hiểu sao phòng công chứng số 1 vẫn lấy được dấu vân tay của mẹ tôi?”, bà Phường thắc mắc.

Trao đổi với PV, ông Đào Duy Hà - Trưởng phòng Tài Nguyên Môi trường TP Kon Tum khẳng định, việc cấp sổ đỏ trên cho ông Thuận là đúng, không cần phải truy về nguồn gốc đất nữa. Mà chỉ dựa vào tờ giấy công chứng thỏa thuận đã được chứng thực và giấy tờ thừa kế của bà Phường (?!). Không chỉ không dựa vào nguồn gốc đất, mà khi làm bìa đỏ cho ông Thuận, phòng TNMT cũng không tiến hành kiểm tra thực trạng đất nên dẫn đến việc một phần trụ sở công ty của bà Phường vẫn còn nằm trên đất đã cấp bìa đỏ cho ông Thuận.

Bà Đinh Thị Hòa - Phó Chánh thanh tra UBND TP Kon Tum cũng khẳng định, việc cấp sổ đỏ của Phòng TNMT thành phố là đúng, chỉ cần dựa vào giấy tờ công chứng mà không cần dựa vào nguồn gốc đất (?!)

Tuệ Mẫn

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm