Bài 40: Báo Nhân dân, Công an Nhân dân vào cuộc, vụ án 194 phố Huế vẫn là "ẩn số"
(Dân trí) - Sau rất nhiều nỗ lực liên hệ với Tòa án Hà Nội để tìm hiểu thông tin về vụ án 194 phố Huế, rốt cuộc PV Dân trí cũng chỉ nhận được thông tin trả lời qua điện thoại của một lãnh đạo tòa án Hà Nội là lịch xét xử vẫn chưa có.
Gần 5 tháng kể từ ngày VKSNDTC ban hành cáo trạng, Tòa án Hà Nội vẫn chưa xét xử vụ án trên khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về những "uẩn khúc" của vụ án
Trước việc Tòa án Hà Nội chậm đưa vụ án 194 phố Huế ra xét xử, ngày 28/11/2013, PV Dân trí đã đến TAND TP Hà Nội liên hệ công tác, đặt lịch làm việc với lãnh đạo tòa án Hà Nội để tìm hiểu về tiến độ xét xử vụ án trên. Trao đổi với PV Dân trí, bà Đặng Thị Bích Nga, Chánh Văn phòng TAND TP Hà Nội cho hay: Sau khi bà trao đổi với lãnh đạo tòa án Hà Nội sẽ hồi âm lại PV Dân trí về những thông tin liên quan đến lịch xét xử vụ án trên.
Cho đến sáng ngày 2/12/2013, PV Dân trí cũng chưa nhận được hồi âm của bà Đặng Thị Bích Nga, Chánh Văn phòng TAND TP Hà Nội. Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại vào chiều ngày 2/12/2013, ông Đào Vĩnh Tường, Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội cho hay: Hiện thẩm phán vẫn đang xem xét hồ sơ vụ án nên chưa có lịch xét xử cụ thể.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: Những tưởng những “rào cản” vô hình của vụ án Trịnh Ngọc Chung đã bị sự thật đè bẹp, đẩy lùi, thế nhưng một lần nữa TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013, tuy nhiên đến nay (3/12/2013), về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội.
Cũng theo luật sư Trương Quốc Hòe cho hay: Theo Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân thì: “Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát Nhân dân có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời”.
Trước việc tòa án Hà Nội chậm trễ trong việc đưa vụ án 194 phố Huế ra xét xử theo quy định của pháp luật, VKSND TP Hà Nội cần thi hành quyền công tố đã được pháp luật quy định.
Liên quan đến vụ án trên, chiều ngày 28/11/2013, PV Dân trí đã đến đặt lịch làm việc với lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội. Tuy nhiên, lãnh đạo VKSND TP Hà Nội đã từ chối làm việc với PV Dân trí, mà “đùn” PV Dân trí sang làm việc với TAND TP Hà Nội (!).
Chánh Văn phòng VKSND TP Hà Nội xem xét Giấy giới thiệu của PV Dân trí, nhưng lại không sắp lịch làm việc với lãnh đạo VKSND TP Hà Nội
Cáo trạng của VKSNDTC nêu rõ: Trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội (Thi hành Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội), ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung là chấp hành viên, Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá (Ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 phố Huế với giá 31.528.000.000đ, trong khí đó giá trị thực của ngôi nhà là gần 80 tỷ đồng - PV). Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp. Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng. Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”. Bị can Trịnh Ngọc Chung hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số 11/VKSNDTC-C6 (P1) ngày 8/5/2012 của Cơ quan Điều tra VKSNDTC. Ngoài ra, Quận ủy Hai Bà Trưng cũng đã có quyết định số 1370-QĐ/QU đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với Trịnh Ngọc Chung. Như vậy, sau hơn 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. “Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương