Xin đừng để có một “Nguyễn Thanh Chấn” ở Thủ đô

(Dân trí) - Cứ ngỡ sự oan sai chỉ xảy ra ở Bình Thuận (vụ án vườn điều) hay Bắc Giang (Nguyễn Thanh Chấn) cách đây cả thập kỉ, nghĩa là khi đó, công cuộc cải cách tư pháp chưa được triển khai.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Thế nhưng không, sự việc 194 Phố Huế lại xảy ra tại Hà Nội ngay thời điểm này
Sau khi đăng tải gần 40 bài báo trên Dân trí, đã có hàng trăm ngàn độc giả với hàng vạn comment (thư điện tử) gửi về tòa soạn mong muốn các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ 194 phố Huế. Thế nhưng đến nay, vụ việc vẫn vấp phải “sự im lặng đáng sợ” của Hà Nội…

Tại sao lại như vậy?

Đó là câu hỏi chỉ có Hà Nội mới trả lời được.

Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, có thể phỏng đoán mấy nguyên nhân sau:

Trước hết, sự vô tâm, “im lặng” khó có thể xảy ra đối với lãnh đạo Hà Nội mà hoàn toàn có thể xuất phát từ sự tắc trách và… hơn thế của một số cán bộ dưới quyền.

Điều này không lạ, bởi Hà Nội từng nổi tiếng với bức thư của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị gửi chúc mừng Quốc khánh Lào đã bị “ngâm tôm” đến gần một tháng trời.

Cũng có thể Ban Tuyên giáo Thành ủy, các vị lãnh đạo Thủ đô đã có dịp nghe cấp dưới báo cáo (nếu  các vị quá bận không có thời gian đọc những nỗi oan, nỗi đau của những công dân Hà Nội....) song, bị cấp dưới “che mắt”, báo cáo, giải trình không trung thực…

Sự “im lặng đáng sợ” này hình như báo trước kết quả của số phận ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Bởi nếu vụ việc 194 Phố Huế không được giải quyết triệt để, thấu tình, đạt lý, đúng pháp luật thì không khó để nghi ngại về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn cũng có cái kết tương tự và có thể cũng bằng phương pháp tương tự mang tên “sự im lặng đáng sợ”.

Nhà báo Lê Chân Nhân đã từng có một so sánh rất hay rằng “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng cả hai ông Nguyễn Thanh Chấn và Trịnh Ngọc Chung đều không được bình đẳng trước pháp luật. Có điều, mỗi bên không “bình đẳng” theo cách khác nhau, một bên đã biến không thành có, còn một bên hình như đang muốn “câu giờ”, kéo dài thời gian để tìm cách biến có thành như không”.

Theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự, thời hạn đưa ra xét xử vụ án tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013. Tuy nhiên đến nay (25/11) đã vượt theo quy định của pháp luật 14 ngày, về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội.

Vâng, câu hỏi đặt ra là liệu vụ  194 phố Huế, không biết các vị lãnh đạo Hà Nội có phải chờ tới… 10 năm nữa để đợi cấp dưới kịp “đổi đen thành trắng, biến có thành không” rồi mới biết sự thật và sau đó, mọi hậu quả lại đổ lên đầu ngân sách mà thực chất là tiền thuế của dân?

 

Mong rằng bài báo này đến với các vị lãnh đạo cao nhất của Thủ đô, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của hàng vạn độc giả gửi thư về Dân trí, để trả lại sự công bằng và hơn cả, là niềm tin của nhân dân Hà Nội nói riêng, đồng bào cả nước nói chung.

Cũng cần lưu ý rằng tại Điều 8 Luật Báo chí qui định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí".

Được biết chiều hôm qua (25/11), Quốc hội đã thông qua luật Tiếp công dân trong đó qui định "Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải dành ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp dân". Hi vọng rằng khi Luật có hiệu lực, sẽ không còn cái gọi là "sự im lặng đáng sợ" đối với nỗi oan khuất của dân nữa.

Xin đừng để có một “Nguyễn Thanh Chấn” ở Thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau