Bài 39 Vụ án 194 phố Huế: “Biết vi phạm vẫn làm trái thì cần phải xét xử nghiêm minh”
(Dân trí) - Về vụ án 194 phố Huế có dấu hiệu bao che cho bị cáo “siêu đặc biệt” Trịnh Ngọc Chung, ông Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nhận định: Trước pháp luật tất cả đều công bằng, việc biết vi phạm vẫn làm cần phải xét xử nghiêm minh.
Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp.
Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng.
Bị can Trịnh Ngọc Chung hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số 11/VKSNDTC-C6 (P1) ngày 8/5/2012 của Cơ quan Điều tra VKSNDTC. Ngoài ra, Quận ủy Hai Bà Trưng cũng đã có quyết định số 1370-QĐ/QU đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với Trịnh Ngọc Chung”.
Viện KSND tối cao ký và ban hành cáo trạng từ tháng 7/2013, nhưng đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử, mặc dù thời hạn phải đưa bị cáo “siêu đặc biệt” này đã hết hạn đến nay gần 1 tháng. Để làm rõ vụ án những "bất thường" của vụ án 194 phố Huế, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Từ Văn Nhũ, Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao dưới góc nhìn pháp lý về vụ án này.
Tại Khoản 2 - Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử: Trong thời gian 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng; 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau: Đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ điều tra bổ sung; đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Anh Chung bị truy tố là tội rất nghiêm trọng nên thời gian đưa ra xét xử chỉ là 2 tháng, kể từ khi nhận hồ sơ vụ án. Tôi không biết tòa án nhận hồ sơ ngày nào, nên chưa dám khẳng định tòa án có làm sai hay không. Đến giờ tôi chưa được biết tòa án đã ra quyết định nào trong 3 quyết định theo luật quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng Hình sự cũng quy định: Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có quyền gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Tôi không biết trong thời gian chuẩn bị xét xử vụ án này, Chánh án TAND Thành phố có ký quyết định gia hạn thời thời hạn chuẩn bị xét xử hay không nên không thể bình luận. Nếu thời gian này Chánh án ký quyết định gia hạn thời hạn xét xử thì họ được kéo dài...”.
Chứng kiến “ngoại lệ” mà các cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hà Nội đang dành cho bị cáo “siêu đặc biệt” Trịnh Ngọc Chung, dư luận đang đặt dấu hỏi, liệu bị cáo “siêu đặc biệt” này có được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, tương xứng với hành vi phạm tội và những hậu quả đã gây ra. Về nghi ngờ này, ông Từ Văn Nhũ cho biết:
“Khi xét xử một vụ án, một bị cáo phải xem xét chung cả vụ án, xem trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Hội đồng xét xử phải xác định các tình tiết quan trọng của vụ án như: Thiệt hại, hậu quả cụ thể của vụ án; ý thức chủ quan của từng bị cáo; điều kiện và hoàn cảnh xảy ra vi phạm pháp luật; thái độ khai báo của từng bị cáo; bị cáo có tỏ ra ăn năn, hối cải thế nào; khắc phục hậu quả như thế nào?; từng bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng gì?.
Đối với những vụ án hình sự đều phải xét xử công minh, khách quan, công tâm, đúng pháp luật và thuyết phục được người dân. Xét xử không làm được điều này là không đáp ứng được niềm tin của người dân. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau, dù anh ở vị trí nào, cấp bậc gì, chức vụ gì mà anh vi phạm đều phải xử lý nghiêm minh, không có cái miễn trừ, ngoại trừ hoặc đặc ân nào...”.
Liên quan đến vụ án này, trong quá trình Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng lên kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã yêu cầu làm rõ một số nội dung (Văn bản 270/KSTHA/CV ngày 23/8/2011), đồng thời từ chối tham gia vụ cưỡng chế 194 phố Huế nhưng cơ quan này “phớt lờ” ý kiến của cơ quan kiểm sát.
Do Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng không làm theo yêu cầu, Viện KSND quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo không tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, giao nhà 194 phố Huế, không đến địa điểm cưỡng chế thi hành án.Tuy nhiên, tại các biên bản: Biên bản phá khóa; biên bản liệt kê tài sản; biên bản cưỡng chế giao nhà do Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng lập đều ghi có sự tham gia của đại diện Viện KSND quận Hai Bà Trưng.
Điều này có nghĩa là Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã được cơ quan kiểm sát cảnh báo vi phạm, nhưng bị cáo Trịnh Ngọc Chung - Nguyên Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng vẫn cố ý làm trái bằng việc ra quyết định và tổ chức cưỡng chế nhà 194 phố Huế ngày 7/7/2011.
Về tình tiết này, ông Từ Văn Nhũ - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao nhận định: “Chi tiết Viện KSND quận Hai Bà Trưng gửi văn bản đề nghị dừng thi hành án, không tham gia thi hành án, nhưng trong biên bản lại ghi có đại diện Viện KSND tham gia là tình tiết quan trọng của vụ án để đánh giá tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Tình tiết này nói lên điều kiện, hoàn cảnh khi phạm tội. Khi xem xét, đánh giá về vụ án cũng như mức độ vi phạm thì phải xem xét kỹ tình tiết này. Cần xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan. Tất cả đều phải được xem xét kỹ lưỡng, xét xử nghiêm minh, tương xứng vi phạm. Có như vậy mới có ý nghĩa răn đe, giáo dục, có sự trừng phạt phù hợp, đúng đắn...”.
Báo Nhân dân, số 20429, ngày 12/8/2011 cũng vào cuộc lật tẩy các sai phạm vụ thi hành án 194 phố Huế (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Như vậy, sau gần 40 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. “Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.” |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ án trên.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương