Bài 18: Mẹ liệt sỹ chết cũng không được yên vì vụ án oan kéo dài 12 năm

(Dân trí) - Liên quan đến việc gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão tố cáo Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân và HĐXX phiên xử phúc thẩm ngày 26/8/2013 vi phạm pháp luật, PV Dân Trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Quốc Đạt - Giám đốc công ty Luật Trí Tuệ.

 
 
Xin luật sư cho biết thêm những thông tin liên quan đến vụ kỳ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão mà luật sư là người trực tiếp bảo vệ quyền lợi?
 
Luật sư Lê Quốc Đạt: Công ty Luật Trí Tuệ vừa nhận được đơn tố cáo với nội dung vừa nêu trên. Trước khi gửi đơn tố cáo này, ngày 20/9/2013, bà Nhung đã gửi đơn Khiếu nại đến TAND, Viện KSND TP Hà Nội, Viện KSND tối cao khiếu nại việc xét xử phúc thẩm ngày 26/8/2013 có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, đồng thời đề nghị Giám đốc thẩm nhưng đến nay đơn của bà Nhung chưa được giải quyết. Vì vậy, bà Nhung đã gửi đơn tố cáo đến Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao, vì bà Nhung cho rằng Kiểm sát viên Hoàng Vĩnh Thảo, Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Tân và HĐXX đã cố tình ra bản án số 206/2013/DSPT trái pháp luật theo Điều 295 Bộ luật Hình sự (sau đây xin được gọi tắt là bản án 206).
 
Luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng có đủ chứng cứ cho thấy vụ án oan sai nghiêm trọng
Luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng có đủ chứng cứ cho thấy vụ án oan sai nghiêm trọng

Xin luật sư cho biết quan điểm về việc bà Nhung gửi đơn tố cáo ?

Như bạn đọc đã biết, báo Dân trí đã có loạt bài về vụ kỳ án này, một kỳ án kéo dài hơn 12 năm, đến nay đã qua 9 lần xét xử. TAND TP Hà Nội đã 3 lần xét xử phúc thẩm vụ án này. Hai lần xét xử trước, TAND TP Hà Nội đều công nhận quyền lợi hợp pháp của gia đình mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão, nhưng đến phiên xử này, HĐXX lại tuyên một bản án đi ngược lại kết quả xét xử những lần trước, biến mẹ liệt sĩ trở thành trắng tay.

Bản án 206 còn đi ngược lại quá trình xét xử suốt một quá trình nhiều năm của chính TAND TP Hà Nội, tước đi bao công lao tâm huyết của các thẩm phán, các luật sư trước đây, mặc dù tại phiên tòa lần này, người thắng kiện không xuất trình được tài liệu chứng cứ mới mà ngược lại, tôi là luật sư của bên thua kiện lại xuất trình tại phiên tòa 2 văn bản của UBND huyện và phòng TNMT huyện Thanh Trì, với nội dung khẳng định việc cấp sổ đỏ cho bên thắng kiện là trái pháp luật và đề nghị thu hồi sổ đỏ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ- CP của Chính Phủ. Một điểm rất cần lưu ý là sau 2 lần xét xử phúc thẩm trước đây của TAND TP Hà Nội, 2 bản án đều đã được thi hành, các đương sự không khiếu nại nhưng TAND tối cao lại kháng nghị.

Luật sư có thể nói rõ hơn những căn cứ mà bà Nhung cho rằng HĐXX đã ra bản án trái pháp luật?

Tôi xin khẳng định phiên tòa hôm đó đã vi phạm nghiêm trọng cả tố tụng lẫn nội dung xét xử so với quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
 

Về mặt tố tụng, phiên tòa hôm đó đáng lẽ phải ra quyết định đình chỉ vụ án vì nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Nhung đã vắng lần thứ 2, mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ theo quy định tại điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Nếu không đình chỉ vụ án thì HĐXX phải tạm hoãn phiên tòa vì nguyên đơn vắng mặt với lý do bất khả kháng, quy định theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết 05 và điều 16 Nghị quyết 06/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và tại phiên tòa hôm đó, bị đơn là ông Nguyễn Văn Tạo cũng có đơn xin vắng mặt lần đầu, nếu HĐXX không cho hoãn phiên tòa vì lý do này là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Khi tôi cung cấp cho HĐXX 2 văn bản của UBND huyện và phòng TNMT huyện Thanh Trì, nội dung khẳng định việc cấp sổ đỏ cho bên thắng kiện là trái Pháp luật và đề nghị thu hồi sổ đỏ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ- CP của Chính Phủ, nhưng Kiểm sát viên không kiến nghị và HĐXX không thẩm định, xem xét nên đã vi phạm quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về việc Thẩm phán phải xem xét, thẩm định tại chỗ các chứng cứ do đương sự cung cấp.

Ngoài ra, việc tôi là luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đã có đề nghị xin hoãn phiên tòa vì lý do vắng mặt bất khả kháng của bà Nhung, ông Tạo nhưng vị đại diện Viện kiểm sát Hoàng Vĩnh Thảo cùng HĐXX cho rằng bà Nhung bị bệnh mãn tính nên vẫn cho tiến hành xét xử, mặc dù tôi vừa nộp cho HĐXX y bạ và danh sách thuốc đang điều trị của bà Nhung. Đây là một nhận định vô căn cứ vì làm sao bà Kiểm sát viên và HĐXX biết được bà Nhung bị bệnh mãn tính hay cấp tính. Điều này chỉ có các bác sỹ đang điều trị cho bà Nhung tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị mới có đủ chuyên môn và thẩm quyền để khẳng định. Đây là một quyết định quan trọng, mắc sai lầm nên dẫn đến hậu quả HĐXX đã ra một bản án mà đang bị bà Nhung tố cáo là trái luật.

Về mặt nội dung, bản án 206 có nhiều điểm không phù hợp quy định của pháp luật. Khi phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi cho gia đình cụ Mão - bà Nhung, tôi đã chỉ ra rất nhiều điểm để HĐXX căn cứ vận dụng giải quyết, ví dụ như thời hiệu chia di sản thừa kế đã hết (người để lại di sản chết từ trước năm 1945 nhưng phía thắng kiện khai là năm 1968 mới bàn nhau để chia ), việc chiếm giữ tài sản có thời hiệu để xác lập quyền sở hữu đã quá đủ để cụ Mão trở thành chủ sở hữu toàn bộ khối di sản nên không ai có quyền đòi chia khối tài sản đó.

Việc thỏa thuận chia đất và vô lý vì hồ sơ chia đất không phù hợp, người thỏa thuận chia tài sản đã chết trước lúc thỏa thuận chia và các nhân chứng được tòa lấy lời khai có người còn nằm trong bụng mẹ (báo chí đã viết rất nhiều về những vấn đề này), hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Chung (bên thắng cuộc, người cháu họ của cụ Mão, bị tâm thần từ bé, không có năng lực hành vi dân sự, đã chết trước khi mở phiên tòa) không có chữ ký của ông Chung và nhiều điểm không phù hợp với quy định. Việc cấp sổ đỏ này đã được UBND và phòng TNMT huyện Thanh Trì có văn bản đề nghị thu hồi.
 
Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm ngày 26/8/2013
Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm ngày 26/8/2013

Ngoài ra, tôi còn đề nghị HĐXX nên thận trọng, không nên vội vã quyết định một vụ án với hơn 1800 trang hồ sơ trong một buổi chiều nhưng đáng tiếc, tất cả đề nghị của tôi đều không có tác dụng. Tại trang 8 của bản án 206 đã viết một sự việc rất nực cười. Đó là câu nhận định hồn nhiên của vị đại diện VKS “ ... thời điểm năm 1994 thời hiệu chia thừa kế của cụ Sụn, cụ Nghĩa ( là bố mẹ chồng của cụ Mão ) vẫn còn theo Pháp lệnh thừa kế “. Đây là câu nói tưởng như không bao giờ có thể được phát ngôn bởi một nữ Kiểm sát viên dầy dạn kinh nghiệm của Viện KSND TP Hà Nội, nhưng không hiểu sao tại phiên tòa này, nó được phát ra đầy tự tin như vậy và ngạc nhiên hơn là nó lại được HĐXX chấp nhận để làm căn cứ tuyên án ?

Và cuối cùng, bản án còn ghi ý kiến của vị đại diện VKS khẳng định “việc xét xử tại phiên tòa ngày hôm nay Thẩm phán và HĐXX chấp hành đúng với trình tự thủ tục tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự..., diện tích 1020m2 đất không thể xác định là tài sản của bà Mão vì nguồn gốc là của cụ Sụn, cụ Nghĩa để lại”. Tôi rất kinh ngạc khi đọc đoạn viết này của bản án 206 !!!

Luật sư đánh giá thế nào về dư luận xã hội sau khi bản án 206 được tuyên.

Đây là một vụ kỳ án được dư luận đặc biệt quan tâm, được rất nhiều báo chí, trong đó báo Dân trí đã đăng nhiều bài viết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình mẹ liệt sĩ. Gần đây, vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị xử oan sai và đi tù oan 10 năm đã dấy lên sự lo ngại của dư luận về thực trạng xét xử của Tòa án. Trong vụ án này, nhiều người rất mong đợi sự vào cuộc của lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để mang lại quyền lợi công bằng cho gia đình liệt sĩ, phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Rất nhiều người gọi điện hỏi tôi liệu vụ án của mẹ liệt sĩ có được xét xử lại cho thật công bằng hay không ? Tôi đã trả lời rằng: Mọi người hãy tin vào pháp luật, tin vào Đảng và Nhà nước. Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được minh oan thì mẹ liệt sĩ cũng sẽ được ngậm cười vì cuộc sống và pháp luật rất công bằng. Vụ án này nếu còn kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa thì tôi vẫn bảo vệ quyền lợi cho gia đình mẹ liệt sĩ, cho đến khi công lý được sáng tỏ.

Xin luật sư cho biết hậu quả của việc giải quyết đơn tố cáo của bà Nhung ?

Theo quy định của Điều 21 Luật Tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày. Trong trong thời gian thụ lý, nếu Cục Điều tra hình sự Viện KSND tối cao là cơ quan bà Nhung gửi đơn và cũng là cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ việc này nếu xác định được việc tố cáo của bà Nhung là có căn cứ phù hợp với quy định của Điều 295 Bộ luật Hình sự và các quy định khác của Pháp luật thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố những bị can liên quan, đồng thời sẽ kiến nghị đình chỉ thi hành bản án 206.

Theo luật sư, ở đây có sự cố tình ra bản án trái pháp luật không ?

Việc ra bản án là kết quả tất yếu của HĐXX, và đương nhiên đó là mong muốn chủ quan của họ. Các Thẩm phán là người có trình độ, có hiểu biết pháp luật, được Nhà nước đào tạo rất công phu, có thâm niên xét xử lâu năm mới được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND cấp tỉnh và đương nhiên họ không thể sơ xuất ban hành một bản án ngoài mong muốn, ngoài ý chí của họ. Còn bản án 206 trái pháp luật hay không thì phải đợi kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Những điều vô lý báo chí đã nêu và tôi vừa kể trên đây là một trong số những căn cứ đánh giá sự “cố tình” mà bà Nhung đang tố cáo.

Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương (thực hiện)