Bài 15: Kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ kéo dài vì những nhận định vô căn cứ

(Dân trí) - Vụ án yêu cầu hủy sổ đỏ cấp trái pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão vẫn chưa kết thúc được với những nhận định vô căn cứ, trái quy định pháp luật tại bản án số 206/2013/DSPT ngày 26/8/2013 của Tòa án Hà Nội.

 
Như thông tin Dân trí đã đưa, thửa đất rộng 1.020m2 hiện đang tranh chấp tại thôn 5, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội trước đây là của cụ Nguyễn Văn Sụn và cụ Nguyễn Thị Nghĩa để lại. Hai cụ sinh được ba người con là các ông: Nguyễn Văn Kế, Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Văn Sáu thì chỉ có mình ông Kế ở lại quê hương quản lý, sử dụng tài sản của bố mẹ và thờ phụng tổ tiên, còn ông Bốn và ông Sáu đều thoát ly. Sau này ông Sáu có đưa gia đình về quê hương và được ông Kế bà Mão tình nguyện cắt ½ diện tích đất để sinh sống.

Sự việc tranh chấp bắt đầu kể từ năm 1994 khi anh Nguyễn Văn Tạo - con trai ông Kế bà Mão tự ý đi kê khai tách thửa và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Tạo và anh Nguyễn Văn Chung – con trai ông Bốn (bị tâm thần từ bé) mà không có ý kiến cũng như không được sự đồng ý của ông Kế và bà Mão.

Việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục kê khai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Mão.

Tuy nhiên, sự vi phạm nghiêm trọng này là nguyên nhân chính đã dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài trong suốt gần 13 năm qua, gây tốn kém thời gian, công sức của biết bao người, và đau xót hơn là sau gần 13 năm đi tìm công lý, dù hiện nay đã là người thiên cổ, với bản án số 206/2013/DSPT ngày 26/8/2013 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão bỗng nhiên trở thành người tay trắng khi bản án tuyên toàn bộ diện tích đất 1.020m2 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của anh Nguyễn Văn Tạo và anh Nguyễn Văn Chung.
 
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão mang theo cả nỗi đau về bên kia thế giới

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn - Luật sư Lê Quốc Đạt cho chúng tôi biết: “Vậy là sau hơn 60 năm làm dâu cụ Nghĩa, cụ Sụn với đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của một người con dâu, một người mẹ, một người bà, sau hơn 60 năm liên tục quản lý, sử dụng, tôn tạo diện tích đất nói trên, mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão là người không có bất cứ quyền lợi gì đối với phần diện tích đất nói trên”.

Để làm rõ những quy định pháp luật lên quan đến quyền thừa kế của bà Triệu Thị Mão cũng như các đồng thừa kế khác, chúng tôi đã có buổi làm việc với luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla – Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Thưa luật sư Trương Quốc Hòe, luật sư có thể cho biết tại thời điểm cụ Sụn, cụ Nghĩa mất trước năm 1945, các cụ đều không để lại di chúc, vậy theo quy định của pháp luật, những ai là hàng thừa kế đối với khối di sản của hai cụ để lại?

“Theo Điều 25, Khoản 1, điểm a – Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định về Những người thừa kế theo pháp luật gồm: “Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người đã chết.”

Và thời điểm mở thừa kế cũng được quy định cụ thể tại Điều 3 – Pháp lệnh Thừa kế năm 1990: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết hoặc được Tòa án xác định là đã chết”.

Như vậy, những người được thừa kế di sản của cụ Nghĩa, cụ Sụn tại thời điểm hai cụ qua đời là các con của hai cụ bao gồm ông Kế, ông Bốn và ông Sáu, và do hai cụ đều mất trước năm 1945, không xác định rõ năm mất nên tối đa năm xác định thời điểm mở thừa kế là năm 1945”.

Luật sư Trương Quốc Hòe cũng cho biết thêm, theo hồ sơ vụ án, khi trưởng thành, ông Bốn và ông Sáu đều đi làm ăn xa và lập gia đình, chỉ có ông Kế ở lại quê hương và trực tiếp quản lý, sử dụng thửa đất 2.036m2 do cụ Sụn và cụ Nghĩa để lại. Như vậy, theo quy định tại Điều 36 – Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 thì tối đa là đến năm 1955, những người thừa kế của cụ Sụn, cụ Nghĩa sẽ mất quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản trên nếu như không có yêu cầu chia thừa kế, cụ thể như sau:

Điều 36 - Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: (khoản 1) Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
 
Phiên tòa xét xử vụ án trên diễn ra vào ngày 26/8/2013 có dấu hiệu vi phạm tố tụng
Phiên tòa xét xử vụ án trên diễn ra vào ngày 26/8/2013 có dấu hiệu vi phạm tố tụng

Qua xem xét tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như trên thực tế, ông Bốn và ông Sáu đều không có yêu cầu chia thừa kế nên đến năm 1955 hai ông đã tự từ bỏ quyền thừa kế của mình theo quy định pháp luật và ông Kế trở thành người thừa kế duy nhất với toàn bộ khối di sản do cụ Nghĩa, cụ Sụn để lại.

Vào năm 1956, vợ chồng ông Sáu về quê sinh sống. Do đông con, nên vợ chồng ông Sáu được vợ chồng ông Kế, bà Mão tự nguyện chia tách cho phần đất thổ cư và đất ao là 1.116m2 để sinh sống. Nhà cửa của cụ Sụn và cụ Nghĩa thì vợ chồng ông Kế, bà Mão quản lý và sử dụng cùng toàn bộ diện tích đất còn lại là 1.020m2. Giữa ông Kế, ông Bốn và ông Sáu cũng không có bất cứ văn bản nào thỏa thuận về việc chia tài sản của cụ Sụn, cụ Nghĩa.
 

Làm rõ vấn đề suốt hơn 60 năm ông Kế bà Mão cùng các con sinh sống trên thửa đất này, chưa bao giờ xảy ra tranh chấp với bất cứ ai và giữa ông Kế, bà Mão cũng không có văn bản nào quy định khối tài sản này là của riêng ông Kế. Vậy tại thời điểm này khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu của những ai? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quốc Đạt – Giám đốc công ty Luật Trí Tuệ.

Thưa Luật sư Lê Quốc Đạt, tại thời điểm năm 1955, khi thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với khối di sản do cụ Sụn, cụ Nghĩa để lại đã hết, khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu của những ai?.

“Thực tế ông Kế, bà Mão kết hôn trước năm 1945, do vậy theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 thì Quyền sử dụng 1.020m2 đất này đều thuộc quyền sở hữu chung của hai vợ chồng ông Kế bà Mão.

Điều 15: Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới.

Ngoài ra, điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1987 quy định rất rõ về quyền thừa kế của vợ chồng cũng như quyền của vợ, chồng đối với tài sản chung: Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi. Phần tài sản của người chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau.

Điều 25 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định về Những người thừa kế theo pháp luật như sau: Những người thừa kế theo pháp luật gồm có: a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Năm 1988, ông Kế chết không có di chúc, vậy Quyền sử dụng đất đối với phần diện tích 1.020m2 trên và Quyền sở hữu đối với tài sản trên đất phải được phân chia theo pháp luật như sau: ½ khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu của bà Mão; ½ khối tài sản trên thuộc quyền sở hữu của các thừa kế của ông Kế, bao gồm: bà Mão, anh Tạo, chị Nhung”.

Luật sư Lê Quốc Đạt cho biết thêm, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/8/2013, không hiểu căn cứ vào quy định nào của pháp luật mà đại diện Viện kiểm sát đã hồn nhiên nhận định: “Thời điểm năm 1994 thời hiệu chia thừa kế của cụ Sụn, cụ Nghĩa vẫn còn theo Pháp lệnh Thừa kế” (Trích bản án số 206/2013/DSPT – trang 8). Một nhận định tưởng như không bao giờ có thể có được từ phát ngôn và nhận thức của một người công tác trong ngành pháp luật, khiến cho đông đảo những người tham dự phiên tòa ngày hôm đó vô cùng thất vọng và bất bình.

Trước khi kết hôn với ông Kế, bà Mão có hai người con riêng là chị Nguyễn Thị Mạo và anh Nguyễn Quang Phương (liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Tháng 4 năm 2010, bà Mão mất, như vậy những người thuộc hàng thừa kế của bà Mão là chị Vui, chị Nhung và anh Tạo.

Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/8/2013, Hội đồng xét xử không hề xem xét đến những vấn đề sau: Quyền thừa kế của ông Kế đối với phần di sản do cụ Sụn, cụ Nghĩa để lại tại thời điểm năm 1955 – thời điểm tối đa để xác định kết thúc quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của những người thừa kế.

Quyền sở hữu hợp pháp của ông Kế, bà Mão đối với quyền sử dụng phần diện tích 1.020m2 đất nói trên tại thời điểm năm 1955; Quyền thừa kế của bà Mão và các con của ông bà đối với phần di sản do ông Kế để lại tại thời điểm ông Kế mất – năm 1988; Quyền thừa kế của chị Mạo, chị Nhung, anh Tạo đối với phần di sản do bà Mão để lại tại thời điểm bà Mão mất – năm 2010.

Một phiên tòa xét xử về tranh chấp quyền sử dụng đất mà nguồn gốc quyền sử dụng đất đó có được do thừa kế trong gia đình, nhưng lại không hề có bất cứ một nhận định nào nói về quyền thừa kế của những người liên quan. Điều này đã dẫn đến những nhận định và phán quyết sai lệch thiếu cơ sở pháp lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền - lợi ích hợp pháp của mẹ liệt sĩ Triệu Thị Mão cũng như những người thừa kế hợp pháp khác, khiến cho người đã khuất cũng chưa thể tìm được công lý sau hơn mười năm đi tìm sự công bằng, và công luận quan tâm đến vụ án hy hữu này đều đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có sự vô lý trắng trợn và bất công đến vậy?

Qua phản hồi của dư luận cũng như xem xét thực trạng hồ sơ vụ án, có thể thấy Bản án số 206/2013/DSPT ngày 26/8/2013 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội còn rất nhiều sai phạm mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập và gửi đến bạn đọc trong những bài viết sau.

Ban Bạn đọc