Vụ thi hành án (THA) bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm:

Bài 14: "Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ đi ngược quy định chuẩn mực của pháp luật"

(Dân trí) - "Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng tài sản kê biên chỉ chênh 19m2 và chỉ cần người được THA đồng ý thì vẫn cho THA. Vậy có sai số mà chỉ căn cứ vào thực tế cứ cho THA thì còn đâu chuẩn mực pháp luật", luật sư Trương Quốc Hòe phân tích.


Vụ cưỡng chế thi hành án tại công ty Việt Hưng đẩy cả chục người dân ra đường ngay trước tết Nguyên Đán được lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ khẳng định là một việc vi phạm pháp luật chưa từng có trong tiền lệ ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong cùng một vụ việc, VKSND tỉnh Phú Thọ lại đưa ra quan điểm trái ngược.

Trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Đoàn Minh Hương - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng với cương vị viện trưởng, dù khi được kiểm sát viên báo cáo có sự chênh tài sản kê biên và đề nghị dừng thi hành án, ông đã kiên quyết cho cưỡng chế thi hành án bởi tài sản kê biên chỉ chênh có 19m2 và bên được thi hành án chấp nhận.

Viện dẫn cho quyết định của mình, ông Hương cho rằng đã nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn Phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý.

Luật s
Luật sư Trương Quốc Hòe: "Viện kiểm sát tỉnh Phú Thọ đi ngược quy định chuẩn mực của pháp luật"

Thưa luật sư, theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 08.15.1711/HĐTC ngày 21/11/2008 giữa ngân hàng và công ty Việt Hưng thì tài sản thế chấp gồm những tài sản nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo hồ sơ có trong vụ án, thì tài sản thế chấp ở đây là Nhà hàng Phù Đổng và Quyền sử dụng 300m2 đất thuê theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: X0223206 do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 22/05/2003, cụ thể như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 1 Hợp đồng này thì tài sản thế chấp gồm:

“- Nhà Trung tâm thương mại và dịch vụ - Nhà hàng Phù Đổng: Nhà cấp 3, 06 tầng và 01 tầng tum, xây dựng kết cấu bê tông cốt thép. Tổng diện tích xây dựng là 2330,58m2. Nhà được xây dựng trên diện tích đất 300m2.

Địa chỉ tài sản: số 2256 đại lộ Hùng Vương, phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

-          Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của Bên B:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: X0223206 do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 22/05/2003

..........

Thứ  hai, tại phần lời chứng của công chứng viên của Hợp đồng này có ghi:

“Bên thế chấp mang tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty để làm thủ tục đảm bảo cho khoản vay tại Chi nhánh ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ.

Loại tài sản bao gồm:

- Nhà trung tâm thương mại và dịch vụ (nhà hàng Phù Đổng), nhà xây cấp 3, 06 tầng trong đó có 01 tầng âm + 01 tầng tum, xây dựng kết cấu bê tông cốt thép. Tổng diện tichs xây dựng là: 2330,58 m2.

-    Đất thuê theo Giấy chứng nhận QSDĐ số X 023206 do UBND tỉnh Phú Thọ cấp ngày 22/5/2003 đứng tên: Công ty cổ phần ĐTTM Việt Hưng Phú Thọ có tổng diện tích sử dụng là: 300m2 (Ba trăm mét vuông); muc đích sử dụng: Xây dựng cơ bản; thời hạn sử dụng: 30 năm (đến hết ngày 26/8/2035) tại đường Hùng Vương, khu 3, phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Kèm theo Hợp đồng thuê đất số 431/HĐTĐ ngày 26/8/2005 được giao kết giữa Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường với Công ty TNHH Việt Hưng Phú Thọ.”

Thứ ba, Tại Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký ngày 24/11/2010 thể hiện rõ tại mục “Tài sản đăng ký thế chấp:

2.2.2. Địa chỉ thửa đất: Khu 3, phường Vân Cơ, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

2.1.3. Diện tích thế chấp/bảo lãnh: 300m2

2.1.4. Giấy tờ về quyền sử dụng đất:

a) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: số phát hành: X 0223206, số vào sổ cấp giấy: TC 00173 QSDD, cơ quan cấp: UBND tỉnh Phú Thọ, cấp ngày 22/05/2003”

Như vậy, tài sản thế chấp ở đây là Nhà hàng Phù Đổng và Quyền sử dụng 300m2 đất thuê của công ty Việt Hưng.

Thưa luật sư, có một điểm bất thường là theo Hợp đồng thế chấp nói trên thì Quyền sử dụng 300m2 đất thuê của nhà nước đã được mang ra làm tài sản thế chấp. Vậy trong trường hợp này, pháp luật có cho phép Doanh nghiệp được thế chấp Quyền sử dụng đất thuê của nhà nước trả tiền hàng năm không?

Vụ cưỡng chế 
Vụ cưỡng chế thi hành án tại công ty Việt Hưng được lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ khẳng định là một việc vi phạm pháp luật chưa từng có trong tiền lệ ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ.

Luật sư Trương Quốc Hòe: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, có thể khẳng định là trong trường hợp cụ thể của Công ty Việt Hưng, pháp luật không cho phép được mang tài sản là Quyền sử dụng đất thuê của nhà nước để thế chấp cho ngân hàng theo điểm đ Khoản 1 Điều 111 Luật đất đai năm 2003.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, công ty Việt Hưng thuê đất của Nhà nước trong thời hạn 30 năm kể từ ngày 22/05/2003 theo phương thức nộp tiền thuê đất là trả tiền theo hàng năm, do vậy không thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 111, Điều 110 Luật Đất đai năm 2003. Vì thế, việc Ngân hàng quy định quyền sử dụng 300m2 đất nói trên thuộc tài sản thế chấp là đã vi phạm quy định của pháp luật nên Hợp đồng vô hiệu.

Do vậy, hồ sơ về tình trạng tài sản của công ty Việt Hưng do ngân hàng cung cấp cho cơ quan thi hành án là không chính xác, không đủ điều kiện thi hành án

Trong vụ án này, ngân hàng lại cũng chính là người mua trúng tài sản đấu giá nên hơn ai hết, ngân hàng biết rõ nhất những sai phạm của mình trong quá trình ký kết các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, quá trình cho vay cũng như quá trình kê biên và bán đấu giá tài sản. Vì thế, trong trường hợp này, dù ngân hàng đã mua trúng tài sản đấu giá nhưng cũng không thể áp dụng điều 24b Nghị dịnh 125/2013/NĐ-CP để tiếp tục bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, bởi hoàn toàn có căn cứ cho rằng người mua trúng tài sản bán đấu giá đã có lỗi trong quá trình đấu giá khối tài sản này.

ông 
ông Đoàn Minh Hương - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ thì do diện tích đất chỉ sai số có 19m2 thôi nên vẫn đồng ý cho cơ quan THA tiếp tục tiến hành cưỡng chế THA đối với công ty Việt Hưng.

Thưa luật sư, xin luật sư cho biết quan điểm của mình về việc: theo ông Đoàn Minh Hương - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ thì do diện tích đất chỉ sai số có 19m2 thôi nên vẫn đồng ý cho cơ quan THA tiếp tục tiến hành cưỡng chế THA đối với công ty Việt Hưng, đặc biệt việc này đã có sự đồng ý bằng văn bản của ông Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Trong vụ việc THA trái pháp luật này, chúng ta thấy rõ có những vấn đề sau:

Thứ nhất, khi phát hiện ra có sự sai lệch số liệu giữa thực tế và số liệu có trong hồ sơ vụ án, kiểm sát viên VKSND TP Việt Trì đã có báo cáo với VKSND tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, ngày 08/12/2013, Công ty Việt Hưng đã có “Đơn đề nghị xem xét lại quyết định thỏa thuận trái pháp luật của các bên đương sự” gửi VKSND tỉnh Phú Thọ, trong Đơn có nêu rõ 4 điểm trái pháp luật của Quyết định số 16/2012.

Như vậy, với vai trò là một cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp, đóng vai trò rất quan trọng và xuyên suốt trong vụ án này: từ quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ của TAND TP Việt Trì đến giai đoạn tiến hành Thi hành án tại cơ quan THA, VKSND tỉnh Phú Thọ đã biết rất rõ về những điểm trái pháp luật của Quyết định số 16/2012 của TAND TP Việt Trì. Do đó, VKSND tỉnh Phú Thọ sẽ căn cứ vào Điểm đ Khoản 1 Điều 44, Khoản 2 Điều 285, Điều 286  Bộ luật Tố tụng dân sự để ban hành một Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm.  Thế nhưng trên thực tế cơ quan này đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thậm chí còn cố tình tạo “cơ chế” cho các bên đương sự đàm phán, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết THA một quyết định trái pháp luật là một việc làm hoàn toàn “lấn sân” và trái với chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình.


Thứ hai, theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008, trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án là: “Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”. Vậy khi có sự sai số, dù là 1m2, 19m2 hay 1.000m2 đi chăng nữa thì cũng không thể tiến hành THA được.

Nếu có sự sai số mà chỉ căn cứ vào tình hình thực tế cứ cho tiến hành THA thì đâu còn là chuẩn mực pháp luật nữa, bởi pháp luật thì yêu cầu chính xác đến tuyệt đối và những giá trị chuẩn mực đã được nâng lên thành các quy định của pháp luật thì cần được các cơ quan thực thi pháp luật tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối. Trong thực tiễn pháp lý, tôi chưa thấy có điều luật nào quy định là khi tiến hành THA, thấy có sự không chính xác thì cứ căn cứ vào tình hình thực tế để xác định vẫn được phép tiến hành THA hay không.

Hơn thế nữa, nếu như ông Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng chỉ cần người được THA đồng ý thì dù khi kê biên tài sản phát hiện thấy có sự sai số đáng kể như trên vẫn được phép tiến hành bán đấu giá tài sản và cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật, bởi theo Quyết định số 16/2012 thì ngân hàng “được” tiếp quản 300m2 đất, còn khi nhận bàn giao tài sản thì ngân hàng lại được nhận 319m2 đất, dôi ra những 19m2.

Điều này đồng nghĩa với việc ngân hàng “bỗng dưng ” được hưởng lợi không nhỏ, chỉ do sự thiếu trách nhiệm của VKSND tỉnh Phú Thọ và do sự cố ý làm trái của Chi cục THA dân sự TP Việt Trì.

Vậy tại sao chúng ta không đặt ra vấn đề: giả sử việc cưỡng chế THA là đúng pháp luật thì công ty Việt Hưng có được “bồi thường” không nếu như ngân hàng được nhận 19m2 quyền sử dụng đất mà công ty này đã khai thác, chiếm hữu và sử dụng trong suốt mười năm qua?

Một điều đáng lưu ý là có sự chênh lệch rất rõ về phần tài sản ghi trong Hợp đồng thế chấp và Biên bản kê biên. Vậy phần tài sản xây dựng trên phần diện tích 19m2 đất này sẽ được xử lý ra sao khi nó không thuộc phần tài sản đã được công ty thế chấp cho ngân hàng nhưng lại được cưỡng chế bàn giao cho ngân hàng?

Thứ ba, theo thông tin mà ông Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ đã cung cấp, việc UBND tỉnh Phú Thọ mà ở đây là trực tiếp ông Phó Chủ tịch đã có văn bản đồng ý cho ngân hàng được phép tiếp tục thuê đất đối với diện tích thực tế 319m2 đất nói trên là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Theo quy định tại Điều 111 Luật đất đai năm 2003 thì đất thuê trả tiền hàng năm không thuộc trường hợp được phép thế chấp Quyền sử dụng đất, do đó không thể tiến hành cưỡng chế THA để giao đất cho Ngân hàng. Và ngân hàng chỉ được bàn giao diện tích đất trên nếu như UBND tỉnh Phú Thọ tiến hành xong việc thu hồi đất của công ty Việt Hưng.

Giả sử có việc UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi diện tích đất đã cho công ty Việt Hưng thuê thì cũng phải tuân theo quy định tại Điều 38 Luật đất đai. Tuy nhiên trong trường hợp này, có thể thấy rõ phần diện tích đất của Công ty Việt Hưng không thuộc các trường hợp đất bị thu hồi của Điều 38, vì vậy nếu như có việc UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi đất của công ty Việt Hưng để tiến hành cho ngân hàng thuê đất này thì sẽ là việc làm trái quy định của pháp luật về việc thu hồi đất.

Chưa kể đến việc theo quy định tại Điều 44 Luật đất đai năm 2003 thì thẩm quyền thu hồi đất chỉ thuộc về ông Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Xin cảm ơn luật sư!

Anh Thế

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm