Bài 12: UBND tỉnh Phú Thọ "bật đèn xanh" cho vụ thi hành án chấn động Việt Trì?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ thi hành án trái pháp luật tại TP Việt Trì, lãnh đạo VKSND TP Việt Trì cho biết sở dĩ vẫn đồng thuận cho thi hành án dù có sự sai lệch về tài sản kê biên là do bên cho thuê đất là UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì: “Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”. Vậy đối với vụ cưỡng chế thi hành án (THA) trái pháp luật chấn động TP Việt Trì ngay trước Tết nguyên đán, VKSND TP Việt Trì có vai trò, trách nhiệm như thế nào?
Để rộng đường dư luận, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Lê Hồng Minh - Phó Viện trưởng VKSND TP Việt Trì về các nội dung liên quan đến vụ cưỡng chế THA trái pháp luật xảy ra tại công ty Việt Hưng - TP Việt Trì.
Xin ông cho biết quan điểm về việc chi cục THA dân sự TP Việt Trì đã tiến hành cưỡng chế trái pháp luật tại công ty Việt Hưng?
Ông Lê Hồng Minh: Với góc độ là cơ quan giám sát, ngay từ khi có Quyết định THA, VKSND TP Việt Trì đã tổ chức việc giám sát THA. Sau khi kê biên tài sản, cơ quan THA đã tiến hành thủ tục bán đấu giá tài sản, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Người mua được tài sản là ngân hàng đã nộp đủ tiền. Trên cơ sở hồ sơ đã thẩm định thì việc bán đấu giá tài sản là hoàn toàn đúng pháp luật.
Thưa ông, có hay không việc kiểm sát viên VKSND TP Việt Trì phát hiện thấy có sự sai số liệu giữa hồ sơ và thực tế, sau đó đề nghị dừng kê biên tài sản?
Ông Lê Hồng Minh: Khi tiến hành kê biên tài sản, kiểm sát viên đã phát hiện thấy sự sai số giữa số liệu thực tế và số liệu trong hồ sơ nên đã có yêu cầu dừng việc kê biên. Tuy nhiên sau đó người có thẩm quyền cho thuê đất là UBND tỉnh đã có công văn đồng ý cho người mua được tài sản đấu giá được quyền thuê lại đất này, nên chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện công việc.
Vậy với vai trò là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật, khi phát hiện sai lệch số liệu như trong trường hợp này, theo đúng quy trình của ngành, kiểm sát viên sẽ phải làm gì?
Ông Lê Hồng Minh: Chúng tôi đã báo cáo lên VKSND tỉnh Phú Thọ, cấp trên có giám sát và đã đồng ý. Nhận thấy tỷ lệ dư thừa không nhiều, cũng không thuộc phạm vi chỉ giới phải thu hồi nên chúng tôi cũng không phản đối việc tiếp tục THA.
Thưa ông, việc tiếp tục thi hành án khi đã biết số liệu sai lệch như đã nêu trên thì đây là việc đúng hay sai?
Ông Lê Hồng Minh: Tôi không trả lời đúng hay sai, còn tôi khẳng định trong vụ này Viện kiểm sát không sai.
Trong vụ thi hành án này, trách nhiệm của VKSND là gì?
Ông Lê Hồng Minh: Trách nhiệm của chúng tôi là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình THA. Nếu THA sai thì sẽ có công văn kiến nghị cấp có thẩm quyền ra Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm.
Có luồng dư luận cho rằng hiện nay đã có sự câu kết giữa các bên để bán tài sản đấu giá thấp hơn giá trị thực nhằm phục vụ lợi ích nhóm, khi giá trị khối tài sản được chính Ngân hàng định giá trên 17 tỷ nhưng lại được tiến hành bán đấu giá chỉ với mức 11 tỷ. Vậy ý kiến của ông như thế nào?
Ông Lê Hồng Minh: Chúng tôi chưa có thông tin gì về sự câu kết giữa các bên trong việc bán đấu giá tài sản nói trên.
VKSND TP Việt Trì luôn khẳng định rằng mình hoàn toàn không sai trong vụ cưỡng chế THA chấn động này dù vẫn đồng ý cho cơ quan THA tiếp tục triển khai bán đấu giá khi biết tài sản không đủ điều kiện kê biên, dù vẫn đồng ý cho cơ quan THA cưỡng chế trái pháp luật ngay sát Tết nguyên đán, dù không hề có văn bản kiến nghị VKSND cấp tỉnh ban hành Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm, trước những sai phạm nghiêm trọng về cả nội dung và hình thức của vụ án này như báo Dân trí đã vạch trần trong thời gian qua.
Để làm rõ hơn trách nhiệm của VKSND TP Việt Trì trong vụ án này, chúng tôi đã có buổi làm việc với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng VPLS Đồng Đội thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, nguyên Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn I, nguyên Trưởng cơ quan THA huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Thưa luật sư Trần Xuân Tiền, xin luật sư cho biết pháp luật quy định như thế nào về vai trò, nhiệm vụ của VKSND?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự về công tác Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự thì “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”.
Cũng theo quy định tại Khoản 2, Điều 12 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”.
Tại điều 24 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì: “Khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1.Yêu cầu Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp
hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án:
a) Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật;
b) Tự kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và những bản án, quyết định được thi hành ngay theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân;.....
2. Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thi hành án của cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan và việc giải quyết kháng cáo, khiếu nại, tố cáo đối với việc thi hành án;
5. Kháng nghị với Toà án nhân dân, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự; trong trường hợp do pháp luật quy định thì khởi tố về dân sự.
Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND: giám sát sự tuân theo pháp luật của TAND và cơ quan THA, được thể hiện trong quá trình xét xử vụ án và trong cả quá trình thi hành bản án đã tuyên. Nếu như vai trò của Tòa án chỉ dừng lại ở bản án đã tuyên, vai trò của cơ quan THA chỉ được bắt đầu kể từ khi bản án có hiệu lực, thì vai trò của VKSND lại rất lớn: xuyên suốt từ quá trình thụ lý hồ sơ vụ án, giải quyết vụ án tại tòa theo các thủ tục chung, xét xử và sang cả quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa. Do vậy, hơn ai hết Viện kiểm sát là cơ quan nắm được toàn bộ diễn biến của vụ án mà họ có quyền kiểm sát theo quy định pháp luật. Thành tích của Tòa án và cơ quan THA có công của Viện kiểm sát, ngược lại khuyết điểm, sai lầm của Tòa án và cơ quan THA cũng có phần trách nhiệm không nhỏ của Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong vụ việc cụ thể xảy ra ở TP Việt Trì mà báo Dân trí đã phản ánh, tôi thấy cả 3 cơ quan Tòa án, VKSND và Thi hành án của TP Việt Trì đã có những sai sót không nhỏ: án đã bị hủy, chắc chắn Thẩm phán thụ lý vụ án không tránh khỏi phần trách nhiệm, và việc THA bị dừng nên có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của chấp hành viên gây ra (nếu có); chỉ riêng VKS là chưa ai “sờ đến” - đây chính là điều bất cập của pháp luật. Và có thể thấy, VKSND TP Việt Trì chưa làm tốt chức năng kiểm sát và việc trả lời của ông Viện phó VKS Việt Trì là thiếu thuyết phục, chưa dám nhận khuyết điểm và trách nhiệm.
Là một người đã từng công tác nhiều năm liên tục trong ngành kiểm sát cũng như THA, tôi được biết hàng năm VKS đều có quyết định kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật của cơ quan THA cùng cấp kéo dài hàng tháng, theo đó mọi hồ sơ THA, mọi tang vật, mọi vấn đề thu chi tiền THA đều có kết luận bằng văn bản, đánh giá chung ưu điểm, khuyết điểm và nêu từng sai phạm cụ thể. Ngoài ra các quyết định quan trọng như kê biên, đấu giá, THA, cưỡng chế THA đều phải gửi kịp thời cho VKS. Đặc biệt, để chuẩn bị cho một vụ cưỡng chế THA phức tạp cần huy động nhiều lực lượng tham gia thì phải họp ban chỉ đạo THA nhiều lần, và tất nhiên đều có mặt cũng như phải có ý kiến của lãnh đạo VKSND. Ý kiến của VKS là ý kiến rất quan trọng tại hội nghị.
Trong vụ án này, lẽ ra khi phát hiện thấy có sự sai lệch lớn về số liệu như vậy, VKSND TP Việt Trì phải cương quyết yêu cầu tạm dừng THA lại và có văn bản báo cáo với cơ quan cấp trên để VKSND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm theo Điểm đ Khoản 1 Điều 44, Khoản 2 Điều 285, Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự. Dẫn đến việc chi cục THA dân sự TP Việt Trì cưỡng chế trái pháp luật, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho công ty Việt Hưng, VKSND TP Việt Trì không khỏi không tránh khỏi trách nhiệm liên đới.
Thưa luật sư, xin ông cho biết ý kiến trước khẳng định của VKSND TP Việt Trì: “Nhận thấy tỷ lệ dư thừa không nhiều, cũng không thuộc phạm vi chỉ giới phải thu hồi nên chúng tôi cũng không phản đối việc tiếp tục THA”.
Luật sư Trần Xuân Tiền: Về vấn đề tỷ lệ dư thừa nhiều hay ít, tôi cho rằng không quan trọng, mà điều quan trọng nhất là những giá trị chuẩn mực đã được nâng lên thành các quy định của pháp luật, thì cần được các cơ quan thực thi pháp luật tôn trọng và tuân thủ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh cấp cho công ty Việt Hưng ghi rõ diện tích 300m2,Quyết định số 16/2013 ghi nhận diện tích của khối tài sản là 300m2, vậy không thể tùy tiện thi hành án đối với khối tài sản rộng 319,09m2. Nếu tiếp tục THA, cơ quan THA sẽ xử lý như thế nào đối với 19,09m2 dư thừa kia? Đã là sai lệch thì dù sai lệch 1m2 hay 100m2 hoặc nhiều hơn thế, cũng là sai lệch, trong khi theo khoản 1 Điều 179 Luật thi hành án dân sự năm 2008, trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án là: “Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế”.
Xin luật sư cho biết ý kiến về việc Chi cục THA dân sự TP Việt Trì tổ chức cưỡng chế THA vào ngày 14/01/2014, cách Tết Nguyên đán chỉ vừa đúng 16 ngày?
Luật sư Trần Xuân Tiền: Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 58/2009/CP ngày 13/7/2009 hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì “Ngoài những trường hợp do Luật Thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án”
Vậy chỉ riêng việc chọn ngày cưỡng chế THA nhằm giao tài sản cho ngân hàng mà đẩy cả doanh nghiệp lẫn rất nhiều người dân ra khỏi nhà trước Tết âm lịch 16 ngày là điều hoàn toàn không nên, bởi nó vừa có biểu hiện của sự vội vàng, vừa có gì đó dễ gây phản cảm, bức xúc, hiểu lầm cho dư luận. Việc tổ chức cưỡng chế giao nhà của chi cục THA dân sự TP Việt Trì trong vụ việc này là chưa ổn, hoàn toàn không đem lại tính nghiêm minh của pháp luật mà ngược lại đã gây dư luận không tốt về công tác THA và kiểm sát THA. Do vậy cần làm rõ trách nhiệm của chấp hành viên, kiểm sát viên trực tiếp thụ lý vụ án cũng như cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục THA dân sự TP Việt Trì và lãnh đạo VKSND TP Việt Trì trong vụ cưỡng chế THA này.
Xin cảm ơn luật sư!
Ngày 12/3/2014, để rộng đường dư luận về vụ cưỡng chế thi hành án bất chấp kháng nghị giám đốc thẩm của Chi cục THA TP Việt Trì, PV Dân trí đã liên hệ làm việc với Chi cục THA TP Việt Trì và có đề nghị được làm việc trực tiếp với lãnh đạo Chi cục và Chi cục phó Đặng Xuân Quang, người trực tiếp thực hiện vụ cưỡng chế thi hành án. Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Bích Lương - Chi cục trưởng Chi cục THA TP Việt Trì cho biết lãnh đạo chi cục cũng như ông Đặng Xuân Quang đều có lịch bận nên sẽ chủ động hẹn lịch tiếp PV Dân trí. Tuy nhiên, đã gần 10 ngày trôi qua, PV Dân trí vẫn không hề nhận được lịch làm việc theo lời hứa hẹn của bà Nguyễn Thị Bích Lương. |
Trước đó, liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án trái pháp luật với ngôi nhà 194 phố Huế, Dân trí đã có loạt bài điều tra làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật của ông Trịnh Ngọc Chung - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Sau hàng chục bài báo đấu tranh không khoan nhượng của báo điện tử Dân trí, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” để điều tra làm rõ. Ngay sau đó, Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiết tục Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung về tội: “Ra quyết định trái pháp luật” quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung nhân danh “Nhà nước” cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà 194 phố Huế, đồng thời đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, TAND TP Hà vẫn "ngâm tôm" vụ án chưa đưa ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này. |
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc
Anh Thế