Vụ thi hành án (THA) bất chấp kháng nghị Giám đốc thẩm:
Bài 16: Nguyên lãnh đạo tòa Phú Thọ phẫn nộ về vụ thi hành án chấn động Việt Trì
(Dân trí) - "Vụ cưỡng chế thi hành án bất chấp kháng nghị giám đốc thẩm của Chi cục THA dân sự TP Việt Trì với Công ty Việt Hưng là hành vi trái pháp luật, chà đạp, thách thức pháp luật", ông Đào Khắc Hiệt - Nguyên chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Thọ nói.
Vụ cưỡng chế thi hành án trái pháp luật xảy ra tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 14/01/2014, ngay sát Tết Nguyên đán đã đẩy hàng chục người dân, trong đó có người già và trẻ em ra khỏi nơi sinh sống, làm việc của họ, khiến dư luận bức xúc.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 16/2012/QĐST-KDTM ngày 23/7/2012 của TAND thành phố Việt Trì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên ngày 09/01/2014 đã bị Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Kháng nghị Giám đốc thẩm.
Theo quy định tại Điều 49, Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự thì khi có Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND tỉnh, “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.”
Thế nhưng không những không ban hành Quyết định tạm đình chỉ thi hành án, chấp hành viên Đặng Xuân Quang thuộc Chi cục THA dân sự TP Việt Trì còn đẩy nhanh tiến độ và quyết tâm thực hiện đến cùng hành vi cưỡng chế THA tại công ty Việt Hưng.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phòng vấn ông Đào Khắc Hiệt, nguyên Phó chánh tòa Dân sự, Chánh tòa Lao động, Chánh tòa Hành chính, Chánh tòa Kinh tế và Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Thọ, đồng thời cũng là nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án của tỉnh Vĩnh Phú (cũ).
Thưa ông Đào Khắc Hiệt, xin ông cho biết quan điểm về vụ cưỡng chế THA sau khi đã có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm và Quyết định tạm đình chỉ Thi hành án của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ?
Ông Đào Khắc Hiệt: Trong việc cưỡng chế THA của Chi cục THA dân sự TP Việt Trì đối với Công ty Việt Hưng, tôi thấy là chưa có vụ án tương tự nào ở tỉnh Phú Thọ trước đây, thậm chí ở Việt Nam tôi cũng chưa từng thấy có. Việc thi hành án như thế rõ ràng là trái pháp luật; thứ hai, việc làm này là chà đạp lên pháp luật, thể hiện sự thách thức pháp luật. Việc cưỡng chế thi hành án như thế này có nghĩa là không cần có một bản án hay một quyết định có hiệu lực pháp luật cũng cứ thi hành được thôi.
Thưa ông, căn cứ pháp lý cao nhất để quyết định số 16/2012 của TAND TP Việt Trì được thi hành là gì?
Ông Đào Khắc Hiệt: Rõ ràng là phải căn cứ vào các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Cụ thể khi nghiên cứu trường hợp của Công ty Việt Hưng, tôi thấy Quyết định số 16/2012 đã bị Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Kháng nghị Giám đốc thẩm theo Quyết định kháng nghị số 01/QĐKN-GĐT-KDTM, như vậy Quyết định đó đương nhiên không có hiệu lực pháp luật rồi. Việc Kháng nghị này đã được thông báo tới cơ quan THA cũng như tới các cơ quan chức năng để xem xét và xử lý. Nhưng sau đó chỉ 5 ngày kể từ khi có Kháng nghị Giám đốc thẩm, việc cưỡng chế vẫn được thi hành. Như vậy, ta có thể khẳng định luôn là Chi cục THA dân sự TP Việt Trì không cần có pháp luật, có pháp luật hay không vẫn cứ thi hành, cho nên rõ ràng đây là hành vi trái pháp luật.
Liên quan đến việc chấp hành viên Đặng Xuân Quang cố ý cưỡng chế quyết liệt ngay những ngày sát Tết Nguyên đán, những người từng sinh sống, làm việc tại tòa nhà nơi xảy ra việc cưỡng chế trái pháp luật này vô cùng bất bình.
Ông Nguyễn Minh Sơn (Cổ đông của công ty Việt Hưng) cho biết: Ông thấy việc này của Chi cục THA dân sự TP Việt Trì là quá sai. Khi cơ quan THA đến làm việc, ông đã đưa Quyết định Kháng nghị Giám đốc thẩm của TAND tỉnh ra rồi và có nói việc này là không làm được, không cưỡng chế được, bởi vì nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Tòa án, mọi quyết định của Tòa án thì tất cả mọi người dân của đất nước này đều phải thi hành. Tuy nhiên phía cơ quan THA vẫn không chấp nhận.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông lệ thì hầu như không có bất cứ cuộc cưỡng chế THA nào được tổ chức vào dịp tết cổ truyền của dân tộc cả. Điều này còn được cụ thể hóa tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 58/2009/CP ngày 13/7/2009 hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “Ngoài những trường hợp do Luật Thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án”.
Như vậy, sau hơn một năm làm việc kể từ ngày thụ lí hồ sơ thi hành án, đặc biệt là sau khi có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định tạm đình chỉ THA Quyết định số 16/2012 của Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, chấp hành viên Đặng Xuân Quang thuộc Chi cục THA dân sự TP Việt Trì vẫn tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với công ty Việt Hưng.
Luật sư Phan Thị Lam Hồng phân tích đây là một hành vi cố ý làm trái các quy định của pháp luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, cố ý vận dụng sai hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, cố ý không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền là Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, coi thường quyền - lợi ích hợp pháp của đương sự, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Hành vi này cần bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 Bộ luật Hình sự.
Sau loạt bài Dân trí lật tẩy vụ cưỡng chế THA trái pháp luật của Chi cục THA TP Việt Trì, cùng việc TAND tỉnh Phú Thọ tuyên hủy Quyết định vi phạm tố tụng, Ban Nội chính Trung ương đã chính thức đề nghị Bộ Tư Pháp xử lý theo quy định pháp luật. Ngày 15/04/2014, Ban nội chính Trung ương đã chính thức có ý kiến đến Bộ Tư pháp: “Sau khi xem xét đơn; căn cứ vào Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Ban nội chính Trung ương chuyển đơn đến Bộ tư pháp để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho Ban nội chính Trung ương”. |