Bài 12: Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ

(Dân trí) - Trong lúc huyện Thanh Trì và TP. Hà Nội chần chừ “sửa sai” vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật ở xã Đông Mỹ, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo gửi TP. Hà Nội giải quyết quyền lợi của gia đình mẹ liệt sỹ 12 năm chìm trong đau khổ.

 
Văn bản số 6944/VPCP-V.I ngày 20/8/2013 do ông Phan Văn Minh, Vụ Trưởng Vụ I - Văn phòng Chính phủ ký gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: “Bà Nguyễn Thị Nhung, trú tại 11/232 đường Láng, tập thể trường Đảng Lê Hồng Phong, quận Đống Đa, TP. Hà Nội có đơn gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiếu nại việc UBND huyện Thanh Trì cấp Giấy chứng nhận QSDĐ không đúng đối tượng cho ông Nguyễn Văn Chung ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
 
Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Nhung đến UBND TP. Hà Nội để chỉ đạo việc xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả”.
 
Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội
Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội

Như thông tin báo Dân trí đã đưa, trải qua 8 phiên xét xử và kéo dài gần 10 năm, ngày 23/9/2008 TAND TP. Hà Nội mới ra được bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT với nội dung chấp nhận đơn yêu cầu đòi quyền sử dụng đất của cụ Triệu Thị Mão với ông Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Chung đối với phần đất 1020m2 mà con trai út Nguyễn Văn Tạo tự ý chia tách, trước khi làm đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) trên phần đất gia đình cụ Triệu Thị Mão sử dụng hơn 60 năm.

Thực hiện bản án số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, ngày 14/1/2009, Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội ký Quyết định số 632/QĐ -THA về việc thực thi bản án số 58/2008/DSPT, tiến hành cắm mốc giới trả lại cho cụ Mão 850m2đất và tài sản trên đất. Cắm mốc giới cho ông Nguyễn Văn Chung sử dụng 170m2.

Những tưởng mọi việc đã “êm ả” nhưng sau khi cụ Mão qua đời tháng 4/2010, các thành viên trong gia đình lại nhận cú “sốc” khi ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm số 58/2008/DSPT ngày 23/9/2008 của TAND TP. Hà Nội, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm.

Quyết định kháng nghị bản án số 58/2008/DSPT mà TAND Tối cao đưa ra với lý do nhận được lời khai của một số nhân chứng. Nhưng sự vô lý “lạ đời” là có đến 2/4 nhân chứng sinh vào các năm năm 1968 (ông Nguyễn Văn Khải) và năm 1971 (bà Nguyễn Thị Mai) được TAND Tối cao ghi lời khai về cuộc họp phân chia tài sản vào năm 1968. Thử hỏi, một người vừa chào đời và một người chưa sinh ra có đủ điều kiện coi là nhân chứng thuyết phục liên quan đến cuộc họp bàn phân chia tài sản diễn ra năm 1968?.

Nhận được Quyết định kháng nghị ngày 9/6/2010 của Tòa tối cao đối với bản án số 58/2008/DSPT, gia đình cụ Triệu Thị Mão đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại gửi đến TAND Tối cao và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại Quyết định kháng nghị ngày 9/6/2010, nhưng không được giải quyết.
 
Văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP. Hà Nội
Mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đã về bên kia thế giới mà không được thanh than vì các bản án tréo ngoe của 3 cấp tòa, cũng như sự đùn đẩy, đá bóng trách nhiệm của UBND huyện Thanh trì và UBND TP. Hà Nội.

Nói về những quyết định “tiền hậu bất nhất” cùng xuất phát từ TAND Tối cao, trong buổi làm việc với PV Dân trí ngày 24/7/2013, ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thanh Trì cũng tỏ ra bức xúc khi đề cập đến các Quyết định “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” của ngành tòa án suốt hơn 10 năm qua. Ông Chung cho biết: “12 năm gia đình cụ Triệu Thị Mão đã gặp rất khó khăn nhưng không phải do các cơ quan hành chính, mà là do cơ quan Tư pháp. Có đến 9 bản án, 4 lần giám đốc thẩm và 2 lần thi hành án nhưng đến bây giờ vẫn chưa xong.

Khi vụ án tưởng như đã khép lại, TAND Tối cao lại ra Quyết định kháng nghị yêu cầu xét xử lại đã đẩy người dân vào cảnh luẩn quẩn, vòng đi vòng lại. Chúng tôi thấy nó vòng vo quá, dài dòng quá và có những quan điểm trái ngược nhau cùng ở một ngành tòa án hoặc ở cùng một cấp tòa, từ huyện cho đến Trung ương - TAND Tối cao. Chúng tôi là các cơ quan thực hiện, chúng tôi thấy có cái gì đó chưa ổn lắm”.
 
Dư luận đang trông đợi TAND TP. Hà Nội đình chỉ vụ án trên
Dư luận đang trông đợi TAND TP. Hà Nội đình chỉ vụ án trên
 
Sau hành trình tìm công lý kéo dài hơn 10 năm qua rất nhiều cấp tòa từ huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội cho đến TAND Tối cao, gia đình mẹ liệt sỹ Triệu Thị Mão đã rơi vào cảnh kiệt quệ về cả tài chính và công lý. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân, báo Dân trí đề nghị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án trên và UBND huyện Thanh trì khẩn trương thu hồi và hủy bỏ 2 cuốn sổ đỏ trên theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, sớm thông báo kết quả để gia đình cụ Triệu Thị Mão lấy lại uy tín, danh dự, và sự mất mất quá lớn về thời gian và tiền bạc, quá đau xót suốt 12 năm qua.
 
Về việc thu hồi Giấy chứng nhận QSDĐ cấp sai quy định, luật sư Luật sư Lê Quốc Đạt - Công ty Luật Trí Tuệ cho biết:

Thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai từ năm 1993 đến nay đã xảy ra không ít vụ việc cấp không đúng với quy định, không đúng với đối tượng được cấp, không đúng với trình tự đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2009/NĐ - CP ngày 29/10/2009 để khắc phục một số sai phạm trong việc cấp GCNQSDĐ.

Tại khoản 2 điều 25 của Nghị định 88 đã quy định về thu hồi đối với các loại Giấy chứng nhận đã cấp như sau :

a. Trường hợp GCN đã cấp mà có văn bản của cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận là GCN đã cấp trái với quy địnhcủa Pháp luật thì c.ơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì ra quyết định thu hồi GCN đã cấp.

b. Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCN tự kiểm tra vad phát hiện GCN đã cấp là trái Pháp luật thì có trách nhiệm ra thông báo bằng văn bản tới cơ quan thanh tra cùng cấp để thẩm tra. Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra đối với GCN do UBND cấp huyện cấp. Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra đối với GCN do UBND cấp tỉnh hoặc Sở tài nguyên và môi trường cấp. Nếu qua thẩm tra có kết luận là GCN cấp trái Pháp luật thì cơ quan nhà nươcs đã cấp GCN ra quyết định thu hồi GCN đã cấp.

c. Trường hợp tổ chức, công dân phát hiện GCN đã cấp trái Pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp GCN. Cơ quan nhà nươcs đã cấp GCN có trách nhiệm xem xét giải quyết theo quy định tại khoản b điểm này.

Thực hiện việc thu hồi các GCN cấp không đúng quy định của Pháp luật trên địa bàn Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định 13/2013/QĐ - UBND ngày 24/4/2013, tại khoản 3 điều 54 cũng quy định: Thu hồi GCN đã cấp trái pháp luật được hiện theo quy định tại khoản 2 điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ-CP.

Năm 2011, Công ty Luật Trí tuệ đã thực hiện việc đại diện cho khách hàng, kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi GCN đã cấp trái Pháp luật từ năm 2001 và đến đầu năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi GCN theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ - CP.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên đến bạn đọc.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm