Bác sĩ được mở phòng khám riêng, sao giáo viên không được dạy thêm?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Việc dạy thêm là không sai, nó chỉ sai ở chỗ dễ bị lợi dụng để kiếm chác. Bác sĩ được mở phòng mạch tư, tại sao giáo viên không được dạy thêm?".

Sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất cho phép giáo viên dạy học thêm cho học sinh trên lớp mình phụ trách, nhiều luồng quan điểm trái chiều đã xuất hiện. Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về việc giáo viên sẽ "giấu bài" khi dạy chính khóa để buộc học sinh đi học thêm. Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ đề xuất này, cho rằng cần đối xử công bằng với nghề giáo viên như bao nghề nghiệp khác trong xã hội.

Bác sĩ được mở phòng khám riêng, sao giáo viên không được dạy thêm? - 1

Hình ảnh một lớp học thêm ôn thi vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: HH).

Đưa ra quan điểm về việc dạy học thêm, độc giả Linh Hà bình luận: "Học tập là nhu cầu chính đáng. Có bạn tiếp thu chậm không thể theo kịp các bạn trên lớp, có bạn lại muốn tìm hiểu sâu hơn và làm được những bài khó hơn, muốn làm được thì phải đi học thêm thôi. Gia đình cũng có nguyện vọng cho con mình tốt lên, vậy tại sao lại cấm học thêm? Nếu cấm thì cấm việc bắt ép, trục lợi từ hoạt động này thôi".

Có chung góc nhìn, chủ tài khoản Dan Cay viết: "Vì có những kiến thức sách giáo khoa không có nên cần phải dạy thêm, học thêm để thi học sinh giỏi, học chuyên. Việc học thêm là rất cần thiết".

Độc giả Huỳnh Chung đặt phép so sánh giữa nghề giáo viên với bác sĩ và đưa ra quan điểm: "Việc dạy thêm là không sai, nó chỉ sai ở chỗ dễ bị lợi dụng để kiếm chác. Bác sĩ được mở phòng mạch tư, tại sao giáo viên không được dạy thêm? Cũng cần nói thêm rằng vừa qua, ngành giáo dục đã điều chỉnh lương trong giáo viên, nhưng từng đó đã đủ để các thầy cô yên tâm hay chưa?".

"Học thêm là nhu cầu thực tế. Những cháu học đuối thì cần bổ túc kiến thức, những cháu muốn thi vào trường chuyên hoặc muốn thi đại học top đầu thì cũng phải đầu tư. Nếu cấm tuyệt đối các giáo viên trong các trường phổ thông dạy thêm thì cũng sẽ vẫn mọc ra các trung tâm. Khi đó, không thể cấm những người không phải là giáo viên được mở trung tâm dạy thêm được. Tôi thấy việc cấm giáo viên tuyệt đối không được dạy thêm sẽ không giúp giải quyết vấn đề này khi xã hội thực sự có nhu cầu", chủ tài khoản ND Duong nêu ra vấn đề và đặt ra bài toán cung - cầu trong việc dạy thêm, học thêm hiện nay.

Độc giả Pham Xuan, dẫn chiếu từ ví dụ thực tế tại địa phương, cho rằng tương tự bao ngành nghề khác, nghề dạy học cũng là nghề mà người dạy có quyền làm thêm bằng sức lao động chính đáng của bản thân. Bởi vậy, cần có cái nhìn công bằng hơn đối với những người làm nghề giáo.

"Ở chỗ tôi, lớp học thêm cũng nhiều, mỗi lớp chừng 15 - 20 cháu, mà lớp ở trường thì khoảng 40 cháu. Như vậy thì đi học thêm chỉ khoảng 1/2 lớp, còn lại là không học thêm. Những cháu không đi học thêm cô giáo đâu có bắt buộc và phụ huynh học sinh cũng cảm thấy không cần thiết vì con mình học theo kịp các bạn, kịp chương trình rồi.

Bên cạnh đó, nếu không học thêm thầy cô trên trường thì phụ huynh cho con đi học các trung tâm Tiếng Anh, tính toán nhanh hay các kiến thức, kỹ năng khác đều được, miễn là phụ huynh có điều kiện. Nghề dạy học cũng là một nghề mà người dạy có quyền làm thêm bằng sức lao động chính đáng của mình, sao lại phải cấm? Công nhân, kỹ sư, bác sĩ cũng làm thêm được mà?", người này đặt câu hỏi.

Bác sĩ được mở phòng khám riêng, sao giáo viên không được dạy thêm? - 2

Nhiều người lo ngại việc cho phép dạy thêm đối với học sinh trên lớp sẽ làm giảm chất lượng dạy học chính quy tại nhà trường (Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn).

Từ những tranh cãi thời gian qua, nhiều giải pháp đã được độc giả đưa ra nhằm giúp cơ quan quản lý giải quyết, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa giáo viên và học sinh.

Độc giả Trai Nguyen viết: "Khách quan mà xét, học thêm là nhu cầu có thực của học sinh có năng lực học yếu và giáo viên có nhu cầu dạy thêm. Muốn chấm dứt học thêm, học sinh phải hiểu bài trên lớp, trong khi hiểu bài trên lớp là yêu cầu rất khó vì cần mọi học sinh đều có năng lực học trung bình trở lên và mọi giáo viên đều có trình độ giảng dạy tốt.

Bởi vậy, đó là yêu cầu không bao giờ có được trong môi trường dạy và học. Nhà trường tổ chức và quản lý học phụ đạo học sinh yếu là cách tốt nhất loại bỏ cách học thêm tràn lan hiện nay".

Còn dưới góc nhìn về tài chính và lợi ích cho ngân sách Nhà nước, anh Nguyễn Đức Vinh cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ dạy học thêm: "Dạy thêm là nhu cầu người dạy, học thêm là nhu cầu người học, đây đều là những quyền chính đáng đã được hiến định nên không được phép cấm dạy thêm hay học thêm. Do đó, chỉ có thể ban hành những quy định pháp lý để quản lý việc dạy thêm học thêm nghiêm túc.

Từ đó, tôi kiến nghị nếu dạy thêm là hình thức "tư nhân hóa giáo dục trốn thuế", vậy sao không cho họ hoạt động công khai để thu thuế? Cần nâng cấp các cơ sở tư nhân này lên thành hệ giáo dục tư thục và pháp lý hóa những chứng chỉ của họ nhằm giảm tải cho công lập, giảm áp lực lên ngân sách chi cho giáo dục, cải thiện thu nhập của giáo viên, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để hướng tới những kết quả tốt hơn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm