Cụ bà 68 tuổi phá 368 trái sầu riêng, áp dụng chế tài ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, do chưa đủ 70 tuổi, bà Thâm chưa được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định. Tuy nhiên, nếu đáp ứng các tình tiết khác, người này vẫn có thể được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Như Dân trí thông tin, Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố bị can Huỳnh Thị Thâm (68 tuổi, người địa phương) về tội Hủy hoại tài sản. Bà Thâm là người cắt tổng cộng 368 quả sầu riêng non của gia đình anh N. tại xã Ea Sin (huyện Krông Búk) vì mâu thuẫn cá nhân, gây thiệt hại 41 triệu đồng.
Từ sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi rằng với việc bà Thâm năm nay đã gần 70 tuổi, việc áp dụng chế tài xử lý đối với bị can sẽ được thực hiện ra sao và căn cứ những quy định nào.
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Luật Người cao tuổi 2009, người cao tuổi được xác định là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khi liên quan tới các vấn đề hình sự, pháp luật hình sự hiện không đề cập tới khái niệm người cao tuổi mà chỉ đề cập đến tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người phạm tội, người bị hại trong vụ án hình sự để xem xét áp dụng các tình tiết như người già yếu, người từ đủ 70 tuổi trở lên hay người từ đủ 75 tuổi trở lên.
Cụ thể, theo Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội từ đủ 75 tuổi trở lên không bị áp dụng hình phạt tử hình còn theo Điều 51 Bộ luật này, người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm tội sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm o, khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, tùy thuộc vào các yếu tố khác như địa lý (sinh sống ở vùng xa xôi hẻo lánh), dân tộc (người dân tộc thiểu số), văn hóa tín ngưỡng (mê tín, hủ tục)... cùng các yếu tố khách quan khác dẫn tới hành vi phạm tội, người cao tuổi phạm tội có thể được xem xét áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ là phạm tội do lạc hậu.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản liên quan không có quy định về việc áp dụng các chính sách riêng biệt cho trường hợp người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) phạm tội.
Đối chiếu quy định trên, có thể thấy do chưa đủ 70 tuổi, bà Thâm sẽ chưa được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, trong quá trình vụ án được giải quyết, tùy thuộc sự hợp tác và thái độ thành khẩn của bà Thâm, người phụ nữ có thể được xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khác như Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hay Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả...
Ngoài ra, theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt đối với người phạm tội Hủy hoại tài sản trong trường hợp giá trị tài sản từ 2 triệu tới dưới 50 triệu đồng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đối chiếu quy định tại khoản 1, Điều 9 Bộ luật này, hành vi của bà Thâm thuộc nhóm tội phạm ít nghiêm trọng. Do đó, nếu được xác định phạm tội lần đầu, người này có thể được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo điểm i, khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, bà Thâm có thể được tòa án xem xét tuyên phạt thấp hơn mức phạt của tội danh bị truy tố, căn cứ quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, nếu đáp ứng được các điều kiện tại Điều 65 Bộ luật này và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cộng với việc có mức phạt cao nhất của tội danh bị truy tố chỉ là 3 năm tù, bị can có thể được xem xét cho áp dụng hình phạt là án tù treo.