Giải đáp pháp lý vụ mẹ sát hại con đẻ, trục lợi bảo hiểm tại Quảng Nam
(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài tội Giết người, cơ quan chức năng sẽ xem xét thêm trách nhiệm của Na về hành vi trục lợi bảo hiểm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tô Thị Ty Na (44 tuổi, ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đang bị Công an tỉnh Quảng Nam tạm giam về tội Giết người. Na là đối tượng trong vụ án mẹ sát hại con đẻ để chiếm đoạt tiền bảo hiểm gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua.
Theo Công an tỉnh Quảng Nam, tối ngày 2/1/2023, cháu N.V.H. (SN 2017, con ruột của Na) chết trong nhà vệ sinh tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Quá trình điều tra, Công an huyện Thăng Bình chưa xác định được nguyên nhân cái chết của cháu bé nên ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết sau khi hết thời hạn xác minh tin báo. Tới đầu tháng 4 năm nay, Công an tỉnh Quảng Nam phục hồi xác minh tin báo về tội phạm và xác định Na chính là nghi phạm sát hại con ruột để chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Hành vi tày đình của Na gây ra làn sóng phẫn nộ khổng lồ trong xã hội. Với hàng loạt tình tiết xấu được nêu ra trong sự việc trên, người mẹ này có thể đối diện những chế tài nào theo quy định của pháp luật?

Tô Thị Ty Na (Ảnh: Công an Quảng Nam).
Vì sao vụ việc bị tạm đình chỉ giải quyết?
Bình luận dưới góc độ tố tụng, luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là 20 ngày kể từ ngày cơ quan điều tra nhận được tin báo. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, có thể gia hạn thời gian giải quyết tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 2 tháng. Trong đó thẩm quyền gia hạn lần 2 thuộc về Viện kiểm sát cùng cấp.
Như vậy, thời hạn tối đa để giải quyết tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật là 4 tháng 20 ngày, từ thời điểm cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo.
Quá trình giải quyết, tùy thuộc kết quả xác minh bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra sẽ ra một trong 3 quyết định sau: (i) Quyết định khởi tố vụ án hình sự, (ii) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc (iii) Quyết định tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm.
Theo Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc quyết định tạm đình chỉ sẽ được ban hành nếu thuộc một trong 2 trường hợp sau: (i) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả hoặc (ii) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Đối với sự việc trên, theo thông tin công an cung cấp, Công an huyện Thăng Bình đánh giá chưa thể xác định được nguyên nhân tử vong của cháu bé. Do đây thuộc trường hợp chưa có đủ căn cứ có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố vụ án hình sự hay không, cộng với việc thời hạn giải quyết tin báo đã hết, việc cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ là có cơ sở.
Quá trình vụ việc bị tạm đình chỉ, nếu phát sinh những tài liệu, chứng cứ mới dẫn tới việc lý do tạm đình chỉ giải quyết không còn, cơ quan điều tra có quyền ra quyết định phục hồi giải quyết tin báo. Thời hạn giải quyết là không quá 1 tháng từ ngày ra quyết định phục hồi.

Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Công Bính).
Chế tài xử lý tội Giết người ra sao?
Bình luận về diễn biến hành vi của Na, dưới góc độ xã hội, luật sư đánh giá đây là hành vi mất nhân tính, là hồi chuông báo động cho những người có tư duy, lối sống lệch lạc, sa đọa, tham lam, ích kỷ, ham vật chất và sẵn sàng chà đạp lên những giá trị cốt lõi, cơ bản, thiêng liêng nhất của mỗi con người là tình mẫu tử, tình cảm ruột thịt trong gia đình.
Dưới góc độ pháp lý, với tội danh đã bị khởi tố theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, nghi phạm có thể bị áp dụng tình tiết định khung là "giết người dưới 16 tuổi" theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết, nếu đủ căn cứ xác định mục đích ra tay của Na là để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, người mẹ này có thể bị áp dụng thêm tình tiết "vì động cơ đê hèn" theo điểm q, khoản 1 Điều này. Khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với những thông tin về việc Na từng sát hại một người con đẻ khác vào năm 2021 và có ý định ra tay với người con tiếp theo vào năm nay nhưng bị phát giác, cơ quan điều tra sẽ củng cố các tài liệu, chứng cứ, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan nhằm đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, xử lý đúng người, đúng tội.

Công an đưa Na về trụ sở làm việc hôm 3/4 (Ảnh cắt từ clip).
Về tình tiết Na từng bị tuyên phạt 40 tháng tù giam hồi năm 2001 về tội Trộm cắp tài sản, trích dẫn quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư cho biết người kết án phạt tù lên tới 5 năm sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Với trường hợp của Na, cần xác định bị can đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án hay chưa. Từ đó, có thể xảy ra 2 tình huống như sau:
Thứ nhất, nếu chưa chấp hành xong các hình phạt bổ sung và các quyết định khác, Na sẽ không thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích. Khi đó, với lần phạm tội này, nghi phạm có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ hai, nếu đã chấp hành đầy đủ các hình phạt của bản án, không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định và tội danh thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, Na sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về việc chỉ định người bào chữa, trong trường hợp bị quy kết tội danh và đưa ra xét xử về tội Giết người, do đây là tội danh có mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình, theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị can sẽ được chỉ định người bào chữa.
Việc chỉ định người bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào chữa cho bị cáo. Người bào chữa có thể là luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý (trường hợp bị cáo thuộc diện được trợ giúp pháp lý).

Tô Thị Ty Na nhận tiền bảo hiểm sau khi sát hại con trai (Ảnh: F.B).
Chiếm đoạt tiền bảo hiểm, có thể đối diện tội danh nào?
Cũng theo dõi sự việc, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá ngoài hành vi giết người, cơ quan điều tra đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm của Na về hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
"Đối với hành vi trên, cần làm rõ 2 vấn đề. Thứ nhất, đó là ý chí chủ quan của Na khi yêu cầu cơ quan bảo hiểm chi trả và thứ hai, đó là nhóm đối tượng bị tác động dẫn tới xảy ra thiệt hại.
Đối với trường hợp trên, từ những thông tin hiện có, có thể nhận thấy Na đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Trên thực tế, hành vi đưa ra thông tin gian dối thường có dấu hiệu của việc lừa đảo, song nếu đối tượng bị tác động thuộc nhóm ngành nghề riêng biệt, được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành như xây dựng, ngân hàng hay bảo hiểm... và có quy định tội danh cụ thể theo Bộ luật Hình sự 2015, việc xử lý sẽ căn cứ quy định cụ thể của pháp luật chuyên ngành", luật sư Thắng phân tích.
Từ phân tích trên, luật sư đánh giá với hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, Na có thể bị xem xét hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm, có dấu hiệu của tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp bị quy kết tội danh về hành vi này, với việc chiếm đoạt số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, Na có thể đối diện khung hình phạt 3-7 năm tù.