Ai là bị hại của Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục?
(Dân trí) - Theo luật sư, những người trực tiếp mua hàng từ Công ty Chị Em Rọt có thể được coi là bị hại trong vụ án. Để được ghi nhận và yêu cầu bồi thường, họ cần khai báo, cung cấp tài liệu hợp lệ cho công an.
Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du mục) cùng 3 bị can khác đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giam để điều tra các tội Sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng, liên quan tới hành vi sản xuất, quảng cáo và phân phối sản phẩm kẹo rau củ Kera trên thị trường.
Theo công an, sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty Cổ phần Asia Life sản xuất và được phân phối bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, doanh nghiệp mà Linh và Hằng là thành viên hội đồng quản trị. Từ ngày 12/12/2024 tới ngày 19/3/2025, Công ty Chị Em Rọt đã bán ra thị trường hơn 135.000 hộp kẹo với mức giá khoảng 150.000 đồng/hộp, thu lợi gần 20,3 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng.
Từ sự việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi về việc những ai được coi là bị hại của Linh, Hằng cùng đồng phạm? Và họ có quyền đòi lại số tiền đã bỏ ra để mua sản phẩm này hay không?

Quang Linh Vlogs tại một phiên livestream giới thiệu sản phẩm kẹo rau củ Kera (Ảnh: Y.T).
Những ai là bị hại?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo khoản 1, Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Để xác định một người là bị hại trong vụ án hình sự, cần xác định được thiệt hại mà người đó phải gánh chịu trực tiếp bởi hành vi phạm tội gây ra.
Đối với vụ án trên, thông tin từ cơ quan công an cho thấy Công ty Asia Life là doanh nghiệp sản xuất hàng giả, còn Linh, Hằng cùng 2 bị can khác là những người đã quảng cáo, đưa thông tin gian dối, sai sự thật về sản phẩm và phân phối số hàng hóa trên ra thị trường với mức giá 150.000 đồng/hộp kẹo rau củ.
Như vậy, có thể nhìn nhận bị hại của Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục là những người đã bị nhóm bị can lừa dối, vì tin vào những thông tin sai sự thật, quảng cáo gian dối của nhóm bị can mà trực tiếp bỏ tiền mua sản phẩm kẹo rau củ Kera thông qua các nền tảng, phương thức giao dịch khác nhau.
Ngoài ra, đối với một số trường hợp người mua buôn số lượng lớn (nếu có), sau đó bán lại cho những người khác để kiếm lời, luật sư cho rằng cần tách bạch rõ ràng 2 giao dịch độc lập trong vụ án, đó là giao dịch mua bán giữa Công ty Chị Em Rọt với người mua và giao dịch giữa người mua với những người mua lại.
"Đây là 2 giao dịch độc lập, việc người mua nhập vào sản phẩm số lượng lớn rồi bán lại và sinh lời (nếu có) không liên quan tới hành vi lừa dối của nhóm bị can bởi hành vi đã được hoàn thành từ thời điểm bán xong hàng cho những người mua đời đầu. Do đó, dù người mua kẹo rau củ có lãi hay không, vẫn có thể xác định họ là bị hại của nhóm bị can thuộc Công ty Cổ phần Chị Em Rọt.
Đối với nhóm người mua lại các sản phẩm, có thể xếp vào nhóm người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án", luật sư bình luận.

Quang Linh Vlogs (Ảnh: FBNV).
Bị hại đòi lại tiền như thế nào?
Đối với quyền lợi của những người có thể coi là bị hại của nhóm bị can, luật sư đánh giá do sự việc đang được cơ quan điều tra giải quyết bằng vụ án hình sự, những người cho rằng mình có quyền, lợi ích về kinh tế bị xâm phạm cần tới làm việc, khai báo với cơ quan điều tra và cung cấp những tài liệu, chứng cứ liên quan như lịch sử giao dịch, sao kê tài khoản... để chứng minh mình đã bỏ tiền mua các sản phẩm được quảng cáo gian dối bởi Linh, Hằng và các đồng phạm.
Dựa trên các tài liệu họ cung cấp, cơ quan điều tra sẽ đánh giá, xét duyệt để xem xét có chấp thuận, đưa tên những người này vào danh sách bị hại trong vụ án hay không hay tham gia vụ án với vai trò khác.
Trong trường hợp được coi là bị hại trong vụ án, những người mua hàng phải cung cấp đầy đủ tài liệu, thể hiện cụ thể con số mà bản thân đã bị thiệt hại bởi hành vi lừa dối của các bị can gây ra để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét xử lý. Mức bồi thường thiệt hại cuối cùng sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định và thể hiện trên bản án có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền. Các bị can có trách nhiệm bồi thường cho bị hại theo con số ghi nhận tại bản án có hiệu lực cuối cùng.
Đối với những người không khai báo hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu hợp lệ cho cơ quan tiến hành tố tụng, họ không được coi là bị hại trong vụ án, bất chấp mức độ thiệt hại tài sản ra sao.
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý triệt để vụ án, Bộ Công an thông báo cho các cá nhân, tổ chức đã mua hộp kẹo Kera cần liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra tại số 47 Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoặc qua số điện thoại: 0904.582.882 để được hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các bị can bị khởi tố trong vụ án gồm:
Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty Asia Life, về tội Sản xuất hàng giả là thực phẩm.
Các bị can: Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục); Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt; Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) và Lê Thành Công, cổ đông, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa dối khách hàng.