1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Truyền thông quốc tế: APEC 2017 được tổ chức tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam

(Dân trí) - Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), sự kiện kinh tế lớn nhất trong khu vực, do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Việt Nam năm 2017, đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và báo chí quốc tế.

Đà Nẵng - thành phố đáng sống


Tháng 4/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bấm nút đồng hồ đếm ngược chào đón Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng (Ảnh: Tâm An)

Tháng 4/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bấm nút đồng hồ đếm ngược chào đón Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng (Ảnh: Tâm An)

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đăng tải bài báo giới thiệu về thành phố chủ nhà Đà Nẵng, nơi diễn ra các sự kiện, diễn đàn, hội nghị trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Theo Tân Hoa Xã, việc Đà Nẵng tổ chức một sự kiện mang tầm cỡ quốc tế đã khiến thành phố miền Trung Việt Nam trở thành “tâm điểm của toàn thế giới”.

Bài báo giới thiệu về nét đẹp cũng như những chính sách ấn tượng của chính quyền thành phố trong việc biến Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam, trong đó có chính sách 5 “không” bao gồm không ăn xin, không mù chữ, không nghiện hút, không tội phạm, không đói nghèo và chính sách 3 “có” hướng tới mục tiêu ai cũng có nhà ở, việc làm và cuộc sống văn minh đô thị.

Đà Nẵng hiện là thành phố lớn thứ 3 Việt Nam, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, về lĩnh vực kinh tế và hiện đại hóa. Theo New York Times, Đà Nẵng được xếp vào danh sách 52 điểm phải đến năm 2015. Từ tháng 4/2016, Đà Nẵng chiếm nhiều thiện cảm của du khách gần xa với chính sách 4 “An”: An toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an sinh xã hội.

Đà Nẵng đã hoàn tất quá trình chuẩn bị nhằm đảm bảo thể hiện vị thế và vai trò của nước chủ nhà Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế thông qua một sự kiện lớn, mang tầm cỡ khu vực như APEC 2017.

“Việt Nam đang đóng góp vào tăng trưởng toàn diện trong khu vực”

Báo Independent Singapore đã có nhận định trên trong bài viết đăng tải ngày 5/11, trong đó cho rằng thông điệp tại diễn đàn APEC mà Việt Nam đưa ra mang tên: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được toàn bộ các nền kinh tế thành viên đánh giá cao và ủng hộ.

Bài viết nhận định rằng, Việt Nam - với cương vị chủ nhà APEC năm nay - đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên APEC cùng đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng như thiết lập cơ chế trao đổi và hợp tác lâu dài trong nội bộ khối.

Theo Independent Singapore, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra, đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, nhấn mạnh rằng tăng trưởng tổng thể là một yếu tố quan trọng trong Chương trình 2030 của Liên Hợp Quốc về Phát triển Bền vững.

Niềm hy vọng mang tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Trước thềm APEC, các cuộc đàm phán cho hiệp định TPP đã đạt được tiến triển sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định nói này. Reuters cho biết 11 nước thành viên còn lại, bao gồm Việt Nam, có thể sẽ có những cuộc hội đàm bên lề hội nghị cấp cao APEC để cùng bàn bạc lại các điều khoản của thỏa thuận.

Reuters trích lời ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, nhận định rằng các nước đã đi tới thỏa thuận về một số điều khoản. Reuters nhận định dường như APEC 2017 có thể sẽ là cầu nối giúp các nhà đàm phán quyết định xem có thể thống nhất một số điều khoản trong hiệp định này hay không. Ông Umemoto nhận định rằng TPP 11 không chỉ giúp các nước thành viên có một hệ thống thương mại cởi mở, tự do tại Thái Bình Dương, mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ nhằm thuyết phục nền kinh tế lớn nhất thế giới quay trở lại bàn đàm phán.

Kỳ vọng nào từ Tổng thống Mỹ Donald Trump?


Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng tháng 5/2017. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng tháng 5/2017. (Ảnh: Reuters)

Tất cả 21 lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên đều xác nhận sẽ tham gia APEC, trong đó có Tổng thống Donald Trump. Ông Trump sẽ tham gia hội nghị các nhà lãnh đạo APEC vào ngày 10/11 trong khuôn khổ chuyến công du châu Á lần đầu tiên kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Guardian nhận định việc ông Trump tới thăm dự APEC có thể sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác của ông lần này. Tại đây, ông sẽ tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo thế giới, bao gồm người đồng cấp từ Nga Vladimir Putin.

Ngày 11/11, ông Trump sẽ đến Hà Nội gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang để hội đàm về hợp tác kinh tế và an ninh khu vực. Guardian cho rằng chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo quốc gia sẽ rất có thể đề cập tới vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, một vấn đề mà Mỹ bày tỏ sự quan tâm.

Guardian nhận định ông Trump dường như muốn 2 nước cùng nỗ lực tái cân bằng thâm hụt thương mại song phương, cũng như tạo lực đẩy cho những thương vụ hợp tác tỷ USD giữa các công ty Mỹ và VIệt Nam hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, tờ báo này cũng nhận định có thể điều này sẽ gặp đôi chút khó khăn khi Việt Nam vẫn đang thể hiện quan điểm ủng hộ TPP, trong khi người đứng đầu Nhà Trắng lại công khai phản đối hiệp định này.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm