1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dấu ấn thành công của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á đầu tiên

(Dân trí) - Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã khép lại với những kết quả tốt đẹp và nhận được sự đánh giá cao từ giới phân tích, trong đó ông chủ Nhà Trắng đã góp phần nâng cao hình ảnh nước Mỹ và thắt chặt thêm mối quan hệ với các nước trong khu vực.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Donald Trump ngày 14/11 đã kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức hồi cuối tháng 1 với hàng loạt cuộc gặp song phương và đa phương quan trọng. Theo cây bút James Griffiths của CNN, nếu mục tiêu chủ yếu của chuyến thăm là nhằm tăng cường quan hệ của Tổng thống Donald Trump với các nước châu Á cũng như lãnh đạo của các nước này thì có thể đánh giá đây là chuyến công du thành công.

Tại 5 điểm dừng chân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, Tổng thống Trump luôn nhận được sự tiếp đón nồng nhiệt với những nghi thức trang trọng từ nước chủ nhà. Tổng thống Mỹ cũng nhận được nhiều lời khen ngợi trong các cuộc họp báo chung với lãnh đạo các nước.

Thậm chí ngay cả Triều Tiên dường như cũng kiềm chế hơn trong thời gian diễn ra chuyến công du của Tổng thống Mỹ. Bình Nhưỡng đã đưa ra một vài tuyên bố phản đối, nhưng rốt cuộc vẫn không tiến hành bất kỳ vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân nào trong lúc ông Trump đi qua một loạt quốc gia châu Á, trong đó có nước láng giềng với Triều Tiên là Hàn Quốc.

Việt Nam - điểm dừng chân lâu nhất trong chuyến công du châu Á


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong cuộc họp báo tại Phủ Chủ tịch ngày 12/11 (Ảnh: Quang Phong)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong cuộc họp báo tại Phủ Chủ tịch ngày 12/11 (Ảnh: Quang Phong)

Với thời gian 12 ngày, chuyến công du lần này không chỉ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump đến châu Á kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, mà còn là chuyến công du dài nhất tới châu Á của một tổng thống Mỹ trong 25 năm qua. Việt Nam là điểm dừng chân lâu nhất của ông chủ Nhà Trắng trong chuyến đi này.

Với 3 ngày lưu lại tại Việt Nam, nhà lãnh đạo Mỹ đã tham gia một loạt các sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và thăm chính thức Việt Nam ngày sau đó.

Tại APEC, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu đáng chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC CEO Summit) - nơi hội tụ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và đại diện hơn 2.000 doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực. Trong bài phát biểu, ông Trump đã khẳng định rằng sự gắn kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Chúng tôi có bạn bè, đối tác, và đồng minh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương trong một thời gian dài và chúng ta sẽ là bạn bè, đối tác, và đồng minh trong một thời gian dài phía trước".

"Tôi cũng rất vui mừng khi có mặt tại đây hôm nay, tại APEC, bởi vì tổ chức này được thành lập để giúp chúng ta đạt mục đích. Nước Mỹ là thành viên tự hào của cộng đồng các quốc gia ở Thái Bình Dương. Chúng tôi là đối tác tích cực trong khu vực này kể từ lần đầu tự giành nền độc lập", ông Trump tuyên bố.

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngay sau APEC, Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ vì một châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ông cũng nhấn mạnh tới việc Việt -Mỹ ngày càng xích lại gần nhau để tăng cường lợi ích của nhau, cũng như hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Mối quan hệ gần gũi

Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cùng nhau chơi golf khi nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Nhật Bản (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cùng nhau chơi golf khi nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump bắt đầu chuyến công du châu Á bằng chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản và lãnh đạo nước chủ nhà đã chào đón ông bằng những hoạt động dường như được thiết kế hoàn hảo theo sở thích cá nhân của ông chủ Nhà Trắng. Thủ tướng Shinzo Abe cùng Tổng thống Trump ký tên trên những chiếc mũ in khẩu hiệu “Donald và Shinzo, làm cho liên minh vĩ đại hơn”, sau đó là buổi chơi golf - môn thể thao yêu thích của ông Trump với golf thủ nổi tiếng của Nhật Bản và đặc biệt là những bữa ăn với bít tết - món ăn ưa thích của nhà lãnh đạo Mỹ.

Đặt trọng tâm vào tương lai quan hệ song phương với Mỹ, Thủ tướng Abe đã dành nhiều lời khen cho Tổng thống Trump, nhấn mạnh “chưa bao giờ có mối liên kết gần gũi như vậy giữa lãnh đạo hai nước trong lịch sử liên minh Mỹ - Nhật”.

Việc Thủ tướng Abe, nhà lãnh đạo từng tới gặp Tổng thống Trump ở Mỹ từ trước khi ông chính thức nhận nhiệm sở, có mối quan hệ thân thiết với ông chủ Nhà Trắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự gần gũi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in lại là yếu tố gây bất ngờ vì hai nhà lãnh đạo từng được cho là có mối quan hệ căng thẳng.

Trước đó, Tổng thống Trump từng công khai chỉ trích Tổng thống Moon vì cho rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc dường như quá mềm mỏng khi đề xuất đàm phán với Triều Tiên. Ngoài ra, sự thiếu vắng của một mối quan hệ mang tính cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo đã dẫn tới một hệ quả là vào một số thời điểm, Hàn Quốc rõ ràng đã bị “ngó lơ” trong các chính sách liên quan tới Triều Tiên của Mỹ. Điều này khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ rạn nứt ngày càng tăng trong quan hệ giữa hai đồng minh Washington - Seoul.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo với Tổng thống Moon hồi tuần trước, Tổng thống Trump dường như đã lựa chọn những ngôn từ mang tính hòa giải hơn với lãnh đạo nước chủ nhà. Khi đó Tổng thống Trump tuyên bố ông thực sự tin rằng việc đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán là điều quan trọng, không chỉ tốt cho người dân Triều Tiên mà cho toàn thế giới. Đây cũng là quan điểm của Tổng thống Moon trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trung Quốc bắn đại bác, trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc bắn đại bác, trải thảm đỏ đón Tổng thống Trump tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Tại Trung Quốc, quốc gia mà Tổng thống Trump từng cáo buộc là “cưỡng bức” Mỹ vì các vấn đề liên quan tới thâm hụt thương mại, nhà lãnh đạo Mỹ được “trải thảm đỏ” rực rỡ trong lễ đón tiếp ở Bắc Kinh với nghi thức bắn đại bác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dành nhiều lời khen ngợi và trân trọng cho Tổng thống Trump còn giọng điệu của ông chủ Nhà Trắng khi hối thúc Bắc Kinh kiềm chế Triều Tiên cũng mềm mỏng hơn so với các tuyên bố trước đó.

Truyền thông Trung Quốc cũng hào hứng với chuyến thăm của Tổng thống Trump. Một nhà phân tích trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc cho biết Tổng thống Mỹ đã trao cho Trung Quốc đúng điều mà Trung Quốc mong muốn, đó là sự tôn trọng như một cường quốc trên trường quốc tế.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng được tăng cường trong chuyến công du lần này.

Thương mại

Tổng thống Trump và Tổng thống Moon bắt tay trong cuộc hội đàm song phương tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Moon bắt tay trong cuộc hội đàm song phương tại Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Thương mại là một trong số những chủ đề chính trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Trump. Điều này được phản ánh thông qua bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Việt Nam với quan điểm “Nước Mỹ là số một”. Mặc dù quan điểm ưu tiên chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump có thể mâu thuẫn với nước chủ nhà, song nhà lãnh đạo Mỹ tránh đưa ra ý kiến chỉ trích. Thay vào đó, ông chuyển hướng công kích sang các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ.

“Sự mất cân bằng thương mại hiện tại là không thể chấp nhận được. Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác vì đã kiếm lời từ thương mại với Mỹ. Nếu đại diện thương mại của các nước có thể làm việc đó, thì chỉ là họ đang làm công việc của mình”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ cũng hứa hẹn sẽ ký các thỏa thuận thương mại song phương với bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương miễn là các quốc gia đó muốn trở thành đối tác với Mỹ và sẵn sàng tuân thủ luật chơi công bằng, có đi có lại trong quan hệ thương mại với Washington.

Triều Tiên và Nga

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Đà Nẵng (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Đà Nẵng (Ảnh: Reuters)

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Trump, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ dự đoán chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ “tập trung 90% vào vấn đề Triều Tiên và 10% vào vấn đề thương mại”. Dự đoán này phần lớn là đúng khi vấn đề Triều Tiên gần như “thống trị” tuần đầu tiên trong chuyến thăm của Tổng thống Trump. Cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Moon đều ủng hộ cách tiếp cận của ông Trump đối với Triều Tiên trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Trong chuyến thăm đầu tiên tới Đông Bắc Á với tư cách Tổng thống Mỹ, ông Trump đã làm sâu sắc thêm quan hệ với đối tác và thành công trong việc truyền tải thông điệp liên quan tới cam kết của Mỹ với các nước đồng minh, đồng thời trấn an các nước trước mối đe dọa từ Triều Tiên”, nhà nghiên cứu Scott Snyder thuộc nhóm chuyên gia Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận định.

Mặc dù vẫn có những phát ngôn cứng rắn đối với Triều Tiên khi tới thăm châu Á, song Tổng thống Trump không sử dụng những lời lẽ công kích cá nhân hay đưa ra những lời đe dọa như cách ông từng làm trước đây. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn mở cánh cửa đối thoại khi trả lời các phóng viên ở Đà Nẵng rằng cuộc gặp với ông Kim Jong-un sẽ là một điều tốt đẹp “không chỉ cho Triều Tiên mà cho cả thế giới”.

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chụp ảnh chung cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin chụp ảnh chung cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Giữa lúc các cuộc điều tra về nghi vấn thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump và chính phủ Nga đang nóng dần lên tại Mỹ, chủ đề này cũng được nhắc đến trong chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng tới Việt Nam. Tại hội nghị cấp cao của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Trump đã “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực của các cơ quan tình báo và nhiều cơ quan chính phủ Mỹ khi tin lời khẳng định của Tổng thống Putin rằng Moscow không can thiệp bầu cử Mỹ.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn nói rằng ông tin tưởng vào các cơ quan tình báo Mỹ, đồng thời chuyển hướng chỉ trích khi cho rằng vụ bê bối này do các đảng viên Dân chủ dựng lên để đánh lạc hướng dư luận về sự thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.

Trên trang Twitter cá nhân ngày 14/11, Tổng thống Trump cho biết ông đã có một chuyến công du thành công rực rỡ, giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến thương mại, không chỉ là các bản hợp đồng trị giá ít nhất 300 tỷ USD mà còn là cách để gấp 3 con số đó trong thời gian ngắn.

“Đó là một chuyến công du tuyệt vời. Đó cũng thực sự là một chuyến đi ý nghĩa để kéo mọi người xích lại gần nhau… 12 ngày công du thật tuyệt vời. Tôi đã kết bạn rất nhiều ở cấp cao nhất”, ông Trump nói và cho rằng chuyến đi của ông sẽ làm thay đổi cách nhìn nhận của các nước về Mỹ trong tương lai.

Thành Đạt

Tổng hợp