Ngộ độc thực phẩm tập thể bước đầu được ngăn chặn

(Dân trí) - Độc tố tự nhiên, hóa chất nguy hại tồn dư trong thực phẩm luôn là hiểm họa rình rập cộng đồng qua mỗi bữa ăn. Những nỗ lực ngăn chặn từ xa các nguy cơ của thành phố đã bước đầu ngăn chặn được số vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người dân.

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 4.000 bếp ăn tập thể, trong đó 279 bếp ăn tại các Khu chế xuất – Khu công nghiệp phục vụ hàng chục nghìn suất mỗi ngày. Thực tế kiểm tra của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cho thấy, hầu hết các công ty đều ký hợp đồng cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp từ bên ngoài. Việc giám sát, kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm đầu vào từ các dịch vụ nêu trên luôn tồn tại bất cập bởi mục tiêu lợi nhuận là động cơ khiến các bếp ăn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trong chế biến suất ăn.


Ngộ độc thực phẩm tập thể bước đầu được ngăn chặn - Ảnh 1.

Các bếp ăn tập thể luôn là nơi cần đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm bởi nguy cơ ngộ độc tập thể cao

Nếu sử dụng phải những loại thực phẩm bị nhiễm hóa chất; nhiễm vi sinh, bị biến chất hoặc thực phẩm có chứa sẵn độc tố tự nhiên (so biển, cá nóc, thịt cóc…) sau khi ăn cơ thể sẽ đối mặt với nguy cơ ngộ độc chỉ trong vài phút hoặc 6 giờ đến 48 giờ. Người bị ngộ độc cấp tính thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, choáng váng, đau đầu, co giật, nổi mề đay… Nguy hiểm hơn, nếu sử dụng thường xuyên thực phẩm kém chất lượng sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc mạn tính, nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư.

Để ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra từ suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể ở các công ty, trường học… Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã ký kế hoạch liên tịch giữa Ban và Sở Giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên; ban hành quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Ban Quản lý các Khu chế xuất - Khu công nghiệp và Liên đoàn Lao động trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho công nhân.

Ban đã tổ chức các buổi tập huấn cho những trực tiếp chế biến và người có trách nhiệm liên quan đối với bếp ăn, suất ăn công nghiệp về an toàn thực phẩm, chỉ ra các mối nguy hại ảnh hưởng đến thực phẩm; hướng dẫn 10 nguyên tắc vàng trong lựa chọn thực phẩm an toàn, định hướng cho các bếp ăn sử dụng thực phẩm đạt tiêu chuẩn; hướng dẫn các biện pháp phòng chống, xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Mặt khác, nhằm đảm bảo bữa ăn an toàn tại các bếp ăn tập thể, trong 9 tháng đầu năm 2018 Ban An toàn Thực phẩm đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra đồng loạt bếp ăn, suất ăn sẵn đối với 386 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 24 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 254 triệu đồng. Sự phối hợp trong quản lý và xử lý nghiêm những vi phạm có liên quan đã bước đầu ngăn chặn được vấn nạn ngộ độc thực phẩm tập thể.

 

Ngộ độc thực phẩm tập thể bước đầu được ngăn chặn - Ảnh 2.

Sử dụng thực phẩm an toàn là giải pháp hiệu quả để giảm tối đa nguy cơ ngộ độc cho người ăn

Theo thống kê, năm 2016 trên địa bàn thành phố có 7 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó 4 vụ được xác định do cơ sở chế biến suất ăn sẵn không đảm bảo các điều kiện vệ sinh. Tương tự, năm 2017 tiếp tục xảy ra 4 vụ ngộ độc tập thể, trong đó 1 vụ do cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm từ suất ăn sẵn do cơ sở chế biến ở xa bếp ăn tập thể nên mất nhiều thời gian vận chuyển thức ăn chín từ nơi chế biến đến nơi phục vụ. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển không bảo đảm khi gặp thời tiết thấy thường sẽ khiến thức ăn chín bị hư hỏng, ôi thiu, nhiễm vi sinh.

Năm 2018, số vụ ngộ độc thực phẩm tại TPHCM đã giảm hẳn cả số vụ và số người mắc. Tính đến tháng 10/2018 trên địa bàn chỉ ghi nhận 1 vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Trường tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, tháng 3/2018). Nguyên nhân khiến 25 học sinh có triệu chứng ói, đau bụng, nhức đầu phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu là do vi sinh vật trong trà sữa ở bữa ăn giữa sáng gây nên.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn Thực phẩm cho rằng: “Tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể thời gian qua bước đầu được kéo giảm là nhờ ý thức của người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm đã nâng lên. Tuy nhiên, chỉ cần sơ suất, lơ là trong khâu lựa chọn thực phẩm, chế biến và vận chuyển thì nguy cơ ngộ độc cho người ăn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chúng tôi luôn kêu gọi ý thức tự giác và tinh thần hợp tác trong sử dụng nguồn thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng từ tất cả các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể để hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc cấp tính và mạn tính cho người sử dụng”.

Vân Sơn