1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vì chiến tranh, nhiều phụ nữ Việt Nam lỡ dở, một đời chờ chồng

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "Vì cuộc chiến tranh kéo dài mà rất nhiều phụ nữ Việt Nam không lấy được chồng, ở một đời để chờ chồng mà có lẽ không nơi nào ở trên thế giới phụ nữ làm được như vậy".

Đó là chia sẻ của PGS.TS. Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm công bố báo cáo quốc gia về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam diễn ra vào sáng 15/9, tại Hà Nội do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Trường Đại học Justus Liebig, Giessen (CHLB Đức), Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) và Viện nghiên cứu Hòa bình Hà Nội tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao nội dung của ấn phẩm.

Vì chiến tranh, nhiều phụ nữ Việt Nam lỡ dở, một đời chờ chồng - 1

PGS.TS. Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Thùy Trang).

Bà Hà chia sẻ, Việt Nam là một trong những đất nước chịu rất nhiều cuộc chiến tranh trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chiến tranh gây ra rất nhiều hậu quả về kinh tế, chính trị, xã hội.

Giai đoạn từ năm 1965-1968, đặc biệt giai đoạn 1966-1967, mỗi ngày có khoảng 300 lần máy bay Mỹ đi ném bom với hơn 1.600 tấn bom đã rải xuống miền Nam Việt Nam.

"Những thế hệ sau như chúng tôi không trực tiếp chứng kiến cuộc chiến tranh nhưng nhìn vào những số liệu đó có thể thấy dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của chiến tranh.

Quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam 72 triệu lít chất độc hóa học các loại. Báo cáo đã nói rất nhiều về hệ quả chất độc màu da cam, không chỉ ảnh hưởng đến con người mà còn hủy hoại lâu dài môi trường của Việt Nam.

Tại Việt Nam, chỉ một xã đã có hơn 1.500 nam giới vào chiến trường miền Nam, trong số đó có rất nhiều người đã hi sinh, những người phụ nữ ở lại thành lỡ dở.

Vì cuộc chiến tranh kéo dài rất nhiều phụ nữ Việt Nam không lấy được chồng, ở một đời để chờ chồng. Chuyện chờ chồng cả đời như thế, có lẽ không phụ nữ ở nơi nào làm được như vậy", PGS.TS. Lê Thị Thanh Hà nhấn mạnh, đồng thời mong muốn các hoạt động hỗ trợ xã hội quan tâm hơn đến vấn đề này.

Vì chiến tranh, nhiều phụ nữ Việt Nam lỡ dở, một đời chờ chồng - 2

Toàn cảnh buổi tọa đàm công bố báo cáo quốc gia Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam (Ảnh: Thùy Trang).

Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam là ấn phẩm thứ 4 trong chuỗi báo cáo quốc gia về Việt Nam mà trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với trường Đại học Justus Liebig, Giessen và Quỹ Hanns Seidel thực hiện.

Các nhà đồng chủ biên cho biết, ấn phẩm này tập trung vào một vấn đề chưa được quan tâm một cách thấu đáo từ góc độ học thuật - vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh ở một đất nước đã trải qua những cuộc chiến liên tiếp, kéo dài gần 50 năm như Việt Nam...

Có quá nhiều vấn đề chính trị - xã hội cần giải quyết ở Việt Nam kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, những vấn đề đã được chỉ ra trong các bài viết độc lập. Đặc biệt là sau năm 1954 và 1975, phần lớn lãnh thổ của Việt Nam đã bị tàn phá khủng khiếp, hàng triệu sinh mạng mất đi, hàng trăm nghìn người khác sống sót sau chiến tranh rơi vào cảnh góa bụa, mồ côi hoặc bị tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần.

Những hậu quả lâu dài của chiến tranh vẫn còn hiện rõ cho đến ngày nay, nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc, cụ thể là vô số vật liệu nổ còn sót lại vẫn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Khủng khiếp hơn nữa là những hậu quả lâu dài đối với con người và môi trường gây ra bởi các chất độc hóa học, chất khai quang, đặc biệt là chất độc da cam/dioxin mà Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Báo cáo quốc gia Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam được chia thành 9 mục: Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách ưu đãi người có công ở Việt Nam; Chăm sóc sức khỏe hậu chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới sau năm 1975: Mục tiêu và thành tựu; Vấn đề bom mìn và vật liệu nổ từ góc độ kinh tế - xã hội sau năm 1975; Giải quyết hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghiên cứu đặc biệt về điều kiện sống của nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Việt Nam - Dựa trên khảo sát thực địa tại tỉnh Thanh Hóa; Các chính sách khắc phục hậu quả của chiến tranh trong thế kỷ 20 - Nghiên cứu trường hợp Việt Nam; Thể chế và sáng kiến ở Việt Nam.

Ấn phẩm là một tổng hợp của nhiều công trình nghiên cứu khoa học với sự tham gia của nhiều tác giả trong nước và quốc tế như Mỹ, Đức, Nhật Bản... nhận được sự quan tâm của các bình luận viên và các nhà nghiên cứu.