1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tim Page - nhiếp ảnh gia nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam qua đời

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiếp ảnh gia Tim Page, một trong những phóng viên ảnh nổi tiếng về Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Tim Page - nhiếp ảnh gia nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam qua đời - 1

Ông Tim Page là một trong những phóng viên chiến trường nổi tiếng về Chiến tranh Việt Nam (Ảnh: NYT).

Người bạn thân của Tim Page, Marianne Harris, xác nhận thông tin trên và cho biết ông qua đời ngày 24/8 sau thời gian điều trị bệnh ung thư gan.

Ông Tim Page là phóng viên chiến trường nổi tiếng người Anh và là đồng tác giả cuốn sách ảnh Requiem (Hồi niệm) về những phóng viên chiến trường.

Là một phóng viên chiến trường tự do, ông đã làm việc với tinh thần không sợ hãi, vượt qua ranh giới của cuộc sống và nhiếp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đắt giá của chiến tranh và góp phần giúp thay đổi cục diện cuộc chiến.

Tại chiến trường Việt Nam, Tim Page đã liên tục ghi lại những hình ảnh về cục diện cuộc chiến. Những hình ảnh này xuất hiện trên các ấn phẩm trên khắp thế giới vào những năm 1960.

Suốt thời gian tác nghiệp, ông đã 4 lần bị trọng thương, nặng nhất là khi bị trúng đạn ngay đầu và khiến ông phải mất nhiều tháng mới điều trị có thể hồi phục. Nhưng ông vẫn không sợ hãi.

New York Times cho rằng, ông chính là một trong những nhân vật sống động nhất trong số các nhiếp ảnh gia về Chiến tranh Việt Nam. Ông có những hình ảnh giúp định hình diễn biến của cuộc chiến và là hình mẫu cho phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới.

Michael Herr, trong cuốn sách có tựa đề "Dispatches" (Gửi đi) xuất bản năm 1977, đã gọi ông là người cuồng nhất trong số "những tín đồ cuồng" đưa tin và phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Trong cuốn "The Vietnam War: An Eyewitness History" (Chiến tranh Việt Nam: Một nhân chứng lịch sử), tác giả Sanford Wexler viết: "Tim Page được biết đến như một nhiếp ảnh gia có thể đi bất cứ đâu, chụp bất cứ thứ gì và rất nhanh".

Trong những năm cuối đời, ông Page trầm ngâm khi nhớ về ký ức thời gian đó. "Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trải qua bất cứ điều gì khó khăn như chiến tranh lại có thể ra đi nguyên vẹn", ông nói trong cuộc phỏng vấn với New York Times năm 2010.

Ông đã xuất bản hàng chục cuốn sách, trong đó có hai cuốn hồi ký, và đáng chú ý nhất là "Requiem", cuốn sách ảnh về đồng nghiệp của ông các bên chiến tuyến, đã ngã xuống ở Đông Dương trong các cuộc chiến tranh.

Được phát hành vào năm 1997, bộ sưu tập thuộc dự án ảnh về chiến tranh do ông Page và Horst Fass khởi xướng sau đó được đưa đi triển lãm tại các châu lục trên thế giới. Cuộc triển lãm ngay lập tức gây chấn động truyền thông quốc tế.

Bộ sưu tập ảnh Requiem được xem như một đài tưởng niệm chiến tranh và đã được trưng bày triển lãm thường xuyên tại Việt Nam.

Ông Page sinh ra tại Royal Tunbridge Wells, Kent, Vương quốc Anh vào ngày 25/5/1944, là con trai của một thủy thủ người Anh đã thiệt mạng trong Thế chiến II. Ông sau đó được một gia đình nhận nuôi và không hề biết mẹ ruột của mình là ai.

Năm 17 tuổi, ông để lại một bức thư cho cha mẹ nuôi và bắt đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường. Ông đã vượt xa châu Âu, sang Trung Đông, Ấn Độ và Nepal, kết thúc cuộc hành trình ở Lào khi cuộc chiến tranh Đông Dương mới bắt đầu.

Ông đã dành phần lớn thời gian trong 5 năm tiếp theo để đưa tin về Chiến tranh Việt Nam, chủ yếu làm việc cho các tạp chí Time & Life, UPI, Paris Match và AP.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông thường xuyên trở lại Việt Nam để thực hiện các hoạt động, điều hành xưởng ảnh và chụp ảnh các nạn nhân chất độc da cam.

Năm 2009, ông đã dành 5 tháng ở Afghanistan với tư cách là Đại sứ Hòa bình Nhiếp ảnh cho Liên Hợp Quốc. Ông cũng đến đưa tin về tình hình ở Đông Timor, quần đảo Solomon và cuối cùng quyết định về sống ở khu vực gần Brisbane (Australia), làm trợ giảng tại Đại học Griffith.

Vào thời điểm biết mình bị ung thư vào tháng 5, ông đã nỗ lực hoàn thành thêm 2 cuốn sách cũng như một kho lưu trữ các bức ảnh về chiến tranh.

Theo New York Times