DMagazine

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương

(Dân trí) - Mỗi nơi dừng chân, dòng người hồi hương đều được hỗ trợ đồ ăn, nước uống, cả xăng để đổ... Yêu thương, đùm bọc của người dân trên mỗi chặng họ đi qua khiến hành trình trở về bớt xa ngái hơn.

Mỗi nơi dừng chân, dòng người hồi hương đều được hỗ trợ đồ ăn, nước uống, cả xăng để đổ... Yêu thương, đùm bọc của người dân trên mỗi chặng họ đi qua khiến hành trình trở về bớt xa cách hơn.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 1

Đoàn xe của người dân các tỉnh biên giới phía Bắc vượt qua cầu Bến Thủy, sang địa phận tỉnh Nghệ An trong lúc trời mưa nặng hạt. Những khuôn mặt mệt mỏi, người ướt sũng dù áo mưa lớp trong, lớp ngoài. Họ phải vượt chặng đường gần 2.000 cây số từ Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM để về quê và đã hoàn thành được 2/3 hành trình.

Theo hướng dẫn của cán bộ Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An, những công dân các tỉnh phía Bắc sẽ tập trung tại một khu lán riêng, nơi đã có sẵn đồ ăn nhẹ, nước, sữa, áo mưa và cả những bát cháo nóng hổi. Khi đủ đoàn, sẽ có cảnh sát giao thông dẫn đoàn, cùng các phương tiện vận tải khác hỗ trợ để bà con tiếp tục hành trình.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 2

Tranh thủ nghỉ ngơi sau chặng đường gần 100 cây số từ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Vừ Thị Dính (SN 1998, quê tỉnh Hà Giang) tháo địu để vệ sinh, thay bỉm cho cô con gái 13 tháng tuổi của mình. Dù Dính và chồng đã che chắn rất kỹ nhưng mưa tạt, con bé ướt hết quần áo. Dính cởi dần chiếc áo ngoài cho con, lóng nga lóng ngóng. Thoát được cái áo mưa trùm kín, nóng bức, con bé cười toe toét.

Dính giục chồng mở túi hành lý chất trên xe để tìm quần áo khô cho con nhưng chồng Dính tìm mãi chẳng được. "Mưa ngấm, ướt hết rồi", người chồng nói, giọng chùng xuống. Dính tự mình kiểm tra, hi vọng tìm được bộ quần áo còn khô để thay cho con, cứ để con mặc đồ ướt thế này ốm mất!.

Nhưng rồi, chính Dính cũng phải thất vọng. Hỏi những người có con nhỏ đi cùng đoàn để mượn tạm thay cho con, Dính cũng chỉ nhận được cái lắc đầu "ướt hết cả rồi".

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 3

Những người mẹ trẻ, đôi mắt đầy mệt mỏi và thất vọng. Giữa đất lạ, không biết chợ búa nằm đâu mà đi mua. Với lại, Dính cũng không còn tiền... "Đây, có mấy bộ quần áo mới đây, các cháu xem bộ nào vừa thì lấy mặc cho con", một người đàn ông luống tuổi, giọng đặc sệt miền Trung bước tới, đưa bọc túi ni lông ra.

"Quần áo con gái gửi từ Bình Dương về cho mấy đứa cháu ở quê, nhưng thôi... các cháu ở đây cần hơn, các con cứ lấy cho cháu mặc, thay ngay đi, không cháu ốm lại khổ", ông Ngô Văn Thiết (quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An) giục. Những người phụ nữ bối rối nói lời cảm ơn rồi tháo túi bóng, ướm những bộ quần áo mới, còn khô ráo vào người con. Vẫn hơi rộng một xíu nhưng không sao, xắn ống tay lên một tý là vừa.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 4

Ông Thiết vào Bình Dương thăm con rồi ở lại làm phụ hồ, được một thời gian ngắn thì dịch xảy ra, ông thất nghiệp. Vừa rồi, thấy dòng người ùn ùn rời thành phố, ông đòi về cùng. Can ngăn không được, con gái ông đành phải đồng ý để bố chạy xe máy về, dù rằng ông Thiết đã gần 60 tuổi.

Dịch giã nhưng con gái ông cũng xoay xở mua một ít quần áo gửi bố mang về cho các cháu ở quê, gọi là có chút quà của người phương xa.

"Biết tôi cho mấy đứa nhỏ này nó không trách đâu. Mình người lớn, đi cả nghìn cây số, lưng đau, cổ đau, mắt cay xè, huống hồ trẻ con, nhìn mà buốt hết cả ruột. Cái dịch "Cô vít" này tai ác quá. Thôi cố gắng lên các con, về quê an toàn nhé", ông Thiết nói rồi tách khỏi những người đồng hành của mình.

Ông nhập vào đoàn người quê Nghệ An, chạy theo chiếc xe dẫn đoàn để đến nơi cách ly tập trung trước khi về quê. Ông Thiết bảo về đến quê hương là mừng rồi, chỉ mong không "dính" con virus dọc đường...

Dính thay xong bỉm, vệ sinh cho con ngay bên vệ đường, mặc cho con bộ quần áo mới vừa được tặng, khuôn mặt đã giãn ra. Cô chọc con, tiếng cười của đứa trẻ vang lên lảnh lót, thứ âm thanh ấy ngay lập tức thu hút sự chú ý của những người trong đoàn, đã 3 ngày nay họ chỉ nghe tiếng động cơ xe, tiếng còi lẫn tiếng mưa rơi...

Dính lấy hộp sữa, cho con uống xong, trao cho chồng. Bây giờ mới đến lượt cô ăn, chiếc bánh bao nóng hổi từ một tình nguyện viên đưa cho.

Vạn dặm trở về giữa yêu thương

Gửi đứa con lớn ở quê, vợ chồng Vừ Thị Dính vào Bình Dương làm công nhân, mang theo đứa nhỏ mới hơn nửa tuổi. Vào được 7 tháng thì mất 3 tháng nghỉ dịch, những đồng tiết kiệm cuối cùng cũng đã tiêu hết sạch. Thành phố nới lỏng giãn cách, vợ chồng Dính quyết định vay tiền mua xe máy cũ của một người Hà Tĩnh để chạy về quê, giá 14 triệu đồng.

Cũng may em gái Dính còn một ít tiền làm lộ phí. "Không còn tiền đâu, nhưng vẫn phải về thôi. Lúc đầu hết xăng thì xin người đi đường tiền để đổ, sau đi qua các tỉnh đều được tặng xăng, được cho bánh, sữa, nước uống. Con nhỏ được cho cháo để ăn...", Dính rưng rưng kể về những người tốt đã giúp gia đình cô trên hành trình vạn dặm hồi hương. 

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 5

Mải bám theo xe chạy trước mà Xồng A Di (quê huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) không biết mình đã bị lạc đoàn. Vợ chồng Di cùng đứa con nhỏ và 11 người khác quê Sơn La, Cao Bằng chạy xuống tận khu cách ly tập trung dành cho công dân Nghệ An từ miền Nam về quê.

"Bị lạc, lo lắm nhưng các anh Cảnh sát giao thông và các anh ở khu cách ly bố trí chỗ nghỉ ngơi, còn có cả cơm canh nóng hổi nữa. Bữa ăn nóng đầu tiên kể từ khi lên xe về 3 ngày trước đó. Các anh bảo cứ yên tâm nghỉ ngơi cho lại sức, sáng mai sẽ dẫn đến chỗ tập kết để nhập đoàn khác về quê", Xồng A Di kể.

Tối qua, trong căn phòng ấm áp, Di ôm vợ và đứa con nhỏ đánh một giấc tới sáng. Giấc ngủ ngon nhất kể từ khi chàng trai dân tộc Mông ở tận biên giới phía Bắc quyết định chạy xe máy vượt ngót 2.000 cây số về quê.

Đúng như cam kết, sáng hôm sau, đoàn của Xồng A Di được xe chuyên dụng của Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An dẫn tới địa điểm tập kết, bàn giao cho lực lượng điều phối ở đây bố trí, sắp xếp bổ sung vào đoàn để chuẩn bị hướng ra Thanh Hóa. Di nhận can xăng từ một tình nguyện viên, tháo đồ đoàn chất trên xe xuống, đổ đầy bình. Chai xăng dự trữ vẫn treo lủng lẳng phía trước, sẵn sàng cho những chặng đường tiếp theo.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 6
Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 7

Con "chiến mã" của Hà Văn Dũng (quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) liên tục được chất thêm hàng hóa. Những túi bánh, sữa treo lủng lẳng quanh xe. "Quà của người dân dọc đường về đấy chị ạ. Qua các tỉnh, gặp người dân từ miền Nam chạy ra, bà con đều mang quà bánh ra, nhiều khi chối nhưng bà con vẫn "bắt" nhận.

Không phải vì em chê đâu, mà trước lúc về, lo dọc đường con đói nên hai vợ chồng đã chuẩn bị ít bánh sữa, muốn nhường lại cho những người sau nhưng ai cũng bảo cứ nhận đi, còn nhiều lắm. Bánh trái, đồ ăn, sữa, nước uống, còn được đổ xăng miễn phí nữa... Đi giữa yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước, xúc động lắm", Hà Văn Dũng chia sẻ.

Để kịp thời hỗ trợ người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê qua địa phận tỉnh Nghệ An cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch, tỉnh này đã bố trí điểm dừng chân, phân loại người ở các địa phương để tổ chức dẫn đoàn đi qua. Các điểm hỗ trợ an sinh cũng đã được bố trí ngay tại vị trí dừng chân, kịp thời hỗ trợ thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho bà con.

Ngoài số nhu yếu phẩm của các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, nhiều đoàn thiện nguyện và người dân Nghệ An đã có mặt để hỗ trợ đồng bào vơi chút khó khăn trên dặm dài về quê nhà. Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng huy động hàng trăm lượt phương tiện để ưu tiên chở người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và những trường hợp bị hỏng hóc xe cộ, trung chuyển ra địa phận tỉnh Thanh Hóa, giúp bà con rút ngắn quãng đường di chuyển một cách an toàn nhất.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 8

Giàng A Chăng (huyện Phù Yên, Sơn La) ngồi cạnh vợ, đôi mắt xoáy vào bánh sau xe máy. Lốp xe xẹp lép dưới sức nặng của số hành lý chất trên xe. Xe hỏng từ hôm qua, chưa sửa được. "Thế làm sao mà đi?" - tôi hỏi. Chăng cười: "Từ hôm qua đến giờ cả xe, cả người đều được đi ô tô đấy".

Lấy nhau được 2 năm, hai vợ chồng Chăng đưa nhau vào Bình Dương làm thuê khi vợ đang mang bầu được hơn 3 tháng. Làm được 2 tháng thì nghỉ vì dịch, nay đứa con trong bụng đã được 9 tháng, còn 1 triệu bạc "dắt lưng", hai vợ chồng quyết định chạy xe máy cùng đoàn để về quê. "Đẻ ở đâu thì dừng ở đó", Giàng A Chăng hồn nhiên nói.

Hỏi đã đặt tên cho con chưa, ông bố trẻ cười tinh quái: "Chưa, nhưng dọc đường về có nghĩ rồi đấy, con trai thì đặt là Cô - vít, con gái thì đặt là Cô - rô - na". Phàng Thị Tầu ngồi cạnh, đưa tay nhéo vào hông chồng, Giàng A Chăng cười lớn: "Đùa thôi mà". Câu chuyện của vợ chồng Giàng A Chăng như khuấy động gian lán nhỏ. Đám đông chộn rộn lên một lúc vì cái tên của một đứa bé sắp ra đời đã cùng bố mẹ vượt hàng nghìn cây số để về quê.

Vạn dặm hồi hương tránh dịch: Trở về giữa yêu thương - 9

Giàng A Chăng khoe, đi 4 ngày rồi mà mới chỉ tiêu hết một nửa tiền, trung bình cứ mỗi ngày trên dưới 100 nghìn tiền xăng. Còn tiền ăn thì không mất đồng nào cả. "Đi đến tỉnh nào cũng được cho bánh, cho cơm, cho nước uống, có cả sữa nữa mà". Tại khu vực nghỉ chân thuộc thành phố Vinh, vợ chồng Chăng được thông báo, tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ phương tiện để đưa cả người lẫn xe để ra Thanh Hóa, sau đó liên hệ để vợ chồng Chăng được về quê an toàn nhất.

Giang A Chăng bảo còn người là còn của, chỉ cần về đến quê nhà để vợ sinh đẻ an toàn. Qua Tết hết dịch, Giàng A Chăng sẽ quay vào Nam làm việc...