Nghệ An:
Hỗ trợ khẩn cấp công nhân từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch
(Dân trí) - Mỗi lao động là đoàn viên công đoàn người Nghệ An làm việc ở các tỉnh phía Nam sẽ được hỗ trợ 500.000 đồng khi hồi hương tránh dịch.
Chiều 6/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho lao động trở về từ các tỉnh phía Nam.
"Đối tượng là công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, không vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, có hoàn cảnh khó khăn (như lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên, đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi, gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo...).
Mỗi lao động được hỗ trợ 500.000 đồng, nguồn hỗ trợ được trích từ kinh phí hoạt động công đoàn", ông Kha Văn Tám thông tin.
Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An đã lập các tổ công tác tại các điểm cách ly của tỉnh để lấy thông tin, lập danh sách hỗ trợ. Tổ chức công đoàn cấp huyện sẽ thực hiện hỗ trợ người lao động trở về tại địa phương.
Người lao động có trách nhiệm cung cấp bản photocopy hoặc bản chụp hợp đồng lao động, hoặc sổ Bảo hiểm xã hội chụp qua ứng dụng VssID hoặc sao kê ngân hàng tiền lương cá nhân... gửi đến tổ chức, cá nhân theo phân công của tổ chức công đoàn để được hỗ trợ
Từ đầu tháng 10, Nghệ An bắt đầu đón dòng người từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch Covid-19. Số công dân này di chuyển tự phát, chủ yếu bằng xe máy, trong đó có nhiều lao động làm việc trong các nhà máy tại TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai...
Theo ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, địa phương này có 329.000 lao động làm việc ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đã có gần 88.000 người trở về quê, trong đó có hơn 28.000 đang trong độ tuổi lao động. Dự báo số lượng công dân Nghệ An trở về sẽ tăng cao trong thời gian tới do TPHCM và các tỉnh phía Nam đã "mở cửa".
Chị Trần Thị Thủy (xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An) vừa bế đứa con nhỏ gần 2 tuổi đang ngủ say vào nhà chờ được bố trí ở khu vực dưới chân núi Dũng Quyết (phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An), vừa quản lý cậu con trai 4 tuổi tránh bị lạc. Vợ chồng chị Thủy và 2 con nhỏ chạy xe máy từ Bình Dương về tới thành phố Vinh trưa ngày 6/10.
"Vợ chồng tôi đều là công nhân, nghỉ dịch gần 4 tháng, tiền bạc cạn kiệt, không đủ kinh phí để mua vé máy bay, cũng không có xe khách hay tàu hỏa để về nên quyết định chạy xe máy. Biết là đi thế này nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhưng không thể làm cách khác được", chị Thủy chia sẻ.
Hai vợ chồng Thủy và đoàn người Nghệ An được tách thành một khu vực chờ riêng, được hỗ trợ bánh, sữa, nước uống và nhận thông báo đứng đợi để công an dẫn đoàn chạy thẳng tới khu cách ly tập trung. "Thực sự chi phí cách ly tập trung đối với vợ chồng tôi lúc này cũng là cả vấn đề lớn, không biết tỉnh có hỗ trợ gì không?", chị Thủy lo lắng.
Chỉ tính riêng trong 2 ngày 5-6/10, gần 1.500 công dân từ TPHCM và các tỉnh phía Nam đã trở về. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã bố trí tiếp nhận và tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.
Trong cuộc họp bàn phương án tiếp nhận, cách ly công dân trở về từ các tỉnh phía Nam diễn ra vào ngày 5/10, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tổ chức phân loại trên cơ sở khai báo, giấy tờ công dân cung cấp để tổ chức cách ly theo quy định.
Đối với những công dân chưa được tiêm vaccine, chưa được xét nghiệm phải tổ chức cách ly tập trung. Những công dân này sẽ được hỗ trợ tiền ăn, chi phí xét nghiệm ở mức tối thiểu. Đối với những công dân đã tiêm 2 mũi vaccine, có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả âm tính còn hiệu lực thì đưa về địa phương, tổ chức cách ly tại nhà.