PhotoStory

"Tọa độ chết" ngày ấy và bây giờ

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, làm nên một huyền thoại bất tử. 56 năm sau, vùng đất "tọa độ chết" đã thay da đổi thịt.

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 1
Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 2

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi giao điểm của quốc lộ 15A và các đường liên tỉnh.

Từ năm 1964 đến 1972, kẻ thù nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc. Vì thế, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên quốc lộ 1A, kẻ thù tiếp tục đánh phá quốc lộ 15A. Suốt ngày đêm, Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại, hố bom chồng chất hố bom. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn, không cho người và xe qua lại.

Trong ảnh, Ngã ba Đồng Lộc vẫn chi chít hố bom sau 2 tháng kể từ ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc (ảnh chụp 20/12/1968). Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 3
Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 4

Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, khu vực thung lũng Đồng Lộc rộng chưa đầy 50ha bị bom đạn kẻ thù quần nát, xới tung. Ngày nay, những hố bom được khoanh vùng làm chứng tích chiến tranh.

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 5
Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 6

Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sỹ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi tuổi thanh xuân, mồ hôi, xương máu của mình ở lại đây. Họ đã góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và làm nên huyền thoại bất tử về Ngã ba Đồng Lộc. 

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 7
Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 8

Trong những sự hy sinh đó phải kể đến 10 cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, thường được gọi với cái tên 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Đúng ngày này 56 năm về trước (24/7/1968), 10 cô gái ra đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe. Các cô gái làm việc không ngơi tay. Đến 16h cùng ngày, một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Khi máy bay đi qua, 10 cô gái tiếp tục làm việc và bất ngờ bị máy bay phản lực quay lại thả một quả bom trúng đội hình. Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, 10 nữ TNXP đã hy sinh kiên cường dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nhỏ tuổi nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. 

Trong hình là hình ảnh cuối cùng về 10 nữ TNXP đang làm nhiệm vụ. Hố bom nơi 10 cô gái hy sinh vẫn còn cho đến ngày nay, bên cạnh là khu mộ.

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 9

Ngày 24/7, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 56 của 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), 56 năm Chiến thắng Đồng Lộc.

Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã tham dự lễ cầu siêu và tiến hành dâng hương tưởng niệm 10 nữ TNXP.

Giai đoạn chiến tranh, với khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhân dân Đồng Lộc và các xã trong huyện đã sát cánh cùng bộ đội, TNXP, công nhân giao thông. Họ không quản ngại gian khổ hy sinh, vượt qua bom đạn kẻ thù, bám đất, bám làng, kiên cường tham gia và phục vụ chiến đấu, san lấp hố bom, cứu chữa thương binh, bảo vệ tài sản của nhà nước.

Trong cuộc chiến ấy, 1.226 người dân Can Lộc đã bị bom của kẻ thù giết hại. Ngày nay, cách Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc khoảng 500m, chính quyền lập nhà bia tưởng niệm để ghi nhớ đồng bào đã hy sinh vì nghĩa lớn.

Tọa độ chết ngày ấy và bây giờ - 10

56 năm sau chiến thắng, Đồng Lộc - nơi từng được mệnh danh là "tọa độ chết" vì bị đạn bom dày xéo nay đã thay da đổi thịt. Người dân có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, phía xa là những cánh đồng xanh mướt.

Ảnh: Dương Nguyên và Tư liệu