1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ

Nhật Anh

(Dân trí) - Những năm 2010, 2011, dịch vụ tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm nở rộ, nhiều người đến nghĩa trang liệt sỹ xin cất bốc hài cốt người thân, thậm chí có trường hợp đào trộm mộ.

Thức trắng đêm ngăn đào trộm mộ

Ông Cáp Kim Xinh (71 tuổi), làm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã gần 37 năm. Ngần ấy thời gian, ông Xinh tiếp xúc, chứng kiến, lắng nghe rất nhiều câu chuyện về liệt sỹ cũng như thân nhân của họ.

Là một thương binh, hơn ai hết, ông Xinh cảm nhận được nỗi đau, day dứt của thân nhân liệt sỹ, đặc biệt là những gia đình đến nay chưa tìm thấy phần mộ người thân. Ông Xinh cũng luôn đau đáu với những ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ - 1

Ông Cáp Xuân Xinh đã có 37 năm gắn bó với Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính (Ảnh: Nhật Anh).

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính, có 170 ngôi mộ chưa xác định được thông tin. Suốt mấy chục năm qua, rất nhiều thân nhân liệt sỹ đã đến, mang theo hy vọng tìm kiếm thông tin liên quan đến các phần mộ.

"Nhiều gia đình liệt sỹ đã bỏ thời gian, công sức, tìm kiếm mấy chục năm ròng nhưng chưa có kết quả về phần mộ người thân. Thế mới thấy rõ sự khốc liệt của chiến tranh, nỗi mất mát, đau thương của người ở lại kéo dài đến tận hôm nay", ông Xinh nói.

Theo ông Xinh, năm 2010, 2011, dịch vụ tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm nở rộ, nhiều người về các nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Trị, trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính xin cất bốc, quy tập hài cốt người thân, thậm chí là đào trộm mộ.

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ - 2

Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính (Ảnh: Nhật Anh).

Một buổi tối năm 2011, khi cầm đèn đi kiểm tra, ông Xinh phát hiện cửa nghĩa trang mở toang, phía bên trong có 4 người đang đào bới tại một ngôi mộ. Khi ông Xinh hô hoán, tiến đến ngăn cản, nhóm người mới dừng lại và rời đi. Không yên tâm, người quản trang đã phải ở lại suốt đêm để tránh nhóm người kia tiếp tục đào trộm mộ.

Lần khác, ông Xinh đạp xe ra nghĩa trang lúc nửa đêm, gặp một nhóm người đang làm lễ ở mộ liệt sỹ, sẵn sàng cuốc xẻng để đào mộ. Thấy ông Xinh đến, họ năn nỉ, xin được cất bốc ngôi mộ để đưa về quê vì cho rằng, đây là mộ của thân nhân.

Dẫu cảm thông với thân nhân liệt sỹ nhưng việc đào trộm mộ là sai quy định, vừa gây khó khăn cho các cấp chính quyền, lại có lỗi với anh linh liệt sỹ, ông Xinh nhất quyết không đồng ý. Để tránh tình trạng đào trộm mộ tái diễn, suốt thời gian dài sau đó, ông Xinh thường xuyên túc trực ở nghĩa trang để bảo vệ.

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ - 3

Là một thương binh, hơn ai hết, ông Xinh cảm nhận nỗi đau, day dứt của thân nhân liệt sỹ, đặc biệt là những gia đình đến nay chưa tìm thấy phần mộ người thân (Ảnh: Nhật Anh).

"Qua ngoại cảm, một số gia đình cho rằng, đó là phần mộ người thân, nhưng vì không đủ căn cứ khoa học, không được cơ quan chức năng cho phép cất bốc nên họ mới đào trộm.

Việc tìm kiếm, đưa phần mộ về thờ cúng, chăm sóc là điều chính đáng, nhưng không thể quá tin vào ngoại cảm, phải xác định đúng thân nhân, bởi đưa nhầm sẽ khiến hài cốt liệt sỹ thêm một lần lưu lạc", ông Xinh giải thích.

Để làm tròn trách nhiệm, sẻ chia cùng các thân nhân liệt sỹ, mỗi khi có người tới xin cất bốc, quy tập mộ, ông Xinh sẽ báo cáo chính quyền để xác minh. Ông cũng vận động các thân nhân liệt sỹ không nên đào mộ khi chưa xác định chính xác đó là người thân của mình.

"Tôi thường nói với những người đi tìm mộ, nếu mình cất bốc nhầm, một gia đình khác sẽ mất đi cơ hội. Khi chưa xác định chính xác thông tin, hãy để phần mộ liệt sỹ ở đây, tôi nguyện dành cả cuộc đời để chăm sóc, hương khói cho các liệt sỹ thay người nhà", ông Xinh tâm sự.

37 năm "canh giấc ngủ" của các liệt sỹ

Đã 37 năm trôi qua kể từ ngày ông Xinh nhận chăm sóc 631 phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Cam Chính. Ngày qua ngày, ông Xinh và vợ luôn tận tụy với công việc làm sạch đẹp, bảo vệ từng ngôi mộ, hương khói chu đáo, để các anh hùng, liệt sỹ yên giấc ngàn thu.

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ - 4

Nghĩa trang liệt sỹ xã Cam Chính là nơi yên nghỉ của 631 liệt sỹ, trong đó có 170 mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin (ảnh: Nhật Anh).

Ông Xinh cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Xuân, nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vào quân ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ Quảng Trị và huyện Hải Lăng.

Trong một trận đánh vào tháng 7/1972, ông Xinh đau đớn chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bản thân ông bị thương nặng sau khi hứng chịu quả bom B52 do địch trút xuống.

"Đó là một buổi sáng trên chiến trường, tôi cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ thì máy bay địch ném bom, 9 người thì 8 người nằm lại, tôi may mắn sống sót nhưng bị thương nặng ở 2 chân, ù tai", ông Xinh nhớ lại.

Hồi phục vết thương, ông Xinh tiếp tục trở lại chiến trường, tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn tại huyện Hải Lăng. Khi đất nước thống nhất, ông Xinh xuất ngũ, tham gia phát triển kinh tế mới tại nhiều địa phương như Gia Lai, Đồng Nai, năm 1986, trở về sinh sống tại xã Cam Chính.

"Thời điểm 1987, ở xã Cam Chính còn hoang sơ, ruộng vườn chưa được khai phá, đường đi lại khó khăn. Gần chỗ tôi ở có một nghĩa trang liệt sỹ, thấy nghĩa trang rất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, các phần mộ chưa được ốp gạch đá nằm cô quạnh nên tôi xin nhận chăm sóc, hương khói đến nay", ông Xinh cho biết thêm.

Những ngày đầu nhận công việc, ông Xinh và vợ dành thời gian phát quang bụi rậm, san lấp hố bom, quét dọn, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang, các phần mộ. Những dịp lễ, Tết, ông Xinh ở lại nghĩa trang cả ngày để thắp hương cho các liệt sỹ, tiếp đón người dân, thân nhân liệt sỹ đến viếng, dâng hương.

Người đàn ông trắng đêm ngăn người lạ đào trộm mộ liệt sỹ - 5

Ông Xinh cho biết sẽ dành phần đời còn lại để chăm sóc các phần mộ liệt sỹ (Ảnh: Nhật Anh).

Ông Xinh nguyện dành phần đời còn lại để chăm sóc các phần mộ liệt sỹ, với ông đây vừa là trách nhiệm, vừa để tri ân đồng đội, các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính, cho biết, ông Cáp Kim Xinh là một người cựu chiến binh, thương binh mẫu mực. Ông Xinh gắn bó nhiều năm với nghĩa trang liệt sỹ và luôn làm sạch đẹp khuôn viên, các khu mộ, làm lễ cho các đoàn thăm viếng.

Với công việc quản trang, ông Xinh được trợ cấp 700.000 đồng/tháng. Chính quyền xã Cam Chính cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, quan tâm đến đời sống của ông Xinh cũng như các thương binh, gia đình chính sách khác trên địa bàn, qua đó góp phần bồi đắp đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.