(Dân trí) - Từng bị chồng cũ thiêu sống, Kim Ngân chẳng dám nghĩ đến chuyện tình cảm nữa nhưng tình yêu của Minh đã cho cô sự tự tin đi tìm hạnh phúc cho mình.
Tình yêu hồi sinh bà mẹ hai con từng bị chồng cũ thiêu sống
Từng bị chồng cũ thiêu sống, Kim Ngân chẳng dám nghĩ đến chuyện tình cảm nữa nhưng tình yêu của Minh đã cho cô sự tự tin đi tìm hạnh phúc cho mình.
Một sáng đầu tháng 10, Văn Minh, 30 tuổi, chở vợ là Kim Ngân, 33 tuổi đến một phim trường gần nhà ở huyện Củ Chi để chụp ảnh cưới. Đã là bà mẹ hai con nhưng Ngân vẫn hồi hộp. Cô sợ chiếc váy cưới sẽ làm lộ ra những vết sẹo bỏng chằng chịt trên cổ và vai vốn ít ai nhìn thấy. Dù quyết định kết hôn nhưng Ngân vẫn lo người đời bàn tán, dị nghị mình "đèo bòng" khi đi thêm bước nữa.
Thấy vợ ôm chặt và tựa đầu vào vai nhưng im lặng, Văn Minh dường như hiểu, trấn an Ngân: "Anh chưa từng kết hôn, lại nhỏ tuổi hơn em nhưng vì yêu nên chẳng bận tâm lời thiên hạ. Chúng ta hãy cứ vui lên!".
Khi "đứa em" yêu mình
4 năm trước, Ngân tưởng chừng đã chết sau đêm bị chồng cũ thiêu sống. Hồi sinh một cách diệu kỳ và lấy hai con làm động lực, Ngân rời quê nhà Phú Yên vào Sài Gòn lập nghiệp. Vượt qua những khó khăn và mặc cảm vì cơ thể đầy sẹo, cô xuất hiện trên các buổi livestream để bán hàng online. Công việc buôn bán thuận lợi, đầu năm nay Ngân mua đứt căn nhà đã thuê từ những ngày mới vào Sài Gòn ở huyện Củ Chi.
Khi bản thân có cuộc sống ổn định, Ngân còn giúp đỡ những người bạn đồng cảnh. Cô truyền động lực giúp họ tự tin làm lại cuộc đời sau biến cố. Ngân kết nối và giới thiệu họ đến các chương trình phẫu thuật miễn phí, đồng hành cùng họ trong những lần đi viện.
Văn Minh là một trong những người đã từng được cô giúp đỡ như thế. Đầu năm 2020, Minh bỏng hơn 50% cơ thể sau một tai nạn nổ bình xăng xe máy. Thấy hoàn cảnh của anh trong một bài viết trên Facebook, Ngân đến thăm "đứa em" vì anh cũng ở huyện Củ Chi, cách nhà cô chừng 10km.
Sau tai nạn, Minh dường như buông xuôi, suốt ngày ở trong nhà nằm đưa võng, tự biến bản thân thành kẻ vô dụng. Trong khi đó, Ngân lạc quan, tự tin và tháo vát, dù bỏng nặng hơn Minh.
"Các khớp tay của tôi bị co cứng, chẳng thể xúc cơm cũng không tự mình lái xe máy được. Vậy mà Ngân còn bỏng nặng hơn, nhưng cô ấy tháo vát quá", Minh kể.
Vì quý mến và khâm phục bà mẹ đơn thân, anh bắt đầu nhắn tin hỏi thăm Ngân nhiều điều trong cuộc sống.
Một ngày đầu tháng 3/2020, biết tin Minh và một số người bạn đồng cảnh sẽ đến bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng ở quận Tân Bình để khám, phẫu thuật, Ngân bỏ công việc, bắt xe buýt từ huyện Củ Chi lên hướng dẫn các thủ tục.
Lúc khám xong, vì vết thương của anh còn non chưa thể phẫu thuật nên bác sĩ cho về. Ngân ở lại bệnh viện tiếp chuyện một người bạn ở căn tin. Chàng trai cứ ngồi gần Ngân mặc cho cô "đuổi khéo": "Xong việc rồi sao ngồi hoài ở đây vậy?".
"Tôi thấy mình đã thương Ngân, nhưng tự ti bản thân vô dụng. Tôi chỉ biết âm thầm quan tâm chứ chẳng thể nói ra", Minh hồi tưởng.
Sau biến cố, Ngân nhủ lòng ở vậy nuôi con. Cô còn chủ động ghép đôi Minh với một người em gái kết nghĩa nhưng anh không thích. Chàng trai chỉ đồng ý với cô rằng sẽ tập vận động khớp tay để cầm nắm linh hoạt hơn.
Tháng 7 năm ngoái, dịch Covid -19 bùng phát ở Sài Gòn, Ngân dẫn hai con về quê tạm lánh. Những ngày không gặp nhau, hai người thường nhắn tin, gọi điện qua lại để hỏi thăm. Hai đứa con của Ngân cũng quen dần với sự xuất hiện của "chú Minh".
Mỗi lần gọi điện thấy Minh nằm đưa võng, Ngân quát lớn: "Đứng dậy mà làm việc, tập luyện cho cái tay bớt cứng đi chớ". Nghe thế, chàng trai chỉ cười rồi vội vàng bật dậy.
Con út của Ngân tuy chỉ mới 9 tuổi nhưng đã nhận ra sự quan tâm đặc biệt của chú Minh dành cho mẹ. Em thường nói: "Chú thương má rồi, má đừng ăn hiếp chú nữa". Nghe vậy, Ngân chỉ cười cho qua chuyện. Làm người mẹ đơn thân vốn đã vất vả, Ngân sợ mình chẳng thể đủ sức lo thêm cho một người khuyết tật nữa.
"Chú Minh không tự xúc cơm ăn hay chạy xe máy được, mấy đứa muốn má khổ thêm hay gì?", Ngân giải thích với hai con.
Thương Ngân nhưng sợ cô từ chối vì mình vô dụng, Minh không nói. Dù vậy, suốt mấy tháng dịch bệnh, anh đã âm thầm tập tành nấu ăn, làm việc nhà, nhờ bạn giúp tập chạy xe máy.
Người bị bỏng thường sợ nóng vì lớp da toàn sẹo, không thoát mồ hôi, vậy mà Minh vẫn lao vào bếp, tập cầm nắm bằng tay không thuận để nấu ăn. Các ngón tay cứng đờ, mất hết cảm giác vì sẹo chằng chịt, co kéo nhưng anh vẫn cố tập lái xe máy dù nhiều lần bị ngã. Cơ thể đầy sẹo thêm chi chít những vết trầy xước, rướm máu.
"Má con cảm thấy vui là được!"
Gần Tết, khi dịch bệnh qua đi, Minh cứ giục Ngân sớm vào lại Sài Gòn, chẳng nói lý do. Sốt ruột cửa tiệm và căn nhà thuê bị bỏ không nhiều tháng, Ngân và hai con khăn gói vào lại Sài Gòn.
Ngày Ngân và hai con đặt chân xuống sân nhà, Minh đã có mặt ở đó phụ dọn dẹp. Nhìn cậu em thay đổi, nhanh nhẹn tháo vát hơn, Ngân nói đùa: "Sao dạo này mày giỏi thế". Lúc bấy giờ, cô vẫn muốn xem Minh là một người em, dẫu biết anh có tình cảm với mình.
Sắp xếp lại công việc ổn thỏa, Ngân đăng lý phẫu thuật ở phần cổ để xoay trở linh hoạt hơn. Vì sợ hai con không có ai lo, bà mẹ thường nhập viện thứ 6, phẫu thuật xong, chưa đợi bác sĩ cho xuất viện, cô đã trốn về.
"Lần đó về tôi bị tụt huyết áp, ói rất nhiều. Hai con chỉ biết nhìn tôi khóc và tôi thì chẳng biết kêu ai, chỉ sợ mình không gồng gánh thêm được nữa", Ngân bùi ngùi kể.
Lần đầu tiên sau những đớn đau phải trải qua, Ngân thèm cảm giác được chở che.
Hôm sau, Minh đến thăm và đòi chở Ngân đi chợ nhưng cô từ chối: "Mày biết chạy xe không mà đòi chở chị?". Minh chẳng giải thích, chỉ bảo cô lên xe rồi chạy ù ra chợ. Chàng trai vụng về chậm chạp trong mắt Ngân còn biết trả giá cá, chọn từng nguyên liệu nấu canh chua, món cô thích. Về tới nhà, anh xuống bếp nấu ăn chẳng để Ngân phải đụng tay. Người phụ nữ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Cô nghĩ thầm: "Chẳng lẽ vì mình mà Minh thay đổi nhiều đến thế?".
Sau hôm đó, dù chẳng ai thổ lộ nhưng họ đã biết mình chấp nhận tình cảm của nhau. Vốn là trai chưa vợ, Minh bị gia đình ngăn cản chuyện đến với bà mẹ hai con. Thuyết phục gia đình không được, Minh dọn đến ở hẳn nhà Ngân. Hằng ngày, anh lo hết mọi việc trong nhà từ nấu ăn đến chở hai con của Ngân đi học. Lúc rảnh, anh phụ cô bán hàng online.
"Bây giờ nhà có ba người đàn ông, Minh nấu ăn, các con đứa thì rửa chén, đứa thì quét nhà rồi cùng nhau phơi đồ nên tôi chẳng phải đụng tay việc gì. Hằng ngày chỉ tập trung soạn hàng bán", Ngân chia sẻ.
Vốn là trẻ mồ côi mẹ, sống với ba và dì từ năm 13 tuổi nên Minh cũng thèm khát được yêu thương. Thấy Ngân phẫu thuật, lấy ven tiêm thuốc đau đớn, anh không muốn cô sinh nở. Hơn nữa, chàng trai chỉ muốn lo chu toàn cho hai con riêng của Ngân, sợ thêm con sẽ có sự so bì nhau.
"Cũng có một vài người đàn ông tìm hiểu tôi trước Minh nhưng tất cả đều khách sáo, tiếp xúc với các con tôi rất gượng. Minh thì khác, tôi thấy anh yêu thương hai đứa trẻ thật sự", Ngân nói. Cô kể thêm, cứ mỗi chiều nhìn anh lật đật chạy xe máy đi đón con trai út ở trường vì sợ trễ giờ, cô rất xúc động.
Thế là chẳng biết từ lúc nào, hai đứa trẻ chủ động gọi Minh là ba. Cả nhà bây giờ thường chia hai phe. Thi thoảng hai người giận nhau, những đứa trẻ luôn trách Ngân ăn hiếp Minh và nói: "Con thấy ba ngồi ngoài buồn thiu, tội lắm má". Bọn trẻ luôn tìm cách năn nỉ giùm Minh để cả hai làm hòa.
Ngày 23/10 sắp tới, cặp đôi sẽ tổ chức đám cưới, Ngân dự định chỉ mời những người thân ruột thịt. Bữa tiệc sẽ diễn ra ngay trong sân nhà. Khi người lớn hỏi hai con Ngân về việc má sắp lấy chồng, bọn trẻ đáp: "Con thấy má con vui là được!".
"Cậu út còn háo hức xin mẹ cho mời bạn cùng lớp đến dự đám cưới", Ngân cười kể.
Buổi tối, gia đình 4 người ngủ chung 1 phòng để đỡ tốn điện điều hòa. Nhìn hai con và Minh ngủ say, Ngân thở nhẹ, nghĩ về đời mình: "Rốt cuộc, trên đời này chỉ có chuyện sống chết là quan trọng. Khó khăn thì không có cái này sẽ có cái khác. Ai cũng đi tìm hạnh phúc cho mình, bây giờ tôi có hạnh phúc thì nhất định tôi sẽ nắm lấy".
Diệp Phan