1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tinh giản 78.000 biên chế, giảm số lượng nhưng chưa nâng được chất lượng công chức

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Đó là một trong số những nội dung Bộ Nội vụ báo cáo giải trình trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là vị tư lệnh ngành được chọn đăng đàn trả lời chất vấn về vấn đề này.  

Đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong giai đoạn vừa qua, Bộ Nội vụ báo cáo công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là một thành tựu và là một kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm 22,6% so với giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Số liệu thống kê cho thấy, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015.

Như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn của địa phương thấy rằng, việc quản lý, sử dụng biên chế vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định như sử dụng biên chế viên chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp).

Tinh giản 78.000 biên chế, giảm số lượng nhưng chưa nâng được chất lượng công chức - 1

Vẫn còn tinh giản biên chế kiểu cơ học, chưa gắn với nâng cao chất lượng.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Việc triển khai xác định vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua chưa đồng bộ, do thiếu các quy định hướng dẫn về cơ cấu công chức theo ngạch và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm.

Người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ được giao; còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ công chức, viên chức của ngành, địa phương mình.

Chưa chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm thuộc ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Quy định về định mức biên chế công chức, viên chức; về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập... để làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2025.

Đổi mới việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động và chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Đồng thời hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tính đến 30/9/2022, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập được tập trung triển khai thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và các quy định của Quốc hội và Chính phủ, bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể.

Các Bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm được 90% phòng trong Vụ.

Các địa phương giảm được 7 sở và 2.159 phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện.

Các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị (giảm 7.469 đơn vị, đạt 13,5%).