DNews

Tiến sĩ vá dị dạng "lì lợm" và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng

Hoài Nam

(Dân trí) - Hành trình tìm lại cuộc đời cho nhiều số phận mang gương mặt dị dạng của TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung không chỉ đến từ chuyên môn, năng lực, trái tim mà còn khởi hành từ sự... "lì lợm".

Tiến sĩ vá dị dạng "lì lợm" và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng

"Kiên định là con đường tốt nhất để thay đổi số phận" là nỗi lòng được TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Thư ký quốc gia Hội tạo hình mũi châu Á (RSA), nhắn gửi tại lễ ra mắt cuốn sách "Nghèo là vốn liếng".

100% lợi nhuận từ cuốn sách được quyên góp cho quỹ "Nuôi em đến trường" dành cho trẻ em khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 1

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung trong buổi ra mắt cuốn sách "Nghèo là vốn liếng" với 100% lợi nhuận để hỗ trợ nhiều trẻ em khó khăn, vùng sâu vùng xa học tập (Ảnh: Thu Sương).

Mến và những khát khao về gương mặt "người"

Nổi tiếng là người thường xuyên tham gia phẫu thuật từ thiện cho nhiều bệnh nhân khiếm khuyết về ngoại hình, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung "vá lành" và tìm lại cuộc đời cho nhiều khuôn mặt dị dạng.

Bệnh nhân của ông là trường hợp "mặt lưỡi cày" Anh Khoa ở Tiền Giang, cả đời chưa từng ngậm được miệng, chưa từng cắn được thức ăn, lưỡi lúc nào cũng thè ra ngoài.

Là anh Thục ở Nam Định, học sinh giỏi toàn quốc với bằng thạc sĩ trong tay nhưng không thể xin việc, bị ngăn cản tình duyên bởi gương mặt kỳ dị.

Đó còn là chàng "thạc sĩ xe ôm" Nguyễn Duy Phương với những năm tháng cuộc đời chìm trong bóng tối, không có lấy một người bạn, mặc cảm vì bị gọi là "kẻ dị dạng"...

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 2

Bác sĩ Tú Dung cùng ê kip trong ca đại phẫu cho Mến (Ảnh: Thu Sương).

Không dừng lại ở đó, rất nhiều bệnh nhân đã được bác sĩ Dung "thay da đổi thịt" nhưng trong trang viết của mình, bác sĩ Dung nhắc nhiều về chàng trai Lê Văn Mến. Bởi Mến không chỉ là thách thức trong y học mà hơn hết còn thách thức cả quyết định "tôi phải làm gì đó" của ông lúc ấy.

Ông nhớ lại, khi đó, chàng thanh niên có gương mặt biến dạng khủng khiếp, khối thịt trên mặt tràn xuống cổ, phát âm vô cùng khó khăn... tìm đến mình.

Phía sau khuôn mặt dị dạng bởi căn bệnh lạ ập đến năm 20 tuổi, Mến còn có một tuổi thơ đầy bi thương. Mẹ mất khi cậu chỉ mới 5 tuổi, cha cưới vợ mới... 

Người bố đã dắt Mến chạy chữa khắp mọi nơi để chạy chữa. Khi bệnh tình của con ngày càng nặng, chưa tìm được phương pháp điều trị thì... ông qua đời, Mến mất đi điểm tựa và hy vọng duy nhất.

Mến đi đến đâu các bệnh viện lắc đầu đến đó. Hơn 15 năm, anh vật lộn với căn bệnh quái ác, đến uống nước cũng là nỗi sợ hãi khi không dễ đưa chất lỏng vào miệng, phải ngủ ngồi nếu không muốn tắt thở...

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 3

Mến bật khóc sau ca đại phẫu, nói trong thổn thức: "Ba ơi, con được cứu rồi!" (Ảnh: Thu Sương).

Đáng sợ hơn cả là sự kỳ thị, ghẻ lạnh của không ít người xung quanh. Từ ngày mang bệnh, Mến phun thuốc trừ sâu thuê ngoài đồng để kiếm sống. Công việc này còn là cách anh "phòng vệ" để không phải gần ai và không ai phải gần mình.

"Em chỉ cần một khuôn mặt bình thường", câu này nói của Mến cùng những đau đớn chất chứa ám ảnh bác sĩ Dung.

Ông gật đầu nhận. Cái gật đầu làm ông mất ngủ nhiều đêm bởi không biết mình có thể trả cho Mến một khuôn mặt bình thường hay không. Nhất là căn bệnh lạ của Mến chưa tìm được nguyên nhân, các bệnh viện đã từ chối.

Bác sĩ Dung gửi hồ sơ bệnh của Mến đi "cầu cứu" đến các chuyên gia trong và ngoài nước để hội chẩn. Hồi đáp lần lượt gửi về đều là "không tìm được nguyên nhân", "không có lời giải đáp"...

Sau khi cứu Mến, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung được trao Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước với thành tích điều trị thành công biến dạng khuôn mặt kèm rối loạn chức năng đa cơ quan cho bệnh nhân mắc hội chứng Melkersson Rosenthal 15 năm đầu tiên tại Việt Nam.

Không buông tay, ông dắt Mến đến chuyên gia ở lĩnh vực khác. Ông nhớ về thầy của mình, người có kinh nghiệm về bệnh lý ngoài da và biến dạng khuôn mặt.

Khám cho Mến, thầy nói với ông: "Thầy rất vui vì em đã cố gắng đi khắp nơi tìm cho ra căn nguyên bệnh chứ không phải thấy bệnh là phẫu thuật".

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước từ Mỹ, Anh... tiếp tục trao đổi, đến bệnh viện gặp ông cùng thảo luận, hội chẩn tìm giải pháp cho Mến. Lúc đấy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến gặp ông, động viên: "Cố lên Dung!".

Ông cùng với nhiều đồng nghiệp, nhiều nhà khoa học làm việc không ngơi nghỉ lên phác đồ điều trị đặc biệt cho Mến.

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 4

Hành trình của Mến sau suốt 3 năm với 4 ca đại phẫu, 30 giờ gây mê (Ảnh: Thu Sương).

Tháng 8/2018, bác sĩ Dung cùng ê kip tiến hành ca đại phẫu cho Mến giúp gương mặt bệnh nhân cải thiện đến 50%. Sau ca mổ, Mến khóc trong thổn thức: "Ba ơi, con được cứu rồi!" như thốt lên những chất chứa bị ghẻ lạnh bao lâu.

Trong 3 năm ròng, Mến phải trải qua 4 ca đại phẫu, hơn 30 giờ đồng hồ gây mê không chỉ để tìm lại khuôn mặt mà đang tìm lại cuộc đời.

Đi tận cùng vì... "lì"

Sự bền bỉ, nhẫn nại, đi tận cùng khi đồng hành cùng các bệnh nhân của bác sĩ Tú Dung được nhiều người gọi là... lì lợm. Thật ra, sự "lì" này đã hình thành trong ông ngay từ trẻ, từ những năm tháng triền miên trượt đại học và bị đuổi khi đi xin việc làm.

Cuốn sách có tựa "Nghèo là vốn liếng" bởi hành trang ngày nhỏ của ông chỉ có cái nghèo của một gia đình đông con ở một tỉnh miền Trung, là cái đói trong thời bao cấp cùng lời dặn của bố "chỉ có cách học để thoát nghèo".

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 5

Vị bác sĩ sau ca đại phẫu cho Mến - bệnh nhân biến dạng khuôn mặt kèm rối loạn chức năng đa cơ quan cho bệnh nhân mắc hội chứng Melkersson Rosenthal 15 năm đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh: Thu Sương).

Được bố định hướng làm bác sĩ để cứu người, để được xã hội tôn trọng, tình yêu với công việc này cứ lớn lên từng ngày trong cậu bé Dung. Năm đầu thi đại học, Dung đậu trường kinh tế, rớt y.

Lúc đó Dung vừa học kinh tế vừa ôn tập chờ mùa thi năm sau thi lại cùng ý chí "lần này chưa được thì lần sau, lần sau chưa được thì lần sau nữa, con hãy cứ đặt mục tiêu" từ bố.

Năm sau, Dung lại... "trượt vỏ chuối". Không nản, ông tiếp tục ôn thi. Lần này, khi là sinh viên năm 3 trường kinh tế, Dung đậu vào Trường Đại học Y dược TPHCM.

3 năm học đại học để rồi bắt đầu lại... từ đầu trong khi gia đình nghèo, anh em đang lần lượt vào đại học, Tú Dung lao vào đi làm thêm. Ông dạy thêm 5 lớp, mỗi ngày liên tục nhiều ca, cuối tuần kín ca sáng, ca chiều.

Những ngày dạy thêm kín lịch, bài vở trường y ngập tràn, ngày nào cũng phải đi thực tập ở bệnh viện, lại còn đăng ký học tiếng Anh..., ông cũng không biết mình lúc ấy lấy sức từ đâu để vật lộn với khối lượng công việc khổng lồ. 

Học là một chuyện, học rồi kiếm việc ở đâu là nỗi khổ của sinh viên y ngày đó, nhất là với những gia đình không có... "cơ".

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 6

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung thời sinh viên tại Trường Đại học Y dược TPHCM (Ảnh: NVCC).

Khi đang là sinh viên năm cuối, còn hai tháng nữa mới thi tốt nghiệp, ông mang hồ sơ đến xin việc tại một bệnh viện quốc tế ở TPHCM - nơi đang tuyển bác sĩ có 5 năm kinh nghiệm cùng hàng loạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.

Ông bị loại thẳng từ vòng gửi xe.

Vừa ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp, ông mang hồ sơ quay lại bệnh viện. Nhìn thấy ông, chị trưởng phòng nhân sự từ chối thẳng, không nhận hồ sơ.

Hai tuần sau, ông tiếp tục đến nộp hồ sơ. Chị trưởng phòng không còn giữ được bình tĩnh, tỏ ra bực mình và gắt gỏng.

Đã "chai mặt", ông kiên trì năn nỉ chị... mong cho bác sĩ trẻ cơ hội. Chị trưởng phòng dường như bị thuyết phục hoặc cũng có thể "chán quá rồi" với ca này nên gọi giám đốc ra xử lý.

Vị giám đốc người Úc ra nói chuyện với cậu sinh viên, biết cậu quay lại lần thứ 3 đã gật đầu chấp nhận để Dung thi cùng các bác sĩ đủ tiêu chuẩn. Dung hét lên sung sướng, chàng trai lúc ấy chỉ cần được thi là đã mãn nguyện.. 

Kỳ thi trải qua 4 vòng, Dung là người duy nhất đang là sinh viên, chưa có bằng tốt nghiệp cùng 12 bác sĩ dự thi. Mỗi vòng lại loại thêm vài người, sau vòng 4, chàng sinh viên ấy là người duy nhất trúng tuyển.

Một lần khác, sau khi cũng đã bị đuổi nhiều lần vì... xin việc không đủ yêu cầu, ông tìm đến công ty ấy vào đúng tối 30 Tết bởi không có tiền về quê.

Tiến sĩ vá dị dạng lì lợm và những lần đi xin việc bị... đuổi thẳng - 7

Với ông, phải thật sự kiên định, bền bỉ để bước đi thì chúng ta mới có thể đi đến con đường muốn đến (Ảnh: Thu Sương).

Ngày cuối năm vắng tanh, ông gặp vị giám đốc người nước ngoài. Hai người nói chuyện tiếng Anh với nhau mà chẳng ai hiểu người kia đang nói gì. Họ lấy giấy ra viết để trao đổi, nói chuyện... Sau đó, vị giám đốc gật đầu, nhận ông vào làm. 

"Nếu không "lì", nếu không kiên định, bền bỉ, nếu tôi bỏ cuộc, tôi đã không thể đến được con đường mình muốn đi, muốn đến", ông nghẹn ngào.