Thời gian đóng bảo hiểm quá dài mới có lương hưu, nhiều người nản lòng
(Dân trí) - Đây là một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa hấp dẫn đối với lao động phi chính thức.
Theo Báo cáo nghiên cứu Quyền an sinh xã hội của lao động nữ di cư ở Việt Nam do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam thực hiện vào tháng 11/2018, có 97,9% lao động phi chính thức ở Việt Nam không có bảo hiểm xã hội.
Đến năm 2023, lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội vẫn chiếm tới 98%.
Hiện cả nước có hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó số người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất khiêm tốn. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều lao động phi chính thức "lọt lưới" an sinh.
Chia sẻ tại tọa đàm "Giảm nguy cơ lọt lưới an sinh" của Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng các đơn vị tổ chức sáng 23/4, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, năm 2023 có hơn 1,9 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2024 dự kiến hơn 2,5 triệu lao động, độ bao phủ 5,63%.
Theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến người lao động phi chính thức chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Từ thực tiễn, ông Thọ cho biết, nguyên nhân là do thu nhập của họ bấp bênh, không ổn định. Chính vì vậy, lao động phi chính thức chú trọng mưu sinh hằng ngày hơn an sinh sau này.
Bên cạnh đó, lao động Việt có tâm lý ăn sâu vào tiềm thức là "trẻ cậy cha, già cậy con. Chính vì vậy, họ chưa có văn hóa tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc tích lũy đóng góp khi còn trẻ, được hưởng khi về già.
Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng thẳng thắn thừa nhận mức hỗ trợ nhà nước chưa tạo được cú hích khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
"Thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài mới có lương hưu dài khiến một bộ phận người dân nản lòng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng các chế độ được hưởng khi tham gia còn ít", ông Thọ chia sẻ.
Thực tiễn trên đặt ra vấn đề cần chia sẻ, hỗ trợ tích cực ngân sách nhà nước. "Giá như ngân sách nhà nước có điều kiện rộng rãi hơn sẽ hỗ trợ người dân nhiều hơn, trở thành chính sách an sinh xã hội có tính chất chủ động", đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam trăn trở.
Chia sẻ về giải pháp tăng tỷ lệ lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, chính sách pháp luật cũng đã hoàn thiện nhất định, song các giải pháp thực thi còn nhiều hạn chế.
Theo bà Lan, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều điểm mới, tăng quyền lợi cho người tham gia. Trong đó, hấp dẫn nhất phải kể đến là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện bổ sung thêm chế độ thai sản; ốm đau; giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu… Đây là những điểm mới để tăng sức hút với lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.