Lưu ý cho người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần đi làm lại
(Dân trí) - Sau khi rút bảo hiểm xã hội một lần và đi làm lại, người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và phải báo với đơn vị để đóng tiếp chứ không mở sổ mới.
Sau 1 năm nghỉ việc, anh Trương Văn Hào đã rút bảo hiểm xã hội một lần vào tháng 3. Đến tháng 4, Hào xin được việc làm mới. Dự kiến sau 2 tháng thử việc, Hào sẽ được ký hợp đồng chính thức từ đầu tháng 6.
Anh Hào thắc mắc: "Bây giờ công ty có phải đóng bảo hiểm xã hội cho tôi hay không? Sổ bảo hiểm xã hội của tôi có còn duy trì hay không?".
Trả lời anh Hào, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc".
Trường hợp của anh Hào đã được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sau đó đi làm lại thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, công ty và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
Tương tự anh Hào, anh Thành Lộc đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc ở công ty cũ. Nay anh tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty khác.
Anh Lộc hỏi: "Trong trường hợp này, số sổ bảo hiểm xã hội trước đây của tôi có còn tồn tại không? Tôi phải báo công ty mới để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội theo số sổ cũ hay như thế nào? Nếu tiếp tục tham gia theo số sổ cũ thì tôi cần nộp giấy tờ gì không?".
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mã số bảo hiểm xã hội là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy, mã số bảo hiểm xã hội đã cấp được sử dụng khi anh Lộc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty mới.
Trong trường hợp này, anh Lộc phải kê khai hồ sơ đăng ký tham gia theo quy định tại Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 23 Văn bản hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Hồ sơ là tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS), bạn đọc có thể tải TẠI ĐÂY.
Sau khi hoàn tất tờ khai, người lao động nộp cho đơn vị đang làm việc để báo tăng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.