1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa: Hơn 3.000 đơn vị nợ BHXH với số tiền 410 tỉ đồng

(Dân trí) - Nghỉ hưu không có lương, sinh con sau nhiều năm nhưng không được giải quyết chế độ thai sản... đó là những thiệt thòi của gần 15.000 người lao động làm việc trong các doanh nghiệp và đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội tại Thanh Hóa.

Cống hiến hơn 30 năm cho Công ty Cổ phần Licogi 15, thậm chí nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhưng đã nghỉ chế độ gần 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Thỏa (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) vẫn chưa nhận được lương hưu. Nguyên nhân của tình trạng trên là Công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo định kỳ nên không thể chốt sổ lương.

“Hàng tháng lấy lương, công ty đều trừ phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các loại tiền ủng hộ trừ đầy đủ hết. Sau khi mình xong nhiệm vụ rồi, giờ về hưu chẳng được lương hưu, cống hiến bao năm nghĩ mà tủi lắm, cảm thấy như mình bị lừa”- ông Thỏa bức xúc.


Nhiều công nhân của công ty Licogi 15 đã nghỉ hưu nhưng không được nhận lương theo quy định

Nhiều công nhân của công ty Licogi 15 đã nghỉ hưu nhưng không được nhận lương theo quy định

Được biết, trong những năm 2010 trở về trước là thời kỳ ổn định của Công ty Cổ phần Licogi 15. Còn nay, công ty này phải bán bớt máy móc để trang trải vì hoạt động cầm chừng.

Theo thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa thì khoản nợ BHXH của công ty Licogi 15 đã lên tới 10,6 tỉ đồng và hiện chưa thể giải quyết, khiến người lao động mất quyền lợi.

Ông Bùi Văn Lương (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh thanh Hóa) bùi ngùi: “Chúng tôi lên Tổng công ty để hỏi cho ra nhẽ, tại sao nợ lương không trả cho anh em. Hiện giờ, một đội toàn cán bộ lãnh đạo của công ty cũng sắp về mà chắc lại không có lương. Công ty toàn hứa, giờ cũng được 4 năm rồi”.

Theo BHXH tỉnh Thanh Hoá, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thủy Chung (số 2/18, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) cũng xảy ra tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT và chưa bàn giao sổ BHXH về cơ quan BHXH. Điều này khiến người lao động nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Từ tháng 9/2009, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thủy Chung đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho người lao động tại BHXH TP Thanh Hóa. Đến tháng 11/2015, công ty ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đơn vị này mới đóng BHXH, BHYT cho người lao động đến hết tháng 6/2012.

Thống kê của BHXH tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn có gần 7.700 đơn vị đăng ký tham gia đóng bảo hiểm. Nhưng tới hết tháng 9/2016, khoảng một nửa đơn vị trên đang nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với số tiền gần 410 tỉ đồng.

Chị Phạm Thị Tiến, một lao động làm việc tại công ty cho biết: “Trước khi ngừng hoạt động, hàng tháng, công ty vẫn trích trừ tiền BHXH, BHYT vào lương của công nhân nhưng lại không nộp cho cơ quan BHXH, nên chúng tôi không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản”.

Đến nay, đa số lao động trước đây làm việc ở Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thủy Chung đã tìm được công việc mới. Tuy nhiên, những người chưa được chốt sổ BHXH rất khó khăn để chứng minh thời gian đã tham gia BHXH với các đơn vị khác.

Họ cũng sẽ chịu những thiệt thòi khi thời gian tham gia BHXH bị gián đoạn. Hiện nay, trụ sở công ty đã chuyển nhượng cho đơn vị khác, chủ sử dụng lao động luôn từ chối khi người lao động tìm đến nhà riêng để yêu cầu được trả lại sổ BHXH.

Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc BHXH TP Thanh Hóa, cho biết: "Từ năm 2011 đến 2015 đã khởi kiện 149 đơn vị với tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN khi khởi kiện là trên 49 tỉ đồng, tổng số tiền đã thu hồi được sau khởi kiện là trên 39 tỉ đồng".

Cũng theo đại diện BHXH TP Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp và một số đơn vị hành chính sự nghiệp đang nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian dài. Hậu quả gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong thực hiện kế hoạch thu và giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Theo BHXH TP Thanh Hoá, tính đến tháng 6/2016, một số công ty nợ BHXH nhiều như: Công ty CP Xây dựng HANCORP 2 sử dụng 239 lao động, nợ 16,3 tỉ đồng BHXH, BHYT, BHTN; 3 đơn vị thuộc Tập đoàn Vinashin sử dụng 106 lao động, nợ 10,9 tỉ đồng...

Các cơ quan chức năng đã tìm nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm, đưa 184 đơn vị ra khởi kiện nhưng không có nhiều biến chuyển. Trong khi đó, gần 15 nghìn lao động đang bị ảnh hưởng đến quyền lợi như lương hưu, các chế độ liên quan đến BHYT không được hưởng; chưa được đóng BH…

Tình trạng trốn đóng, nộp chậm, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN không những chưa được khắc phục mà còn có chiều hướng gia tăng. Thống kê của BHXH Thanh Hoá cho thấy, riêng tại TP Thanh Hóa: Năm 2009, số nợ là 10,6 tỉ đồng; năm 2010 là 16,9 tỉ đồng; năm 2011 là 24,4 tỉ đồng; năm 2012 là 50,3 tỉ đồng; năm 2013 là 67,4 tỉ đồng; năm 2014 là 74,1 tỉ đồng; năm 2015 là 74,1 tỉ đồng...

Ông Lê Bá Toàn, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ, BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện xử phạt thì BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, báo cáo lại liên đoàn lao động để khởi kiện, nhưng giờ cái thông tư hướng dẫn mới vừa được quy định lại vẫn chưa có, nên càng khó cho việc xử lý”.

Hệ lụy mang lại từ nợ đọng bảo hiểm xã hội là rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang phớt lờ đi quyền lợi của người lao động. Trong khi đó vẫn chưa có giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm ngay từ trong “trứng nước”. Dẫn tới hệ quả người lao động khi về già vẫn phải chật vật tìm kế sinh nhai.

Bình Minh

TIN VẮN:

Ninh Bình: Hơn 2.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH

Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình cùng Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh này vừa ký quy chế phối hợp giữa hai đơn vị gia đoạn 2016 - 2020.

Trong nội dung quy chế phối hợp, LĐLĐ tỉnh Ninh Bình và cơ quan BHXH tỉnh này sẽ tích cực chuẩn bị số liệu hồ sơ và các bước liên quan nhằm đưa các doanh nghiệp trốn đóng BHXH ra toà để đòi quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có trên 3.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1.080 doanh nghiệp tham gia BHXH với 53.245 lao động. Như vậy, vẫn còn trên 2.000 doanh nghiệp chưa tham gia đóng BHXH cho người lao động. Tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đang diễn ra với số nợ lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. Bà Phạm Thị Năm, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Ninh Bình cho biết, trong 4 Khu công nghiệp của tỉnh, tỉ lệ tham gia BHXH ở khối các doanh nghiệp vốn FDI là 93%, trong khi các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, cao nhất chỉ đạt 60%. Theo LĐLĐ Ninh Bình, việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tham gia, đóng nộp BHXH là việc cần thiết bởi đó là hành động thiết thực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

T.B

Nợ BHXH lên tới 14.257 tỉ đồng

Theo BHXH VN, tới đầu tháng 11, số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 14.257 tỷ đồng tới hết tháng 10/2016, bằng 5,6% so với kế hoạch giao thu (cùng kỳ năm 2015, tỉ lệ nợ là 6,3%).

Trong đó: Nợ BHXH: 9.670 tỷ đồng, nợ BHTN: 472 tỷ đồng, nợ BHYT: 4.115 tỷ đồng. Tổng số đơn vị nợ BHXH khoảng 103.000 đơn vị, với số lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khoảng 2,66 triệu người. Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết: Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn cố tình nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền của người lao động (trích trừ tiền lương) nhưng sử dụng vào mục đích khác, không nộp vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN. Đánh giá của đại diện BHXH VN, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT, BHTN và xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

K.H

Nợ BHXH từ 3 tháng trở lên chiếm hơn 6.800 tỉ đồng

Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Trong tổng số nợ tín tới tháng 11/2016, số nợ quỹ BHXH là 9.550 tỷ đồng (trong đó, số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH), nợ BHTN là 516 tỷ đồng, nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng.

Số nợ trên chưa tính số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn. Đánh giá của đại diện BHXH VN, số nợ lớn như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động. “Nguyên nhân vì họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng lại bị doanh nghiệp chiếm dụng, nên không được hưởng quyền lợi của mình” - ông Trần Đình Liệu nói. Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu cũng nhận định, về phía BHXH Việt Nam, công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc thu nợ, nắm bắt tình hình địa phương chưa được thường xuyên, chưa kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự phối hợp của các đơn vị trong việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp, đôn đốc thu nợ đối với BHXH địa phương.

H.A