Nợ BHXH 14.000 tỉ đồng, công đoàn và bảo hiểm xã hội thúc giục khởi kiện

(Dân trí) - Tới tháng 11/2016, số nợ BHXH, BHTN và BHYT đã lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, việc tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiệu quả chưa cao, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của LĐLĐ và BHXH các tỉnh.

Đây là một số điểm đáng lưu ý trong Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Chương trình do BHXH VN, Tổng LĐLĐ VN thực hiện sáng 16/11.

Nợ cao - khởi kiện thấp

Phát biểu tại Hội nghị, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: Theo quy chế phối hợp được ký giữa BHXH VN và Tổng LĐLĐ VN, 15 tỉnh được chọn thí điểm triển khai công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.

Tuy nhiên, công tác khởi kiện do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh thực hiện chưa được như mong muốn.

“Cơ quan BHXH đã chuẩn bị và xác nhận hồ sơ về doanh nghiệp nợ BHXH, LĐLĐ tỉnh chỉ cần ký vào đơn để gửi toà án yêu cầu thụ lý. Tuy nhiên tới nay, số vụ kiện chưa được nhiều. Nếu chúng ta không chủ động gửi hồ sơ khởi kiện ra toà thì sao biết là có hợp lý hay không?” - ông Mai Đức Chính đặt vấn đề với các LĐLĐ địa phương.


Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn (ảnh có tính minh hoạ)

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn (ảnh có tính minh hoạ)

Lo ngại về số nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 14.000 tỉ đồng, cao hơn 5.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015, ông Mai Đức Chính đặt câu hỏi về việc triển khai khởi kiện nhằm làm giảm số nợ trên: Vậy, các LĐLĐ đã đánh giá lại những việc đã làm? những vướng mắc khó khăn để cùng tháo gỡ?

Đồng quan điểm của đại diện Tổng LĐLĐ VN, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, lo ngại về tỉ lệ thu nợ BHXH còn quá thấp.

“Tới 31/10, số nợ BHXH đã trên 14.000 tỉ đồng chưa kể các đơn vị phá sản, bỏ trốn. Tình hình này đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại công tác triển khai? Hiện 16 tỉnh chưa chấp hành ý kiến chỉ đạo của BHXH VN và Tổng LĐLĐ VN trong việc ký quy chế phối hợp. Tại sao cấp trên tổ chức mà cấp dưới chưa thực hiện?

Về phía BHXH, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng Ban Thu (BHXH VN), cho rằng: Ngoài các nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động, số nợ BHXH tăng còn do nguyên nhân từ cơ quan BHXH các cấp.

“Một số giám đốc BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ, chưa quyết liệt chỉ đạo việc đôn đốc thu nợ. BHXH tỉnh chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xửa lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN” - ông Nguyễn Trí Đại nói.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do BHXH các tỉnh chỉ phối hợp, cử người tham gia đoàn thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị và chưa chủ động phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Băn khoăn trong khởi kiện

Ngay tại Hội nghị, nhiều đại diện LĐLĐ và BHXH địa phương đã chia sẻ những khó khăn trong công tác chuẩn bị khởi kiện và thanh tra.

Theo đại diện Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP Đà Nẵng), LĐLĐ TP Đà nẵng đã triển khai khởi kiện được vài tháng qua. Qua đó, doanh nghiệp đã trả hơn 500 triệu đồng nợ BHXH. Dự kiến từ nay tới hết năm 2016, LĐLĐ TP Đà Nẵng có kế hoạch khởi kiện 10 doanh nghiệp

“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các công việc liên quan tới khởi kiện đang dồn lên cán bộ LĐLĐ cấp thành phố, dẫn tới tình trạng quá tải. Chưa kể nhiều doanh nghiệp nợ BHXH nhiều nhưng đã “chết lâm sàng”, khi tiếp cận đến chỉ còn tồn tại trên giấy” - đại diện LĐLĐ TP Đà Nẵng cho biết.

Trong khi đó, đại diện LĐLĐ tỉnh Hoà Bình cho biết, điểm khó là đội ngũ cán bộ chuyên trách dàn trải, chưa có kinh nghiệm tham gia tố tụng. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH cũng lâm vào tình hình khó khăn, khả năng chi trả khó.

“Dù toà án có xử thắng cho phía LĐLĐ, nhưng việc thực hiện thi hành án gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp không còn khả năng chi trả hoặc đã bị phong tỏa trước đó…” - đại diện LĐLĐ Hoà Bình cho biết.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, LĐLĐ tỉnh đã thống nhất với 1 số cơ quan chức năng để chọn 12 doanh nghiệp nợ để khởi kiện vào đầu tháng 12.

Tuy nhiên, đại diện LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng băn khoăn về việc khởi kiện BHXH là khởi kiện tranh chấp tập thể về quyền lợi của người lao động, do đó có phải gửi hồ sơ qua UBND cấp huyện xem xét để làm thủ tục hoà giải sau đó mới đưa sang toà án hay không?.

Cần rốt ráo vào cuộc

Trước thực tế gia tăng nợ BHXH những tháng cuối năm, ông Mai Đức Chính đề nghị 16 địa phương chưa thực hiện ký quy chế phối hợp về khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH cần hoàn tất trong tháng 11. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh cần tập trung khởi kiện vào những doanh nghiệp nợ BHXH trên 3 tháng và còn khả năng chi trả.

Với những băn khoăn của một số LĐLĐ về thủ tục khởi kiện, ông Mai Đức Chính đề nghị: “Các LĐLĐ cần mạnh dạn chuyển hồ sơ cho toà án cấp huyện hoặc tỉnh. Khi toà án không thụ lý yêu cầu thì đề nghị có văn bản trả lời. Đây là căn cứ để Tổng LĐLĐ và BHXH VN gửi kiến nghị tới Toà án nhân dân tối cao để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.

Ngay tại Hội nghị, đại diện Tổng LĐLĐ VN kiên quyết yêu cầu từ nay tới hết năm 2016, mỗi LĐLĐ tỉnh phải thực hiện khởi kiện được 1 số doanh nghiệp nợ BHXH.

Đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy công tác khởi kiện và thanh tra, ông Trần Đình Liệu cho rằng: Nên đưa vào chỉ tiêu khen thưởng, thi đua của 2 ngành. Công tác khởi kiện hiện là trách nhiệm của GĐ BHXH địa phương và LĐLĐ địa phương.

“Về cơ bản công tác triển khai khởi kiện chưa thấy vướng mắc lớn. Vấn đề là chưa tổ chức thực hiện và chưa thực hiện quyết liệt của các cơ quan phối hợp” - ông Trần Đình Liệu nói.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Hà Nội: Thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN

Từ nay tới cuối năm 2016, Liên đoàn Lao động thành phố Hà nội sẽ lựa chọn thí điểm thực hiện khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHTN trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Ba Đình, Đống Đa.

Đây là thông tin được LĐLĐ thành phố Hà Nội đưa ra nhằm thực hiện kế hoạch chống nợ BHXH, BHTN. Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 31.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHTN với số tiền nợ trên 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nợ kéo dài có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của công nhân lao động. Khởi kiện được xem là biện pháp mạnh và hữu hiệu để xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH. Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, việc tổ chức tập huấn kiến thức cho các cấp công đoàn cơ sở đã được triển khai. Tuy nhiên, LĐLĐ thành phố xác định khối lượng công việc còn lớn, quy trình thủ tục phức tạp. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ công đoàn chưa thể đáp ứng ngay được yêu cầu, nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN. Ngoài ra, tổ chức công đoàn muốn khởi kiện dược doanh nghiệp cần phải được người lao động ủy quyền. Nhưng trên thực tế, người lao động thường không nắm rõ tình hình nợ BHXH hoặc e ngại vì lệ thuộc công việc và thời gian theo đuổi các vụ kiện thường kéo dài nên thường không đứng ra khởi kiện.

H.M

Sẽ khởi kiện một số doanh nghiệp nợ BHXH

Ngày 8/11, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã họp với các ngành chức năng nhằm bàn các giải pháp xử lý doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Tại buổi làm việc, đại diện Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tòa án, Công an tỉnh Đồng Nai đã thống nhất đưa 12 doanh nghiệp có thời gian và số tiền nợ bảo hiểm xã hội lớn nhất trên địa bàn ra khởi kiện.

Các doanh nghiệp này đều có thời gian nợ bảo hiểm từ 6 tháng trở lên, doanh nghiệp nợ nhiều nhất là 10 tỷ đồng và thấp nhất là 100 triệu đồng. Trước khi khởi kiện, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai sẽ có văn bản gửi các doanh nghiệp, sau 15 ngày, nếu doanh nghiệp chủ động đóng bảo hiểm xã hội sẽ được xem xét rút khỏi danh sách. Nếu doanh nghiệp vẫn không đóng bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng ở Đồng Nai sẽ thực hiện các quy trình, thủ tục khởi kiện thí điểm, xử lý nghiêm. Theo ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Đồng Nai, với những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, nếu doanh nghiệp có thiện chí khắc phục trên 2/3 tổng số nợ của doanh nghiệp, thì cũng có thể đưa ra khỏi danh sách khởi kiện, tạo điều kiện cho họ có cơ hội thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động.

T.L

Kiến nghị nhiều biện pháp chống trốn, nợ đóng BHXH, BHTN

Theo BHXH TPHCM, thành phố có 40.997 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với hơn 2.753 tỉ đồng. Trong đó, 37.191 doanh nghiệp tư nhân và 3.065 doanh nghiệp FDI.​

Kết quả được công bố trong buổi làm việc của đoàn giám sát liên ngành việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp, chiều 14.10 tại TPHCM cho thấy, số doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT dưới 3 tháng là 27.210 đơn vị với số tiền hơn 1.410 tỉ đồng, doanh nghiệp nợ trên 3 tháng là 13.787 đơn vị với số tiền là 1.343 tỉ đồng. Theo đánh giá chung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ trên là do suy thoái kinh tế khiến một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn trong hoạt động sản xuất. Tình trạng nợ BHTN tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp ngành may mặc, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Nhiều doanh nghiệp khi có phán quyết của toàn án về xử lý khoản nợ trên cũng không còn khả năng thi hành án. Đại diện UBND TPHCM kiến nghị ban hành quy định hoặc chỉ đạo các bộ, ngành ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, UBND TPHCM kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu ban hành các biện pháp cưỡng chế phù hợp để Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cưỡng chế số tiền phạt, số tiền buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…Theo BHXH TP HCM, doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN chủ yếu thuộc mô hình nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 78 %, với quy mô 5-10 lao động; từ 10 - 50 lao động chiếm 16 %; từ 50 đến dưới 500 LĐ chiếm 4,17%; trên 500 lao động trở lên chỉ chiếm 0,45%...

T.H