Tăng lương hưu, cách biệt giữa mức hưởng cao và thấp càng lớn
(Dân trí) - Xét theo nguyên tắc đóng, hưởng của bảo hiểm xã hội, tỷ lệ tăng lương hưu sẽ được điều chỉnh cho nhiều đối tượng. Chính vì vậy, sự cách biệt giữa nhóm hưởng lương hưu cao và thấp ngày càng gia tăng.
Liên quan đến những đề xuất điều chỉnh lương hưu từ 1/7 tới đây, GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội cho rằng, cần phân tích rõ về cơ sở đưa ra mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Xét về nguyên lý, ông Giang Thanh Long nêu, lương hưu, trợ cấp điều chỉnh theo trượt giá, để mức sống của người nghỉ hưu không bị tụt lùi. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và liên quan một phần đến ngân sách nhà nước.
Trong việc xác định mức tăng lương hưu, vị tiến sĩ nhận định, những tính toán của Bộ Tài chính rất quan trọng. Thực tế, người thụ hưởng luôn muốn được tăng lương ở mức cao, người làm chính sách cũng luôn cố gắng tính toán để có thể tăng lương thỏa đáng, giúp cải thiện đời sống người về hưu. Nguyên lý chung, tăng lương vượt quá khả năng tài chính cho phép không thể xảy ra.
Mặt khác, theo nguyên tắc đóng - hưởng của bảo hiểm xã hội, mức điều chỉnh lương hưu áp dụng đồng đều giữa các đối tượng.
Song, điều này dẫn đến hệ quả, khoảng cách mức lương hưu cao nhất, thấp nhất ngày càng cách biệt. Bởi khi điều chỉnh cùng một hệ số, mức hưởng càng cao, số tiền tăng thêm càng nhiều.
Theo ông Giang Thanh Long, thực tế, rất nhiều người hưởng lương hưu vẫn không đủ đảm bảo cuộc sống. Nhóm này thuộc diện dễ tổn thương về mặt thu nhập, không có nguồn thu nhập thay thế.
Chính vì vậy, chuyên gia dân số và an sinh xã hội cho rằng, nên có sự quan tâm hơn nữa, điều chỉnh mức tăng cao hơn với nhóm lương hưu thực sự thấp, không có nguồn thu nhập thay thế để đảm bảo một phần cuộc sống về già cho họ.
Lương hưu, trợ cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng 15% từ 1/7/2024, theo báo cáo tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội mà Bộ Tài chính thực hiện mới đây.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý tại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về việc điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu được dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 28-NQ/TW...
Trong tháng 4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Hiện nay, có gần 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Từ năm 2016 đến năm 2023, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với các mức điều chỉnh tương ứng: 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022); 12,5% (năm 2023) trên mức lương hưu hiện hưởng.
Bên cạnh việc sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ này đề xuất mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 500.000 đồng/tháng.
Nếu được thông qua, cùng thời điểm từ ngày 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và chuẩn trợ giúp xã hội sẽ được điều chỉnh.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, hơn 5,4 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Hơn 15 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.